Lễ hội Chùa Keo Hành Thiện, xã Xuân Hồng (Xuân Trường) được tổ chức từ ngày 12 đến 15 tháng 9 âm lịch hàng năm, gắn liền với tín ngưỡng thờ Đức Thánh tổ Dương Không Lộ. Lễ hội với nhiều giá trị về lịch sử, văn hóa, khoa học và thẩm mỹ, đã được công nhận Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia, có sức hấp dẫn du khách thập phương.
Nghi thức rước kiệu trong lễ hội Chùa Keo Hành Thiện. |
Di tích quốc gia đặc biệt
Chùa Keo Hành Thiện, gồm chùa Keo trong (Thần Quang tự) và chùa Keo ngoài (Đĩnh Lan tự) có giá trị đặc biệt về kiến trúc nghệ thuật, được Bộ Văn hóa (nay là Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch) xếp hạng di tích quốc gia năm 1962 và Thủ tướng Chính phủ xếp hạng Di tích quốc gia đặc biệt theo Quyết định số 2499/QĐ-TTg ngày 22/12/2016.
Theo hồ sơ di tích, chùa Keo Hành Thiện có bố cục kiến trúc thờ tự theo kiểu “tiền Phật, hậu Thánh”, ngoài thờ Phật, chùa còn thờ Đức Thánh tổ, Thiền sư Dương Không Lộ, một nhân vật lịch sử có công lớn đối với vương triều Lý, được vua Lý phong làm Quốc sư kiêm Đại pháp sư. Nhân dân làng Hành Thiện thờ phụng Thiền sư Dương Không Lộ với tư cách là vị sư tổ sáng lập chùa, vị Phúc thần, Thành hoàng, người có công lao khai sáng và tạo lập làng Hành Thiện.
Chùa Keo Hành Thiện, gồm chùa Keo trong (Thần Quang tự) và chùa Keo ngoài (Đĩnh Lan tự) có giá trị đặc biệt về kiến trúc nghệ thuật. |
Chùa Thần Quang có lịch sử khởi dựng từ thời Lý, ban đầu có tên là chùa Nghiêm Quang, do Đức Thánh tổ Dương Không Lộ cho xây dựng vào năm Tân Sửu (1061) trên đất Giao Thủy, phủ Hải Thanh, vì vậy dân gian còn gọi theo địa danh là chùa Giao Thủy. Vì từ “Giao” có âm Nôm là “Keo” nên chùa Giao Thủy còn gọi là chùa Keo.
Năm Tân Hợi (1611) xảy ra lũ lụt lớn, cuốn trôi chùa Thần Quang. Dân ấp Keo cũ phải dời đi hai nơi. Một bộ phận chuyển về mạn Đông Nam hữu ngạn sông Hồng lập nên làng Hành Cung, đến đời Minh Mệnh (1820-1840) đổi là Hành Thiện, nay thuộc xã Xuân Hồng, huyện Xuân Trường, tỉnh Nam Định. Một bộ phận sang tả ngạn sông Hồng về phía Đông Bắc lập làng Dũng Nhuệ, nay là Hành Mỹ thuộc xã Duy Nhất, huyện Vũ Thư, tỉnh Thái Bình. Sau khi định cư, dân làng 2 nơi đều kiến thiết xây dựng ngôi chùa mới kiểu “nội công, ngoại quốc”, có chung phong cách thờ tự “tiền Phật, hậu Thánh” cùng thờ Thiền sư Dương Không Lộ.
Để phân biệt với chùa Keo làng Dũng Nhuệ của Thái Bình, dân làng Hành Thiện gọi ngôi chùa làng mình là chùa Keo Hành Thiện. Công trình kiến trúc chùa Thần Quang mang đậm phong cách nghệ thuật thời Hậu Lê (thế kỷ XVII).
Chùa Đĩnh Lan được xây dựng năm 1787, có phong cách kiến trúc tương đối giống khuôn mẫu của ngôi chùa Thần Quang nhưng quy mô kiến trúc nhỏ hơn. Truyền thuyết địa phương kể rằng trước đây dân làng vớt được pho tượng thánh Mẫu, trên tượng có khắc hai chữ “Đĩnh Lan”, dân làng cho là điềm báo nên xây chùa, đặt tên chùa là Đĩnh Lan thờ Phật và Bồ Tát Quan Âm Nam Hải.
Chùa Keo Hành Thiện hiện còn lưu giữ được nhiều hiện vật, cổ vật mang giá trị tiêu biểu về lịch sử, văn hoá, khoa học và thẩm mỹ của nhiều giai đoạn khác nhau. Đó là hệ thống tượng pháp, bia ký, sắc phong, nhang án, kiệu, chuông, khánh, hoành phi, câu đối…
Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia
Sự “đặc biệt” trong phần hội tại lễ hội Chùa Keo Hành Đặc là bơi trải đứng được tổ chức vào ngày 12 và 15 tháng 9 âm lịch hàng năm. |
“Dù cho cha đánh mẹ treo,
Em không bỏ hội chùa Keo hôm Rằm”
Lễ hội chùa Keo Hành Thiện (tổ chức từ ngày 12 đến 15 tháng 9 âm lịch) được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đưa vào Danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia tại Quyết định số 2963/QĐ-BVHTTDL ngày 27/8/2019.
Các đội trải xuất phát tại kênh Đồng Nê; khi qua Cống Bùi đến sông Ninh Cơ. |
Lễ hội với nhiều hình thức sinh hoạt văn hóa, tín ngưỡng, tâm linh phong phú, độc đáo, thể hiện sự tôn vinh công đức to lớn của Đức Thánh Tổ Dương Không Lộ đối với dân, với nước, thể hiện truyền thống “uống nước nhớ nguồn, ăn quả nhớ người trồng cây” mang đậm giá trị nhân văn, thể hiện bản sắc truyền thống văn hóa Việt Nam.
Phần lễ diễn ra với các nghi lễ đặc trưng: Lễ phụng nghinh rước kiệu Thánh, tổ chức vào sáng ngày 12 và 15 tháng 9 với sự tham gia khoảng 300 người, rước kiệu ba vòng quanh hồ trước gác chuông của chùa. Ngoài kiệu chính, kiệu hờ, kiệu sắc, còn có long đình, hương án, cờ thần, phù kiều, âm nhạc hòa tấu… Nghi lễ Thánh đản và khoa giáo rối tổ chức vào 23 giờ ngày 14 tháng 9 tại cung thờ Thánh Tổ: là nghi lễ quan trọng trong lễ hội chùa Keo để tái hiện ngày sinh của Đức Thánh Tổ Dương Không Lộ.
Mỗi trải có 10 người là trai tráng trong xóm. |
Các khoa cúng gồm: thỉnh Phật, tiếp linh, triệu linh, hiến Thánh lược nghi. Hai bên là dàn nhạc gồm: trống, chiêng, mõ, phách, cảnh, thanh la... bằng giai điệu chầu văn, phách cầm nhịp và tiếng chuông nhỏ ngắt câu chia đoạn. Nội dung các lời hát là lời cổ, ca ngợi công đức của Thánh Tổ Dương Không Lộ.
“Trai xuống trải, gái quay tơ”! Sự “đặc biệt” trong phần hội tại lễ hội chùa Keo Hành Thiện là bơi trải đứng được tổ chức vào ngày 12 và 15 tháng 9 âm lịch hàng năm. Tham gia có 15 trải đại diện cho 15 xóm trong làng.
Các trải đều đóng bằng gỗ dổi; khuôn mẫu thống nhất, cấu trúc hình con thoi, dài 12m, chia 5 khoang đều nhau. Khoang giữa mạn thuyền sâu nhất 40cm, rộng nhất 120cm; phần mũi và lái hẹp lại. Hai mạn thuyền phía lái nhô cao, lượn tròn góc là tai thuyền. Các trải đều được đóng vững chắc, lưu giữ nét đẹp truyền thống và được bảo dưỡng, sửa chữa thường xuyên. Thuyền được bọc bằng vải lụa, đánh bóng, sơn mài nhiều lần, nên có màu đen bóng cả hai mặt trong, ngoài và viền son tươi hai bên mạn.
Trên sông Ninh Cơ, cuộc đua diễn ra 3 vòng trên sông với tổng chiều dài hơn 40km, thời gian gần 5 giờ. |
Theo quy định, mỗi trải có 10 người là trai tráng trong xóm; không được thuê, mượn tay chải xóm khác. Trước khi phát lệnh, các đội phải bốc thăm vị trí xuất phát và làm lễ “lấy chân chèo”. Các đội trải xuất phát tại kênh Đồng Nê; khi qua Cống Bùi đến sông Ninh Cơ. Trên sông Ninh Cơ, cuộc đua diễn ra 3 vòng trên sông với tổng chiều dài khoảng hơn 40km, thời gian gần 5 giờ. Đội đua đầu tiên chạm vào cây nêu cắm tại kênh làm mốc là giành chiến thắng. Kết thúc cuộc thi, các tay trải trong đội đều lưu giữ một sợi quai chèo hoặc cành cây nêu với quan niệm đem lại may mắn, sức khoẻ trong cuộc sống.
Trong lễ hội chùa Keo Hành Thiện còn có trải cò cốc (bơi thuyền cò cốc), được tổ chức tại hồ nước rộng phía trước chùa trong. Trải cò cốc được làm bằng gỗ dẻo, dọc thớ, dài khoảng 12m, thân giữa phình, hai đầu thuôn vươn lên cao, giống cổ con cò (nên gọi là cò cốc), trang trí đầu rồng nên còn gọi là thuyền rồng. Theo lệ làng, chỉ những đội thắng cuộc trong cuộc thi bơi trải năm trước thì mới được trải cò cốc.
Trải cò cốc (bơi thuyền cò cốc) được tổ chức tại hồ nước phía trước chùa trong tại lễ hội Chùa Keo Hành Thiện. |
Hàng năm, đội lựa chọn 10 thanh, thiếu niên, trong đó có 1 người lái và 9 người trải. Việc tổ chức trải cò cốc nhằm tái hiện nghề chài lưới của Thánh Tổ Không Lộ, đồng thời cũng để tuyên dương các đội đoạt giải nhất trong hội thi bơi trải, thể hiện sự kế thừa, nối tiếp của thế hệ trẻ để khi lớn lên, các em có thể tham gia bơi trải đứng.
Trong lễ hội chùa Keo Hành Thiện còn có các hoạt động khác như: làm bánh giầy, rước đèn, leo cầu ngô, múa rồng, múa sư tử và nhiều hoạt động văn hóa, thể thao như: hát Chèo, cờ tướng, tổ tôm điếm, cầu đu, bắt vịt, múa roi, chọi gà, biểu diễn thể dục dưỡng sinh... mang đậm bản sắc truyền thống và phong tục văn hóa của vùng đồng bằng Bắc Bộ.
Bài, ảnh: Việt Thắng
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin