Huyền Trân Công chúa Lịch sử và giai thoại

07:52, 06/12/2024

Huyền Trân Công chúa (1287-1340) - con gái của Thái Thượng hoàng Trần Nhân Tông và Khâm Từ Bảo Thánh Hoàng Thái hậu, cũng là em gái Vua Trần Anh Tông. Năm 1306, khi vừa tròn 19 tuổi, vâng lời vua cha, vì lợi ích của dân tộc, Huyền Trân Công chúa đã lên đường sang Champa để kết hôn với vua của Vương quốc Champa là Chế Mân và được phong làm Hoàng hậu Paramesvari. Sau khi Vua Chế Mân đột ngột qua đời, Huyền Trân được vua cha sai người đưa trở về Đại Việt. Trở về quê hương, Huyền Trân xuất gia, thọ Bồ Tát giới với Thiền sư Bảo Phác tại núi Trâu Sơn (Bắc Ninh ngày nay), pháp danh Hương Tràng. Sau đó, bà về tu hành tại Chùa Hổ Sơn, xã Liên Minh, huyện Vụ Bản (Nam Định) cho đến khi qua đời.

Nhà thuyền rồng mô phỏng cảnh thuyền rồng đón Công chúa Huyền Trân từ Chiêm Thành về nước.
Nhà thuyền rồng mô phỏng cảnh thuyền rồng đón Công chúa Huyền Trân từ Chiêm Thành về nước.

 

Huyền Trân Công chúa với dân tộc và Phật giáo Việt Nam

 

Theo tham luận của các nhà nghiên cứu lịch sử, văn hóa, tín ngưỡng trình bày tại Hội thảo khoa học: “Huyền Trân Công chúa: cuộc đời và giai thoại” mới được Viện Nghiên cứu tôn giáo (Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam), Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Nam Định phối hợp với UBND huyện Vụ Bản tổ chức, khởi nguyên hành trình làm dâu của Công chúa Huyền Trân trên đất Champa bắt đầu bằng sự kiện Thái Thượng hoàng Trần Nhân Tông đến thăm Champa vào năm Tân Sửu (1301). Được Vua Chế Mân tiếp đãi nồng hậu nên trước khi trở về, Thái Thượng hoàng Trần Nhân Tông đã hứa gả con gái cho Chế Mân. Khi ấy Công chúa Huyền Trân mới 14 tuổi, việc hôn sự bị lùi lại vài năm. Đến năm 1305, Quốc vương Champa sai Chế Bồ Đài và sứ đoàn hơn trăm người đem sính lễ vàng bạc, hương quý, vật lạ để làm lễ vật cầu hôn. Sau khi kết hôn, Quốc vương Champa còn dâng 2 vùng đất: châu Ô và châu Lý cho Đại Việt, sau này Vua Trần Anh Tông đổi tên là châu Thuận và châu Hóa (tức từ Quảng Trị đến Quảng Nam ngày nay). Công chúa Huyền Trân vừa trưởng thành đã sớm gánh trách nhiệm với non sông, cúi đầu gạt lệ, rời bỏ quê hương, rời bỏ người thân qua Champa làm dâu. Theo bước chân công chúa về Champa, những nhóm cư dân Đại Việt di cư vào phía Nam tiếp quản đất đai, làm ăn sinh sống, mở mang bờ cõi. Công chúa Huyền Trân đã trở thành "sứ giả" của mối quan hệ hoà bình, hữu nghị giữa 2 quốc gia, củng cố, tăng cường quan hệ bang giao thân thiện, tránh xung đột để nhân dân được sống yên bình. Bối cảnh bấy giờ, hai nước Đại Việt và Champa đang trong thế tựa lưng vào nhau. Nước Champa đang trên đà phát triển và là đối tượng mà đế chế Nguyên Mông muốn tranh thủ thuyết phục để thực hiện mưu đồ bành trướng xuống phía Nam sau khi dùng vũ lực bất thành. Còn đối với Đại Việt, liên minh chặt chẽ với Champa là vấn đề sống còn trong bối cảnh Nguyên Mông vẫn chưa chịu từ bỏ dã tâm đánh chiếm sau 2 lần xâm lược thất bại. Sống trên đất Champa, Huyền Trân Công chúa đi du hành, kinh lý vãn cảnh khắp nơi để tìm hiểu nền văn hóa nơi đây. Thấm nhuần tư tưởng “từ bi, bác ái” của vua cha, Huyền Trân đã cho xây dựng nhiều đền đài, chùa tháp và thường xuyên chăm lo cho cuộc sống người dân nên được nhiều người yêu mến. Bà thành người kết nối hai cộng đồng Chiêm - Việt. Nhờ bà, nhân dân Chiêm - Việt tránh được họa binh đao, được an hưởng thái bình, no ấm. Thế nhưng lương duyên ngắn ngủi. Hơn một năm sau khi Công chúa Huyền Trân làm dâu Chiêm Thành, Vua Chế Mân đột ngột qua đời. Vua Trần sai người sang Champa đón công chúa trở về quê hương. Sau khi vua cha viên tịch, Huyền Trân Công chúa xuất gia tại núi Trâu Sơn, tức núi Vũ Ninh (Bắc Ninh ngày nay), với pháp danh Hương Tràng. Ít lâu sau, ni sư Hương Tràng về tu tại Chùa Hổ Sơn (Quảng Nghiêm tự), thôn Hổ Sơn, xã Liên Minh, huyện Vụ Bản (Nam Định). Trong thời gian trụ trì tại Chùa Hổ Sơn, ni sư Hương Tràng luôn tận tụy, chăm lo đạo pháp, dạy bảo người dân trồng cấy lúa theo phong tục của người Chăm mà khi ở đất Champa, công chúa đã được chứng kiến. Đồng thời, nhờ hiểu biết về y học nên ni sư bốc thuốc chữa bệnh cho người dân trong vùng cũng như khuyên người dân học Phật, tu thân, tích đức, làm thiện. Chính vì vậy, sau khi viên tịch, ni sư Hương Tràng đã được nhân dân nhiều tỉnh, thành phố thờ phụng như: Nam Định, Thái Bình, Hưng Yên, Huế, Đà Nẵng, Quảng Trị... Việc thờ phụng Huyền Trân Công chúa được người dân duy trì cho đến ngày nay.

Hai pho tượng Huyền Trân Công chúa và Thụy Bảo Công chúa là những di vật thờ tự có giá trị tại chùa Hổ Sơn.
Hai pho tượng Huyền Trân Công chúa và Thụy Bảo Công chúa là những di vật thờ tự có giá trị tại chùa Hổ Sơn.

 

Huyền Trân Công chúa trong đời sống văn hóa tâm linh người Việt

 

Những cơ sở thờ tự Huyền Trân Công chúa tập trung chủ yếu ở các tỉnh, thành phố miền Bắc và miền Trung. Ở vùng biển tỉnh Thừa Thiên Huế có một hòn đảo mang tên Huyền Trân; các di tích: Miếu thờ Huyền Trân (Quảng Trị), Chùa Vũ Ninh (Bắc Ninh), Chùa Hổ Sơn (Nam Định), Đền Huyền Trân (Huế), Miếu thờ Huyền Trân tại Ngũ Hành Sơn (Đà Nẵng)… Những công trình này là biểu tượng tiêu biểu cho lòng ngưỡng mộ, biết ơn mà nhân dân dành cho sự hy sinh và những đóng góp của Huyền Trân Công chúa với quốc gia, dân tộc và Phật giáo. Bà không chỉ được thờ như một vị Bồ Tát, mà còn được thờ như một vị Nữ thần, Mẫu thần, Thành hoàng làng, tổ nghề. Ghi nhớ công lao to lớn của Công chúa Huyền Trân, triều đình nhà Nguyễn đã sắc phong bà là “Trai Tĩnh Trung đẳng thần”.

Chùa Hổ Sơn, xã Liên Minh (Vụ Bản) nằm ở vị trí trên sườn núi Hổ, trên nền đất cao hơn 10m so với mặt đất, có 2 cổng, bố trí đối xứng. Đi vào cổng bên trái, bước lên vài chục bậc thang lát đá là 2 dãy tượng với 18 vị La hán theo nguyên mẫu Chùa Tây Phương, được đúc bằng đá nguyên khối. Chùa gồm 3 tòa: bái đường, trung đường và tam bảo. Nằm chính giữa cổng là tòa tam bảo khang trang; đối xứng bên phải là Đền thờ Huyền Trân Công chúa. Tòa trung đường có đặt tượng 2 công chúa: Huyền Trân và Thụy Bảo (bà cô ruột của Huyền Trân). Cả chùa và đền khi tôn tạo đều giữ đúng kiến trúc “tiền chữ Nhất, hậu chữ Đinh”. Toàn bộ tượng phật, tượng nhị vị công chúa, hoành phi câu đối, các hương án, cấu kiện kiến trúc bên trong đều được chạm khắc tinh xảo, sơn son thếp vàng trên nền nâu đỏ truyền thống, vừa tượng trưng cho sự linh thiêng, uy nghiêm của chốn tâm linh, vừa thể hiện sự phong phú về ngôn ngữ, tư tưởng, ước mơ về một cuộc sống thanh bình, hạnh phúc. Sau hơn 700 năm, hiện Chùa Hổ Sơn vẫn lưu giữ được 27 tượng thờ và 27 đồ thờ cổ, trong đó nhiều cổ thư, cổ vật quý như: tượng nhị vị công chúa, 4 sắc phong của các triều đại phong kiến phong cho 2 công chúa, một số bát hương sứ, sành mang phong cách nghệ thuật thời Lê. Nơi đây diễn ra nhiều dịp lễ trọng của đạo Phật trong năm như lễ Phật Đản, lễ Vu Lan, lễ Thượng Nguyên; các dịp tế lễ vào mồng 9/4 (ngày kị Công chúa Huyền Trân) và mồng 5 tháng Giêng âm lịch (ngày kị Công chúa Thụy Bảo) và các hoạt động văn hóa, sinh hoạt tín ngưỡng dân gian của cộng đồng mỗi dịp hội làng truyền thống. Vào dịp hội làng (9/4 âm lịch), cuộc “du hành” - rước kiệu từ đình sang đền, chùa rồi lại về đình được xem như một cuộc diễu hành kết nối các không gian thiêng, các nhân vật thiêng của làng Hổ Sơn, là sự tổng hòa các nghi lễ thờ Phật, thờ Thành hoàng làng và thờ Thần. Sự phục hồi các nghi lễ truyền thống ở làng Hổ Sơn đã phản ánh sinh động tín ngưỡng đa thần và sự dung hòa tôn giáo của người dân địa phương. Với những giá trị về lịch sử, văn hóa, năm 2006, UBND tỉnh đã ban hành quyết định công nhận Chùa Hổ Sơn là di tích lịch sử - văn hóa cấp tỉnh. Từ năm 2021-2022, Chùa Hổ Sơn đã được trùng tu, tôn tạo quy mô lớn bằng nguồn kinh phí xã hội hóa, với các hạng mục: tam quan, tam bảo, tổ đường, tổ ni đường, nhà Mẫu, Đền Huyền Trân, 12 cây tháp tăng, giảng đường, vườn hoa, cây cảnh, hồ sen, lầu cô, lầu cậu, cột cờ, giếng ngọc đá ong, nhà thuốc nam… Đặc biệt trong khuôn viên chùa, nổi bật là tượng Phật hoàng Trần Nhân Tông bằng đá sa-phia nguyên khối, cao 5,1m cùng Bảo tháp 13 tầng, cao 26m, tượng Phật Bà Quan Âm. Cùng với đó là công trình nhà thuyền rồng (bảo tàng Huyền Trân Công chúa), mô phỏng cảnh thuyền rồng đón Công chúa Huyền Trân từ Chiêm Thành về nước.

Đền thờ Huyền Trân Công chúa tại Khu di tích lịch sử - văn hóa chùa Hổ Sơn.
Đền thờ Huyền Trân Công chúa tại Khu di tích lịch sử - văn hóa chùa Hổ Sơn.

Cuộc đời Huyền Trân Công chúa với 2 sứ mệnh cao cả: tận trung, hiếu nghĩa với dân, với nước và vẹn tròn lòng mộ đạo nơi cửa Phật đã để lại những giá trị nhân văn sâu sắc và giá trị đạo đức Phật giáo cho thế hệ mai sau. Công chúa Huyền Trân đã hy sinh cả tuổi thanh xuân để giúp quốc gia Đại Việt mở mang bờ cõi, thắt chặt mối quan hệ ngoại bang, rồi sau đó lại tiếp tục hoằng dương đạo pháp, cứu khổ, cứu nạn giúp dân cho đến khi trở về với tổ tiên. Trải qua hơn 700 năm, nhưng giá trị về tinh thần yêu nước, lòng nhân ái, độ lượng, từ bi của Công chúa Huyền Trân vẫn vẹn nguyên tâm ý “đạo - đời”.

Bài và ảnh: Khánh Dũng



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com