Viết tiếp truyền thống cách mạng vẻ vang ở Yên Lương

09:10, 29/08/2024

Trong những ngày tháng Tám lịch sử, chúng tôi về xã Yên Lương (Ý Yên) - một vùng quê giàu truyền thống cách mạng, kiên cường, anh dũng “bám đất, giữ làng” thuở trước. Tiếp nối truyền thống cách mạng vẻ vang đó, ngày nay Đảng bộ và nhân dân xã Yên Lương đã nỗ lực trong xây dựng quê hương nông thôn mới (NTM), là một trong những xã đầu tiên của huyện Ý Yên về đích xây dựng NTM kiểu mẫu nổi trội về chuyển đổi số. Đời sống của người dân ngày càng được nâng cao.

Đồng chí Bí thư Đảng bộ xã Yên Lương (thứ 2 bên phải) giới thiệu về truyền thống cách mạng của xã.
Đồng chí Bí thư Đảng bộ xã Yên Lương (thứ 2 bên phải) giới thiệu về truyền thống cách mạng của xã.

Những năm tháng sục sôi cách mạng

Trong cuốn Lịch sử Đảng bộ xã giai đoạn 1930-2000 ghi rõ: Xã Minh Lương xưa (thuộc tổng Nghĩa Hưng), Yên Lương ngày nay ở gần với cao điểm núi Gôi (Vụ Bản), nơi địch có thế mạnh về pháo; đồng thời giáp với đường 10 - tuyến cơ động nhanh nhất của địch nên Minh Lương thực hiện chiến thuật chiến tranh du kích, trở thành pháo đài đánh địch. Trong Cách mạng Tháng Tám và trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược, nơi đây là căn cứ cách mạng nổi tiếng với phong trào rào làng kháng chiến, trong đó làng Hoàng Mẫu có vị trí tiền tiêu quan trọng, nối liền với các làng kháng chiến của các xã lân cận, tạo thành hệ thống “làng kháng chiến” liên hoàn, vững chắc, chặn đánh, tiêu hao sinh lực địch. Đội du kích tập trung của xã Yên Lương được đánh giá là đơn vị mạnh nhất của huyện đã phối hợp với các lực lượng kiên cường, anh dũng chiến đấu hơn 40 trận, đặc biệt là 4 lần giằng co với địch trong chiến dịch “địch quyết lập tề, ta quyết phá tề” đã diệt và loại khỏi vòng chiến đấu nhiều tên địch; trong đó có một số lính Âu, Phi và thu được hàng loạt chiến lợi phẩm.

Người dân xã Yên Lương ngày nay vẫn khắc ghi sự hy sinh của 24 người gồm cả bộ đội địa phương và dân quân du kích xã đã anh dũng bảo vệ làng kháng chiến Hoàng Mẫu và các làng kháng chiến trong khu liên hoàn trong trận càn của địch vào ngày 5/2/1951 (tức ngày 30 tháng Chạp năm Canh Dần). Trong đó phải kể đến sự hy sinh anh dũng của đồng chí Hoàng Đàm, Chủ tịch Ủy ban hành chính xã Minh Lương trong một lần bí mật về cơ sở thôn Nhân Nghĩa để kết nối liên lạc, chỉ đạo phong trào kháng chiến. Trước khi bị địch hành quyết ở ngay đầu làng Nhân Nghĩa, đồng chí đã đánh trả quyết liệt, làm bị thương nhiều binh lính; lúc bị địch bắt, đồng chí đã vạch trần tội ác của bọn tề, dõng Việt gian bán nước và hô vang khẩu hiệu “Hồ Chí Minh muôn năm/ Đảng Cộng sản Việt Nam muôn năm!”.

Mặc dù bị giặc tàn phá nhưng Đảng bộ và nhân dân Yên Lương vẫn hăng say sản xuất, sẵn sàng chi viện sức người, sức của cho cách mạng. Kết thúc cuộc kháng chiến chống Pháp, 43 người con của xã Yên Lương đã anh dũng hy sinh, nguyện làm “mỗi thân rơi là một nhịp cầu” để dân tộc bước lên đài chiến thắng!

Số hóa vùng quê cách mạng

Tiếp nối truyền thống cách mạng của quê hương, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân xã Yên Lương đã luôn phát huy tinh thần đoàn kết, nỗ lực vượt lên khó khăn, chung sức xây dựng quê hương ngày càng phát triển. Những năm gần đây, Đảng ủy xã Yên Lương đã đề ra những giải pháp phát triển kinh tế - xã hội phù hợp với tình hình của địa phương, đạt nhiều thành tựu đáng tự hào. Đặc biệt, từ xã thuần nông, điều kiện kinh tế còn hạn hẹp nhưng Yên Lương đã sớm “cán đích” xã NTM kiểu mẫu vào năm 2023 với tiêu chí nổi trội về chuyển đổi số.

Đồng chí Nguyễn Tự Lực, Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch HĐND xã Yên Lương cho biết: Một trong những “bước đột phá” được Đảng ủy, UBND xã chọn lựa để thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội địa phương đó là xây dựng nghị quyết chuyên đề lãnh đạo, chỉ đạo đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu kinh tế, cơ cấu lao động, từng bước đa dạng hóa ngành nghề; ra nghị quyết chuyên đề về xây dựng NTM để huy động được sự “vào cuộc” của cả hệ thống chính trị và sự tham gia tích cực của các tầng lớp nhân dân trong thực hiện các tiêu chí xây dựng NTM nâng cao, kiểu mẫu. Quê hương ngày càng đổi mới, khang trang. Dọc các tuyến đường thôn, xóm đều được chiếu sáng, đèn điện, cờ, hoa rực rỡ; biển chỉ dẫn, camera an ninh được lắp đặt tại các đường dong, ngõ thuận tiện cho việc đi lại và đảm bảo an ninh. Nhà văn hóa của 7 xóm đều lắp đặt các bộ dụng cụ tập luyện thể dục, thể thao ngoài trời và phát sóng wifi miễn phí phục vụ nhân dân. Hệ thống loa truyền thanh trước đây được cải tiến thành hệ thống truyền thanh thông minh ứng dụng công nghệ số. Xã đã nâng cấp hệ thống đường truyền internet nhằm phục vụ chuyển đổi số; sử dụng phần mềm quản lý văn bản và điều hành của tỉnh, văn bản được liên thông 3 cấp, 100% văn bản đến được tiếp nhận, phân bổ và xử lý theo quy định. Cán bộ, công chức xã thường xuyên ứng dụng công nghệ thông tin trong xử lý công việc, giao tiếp với người dân thông qua các phương tiện truyền thông số, mạng xã hội.

Các Tổ công nghệ số cộng đồng hoạt động tích cực hướng dẫn người dân tiếp cận, cài đặt, sử dụng dịch vụ số, phục vụ nhu cầu thiết yếu và chuyển đổi số như: dịch vụ công trực tuyến, y tế, giáo dục, chính sách xã hội, phòng chống dịch, phòng cháy, chữa cháy; sử dụng các dịch vụ tiện ích như thanh toán tiền điện, nước, giao dịch ngân hàng, xây dựng thương hiệu sản phẩm chủ lực của thôn… 50% hộ gia đình trong xã đã cài đặt phần mềm “VOV bác sĩ”. Các trường mầm non, tiểu học, THCS đã ứng dụng công nghệ số vào các hoạt động như thông báo lịch học, quản lý trên zalo và các khoản đóng góp của học sinh phụ huynh đều sử dụng hình thức thanh toán trực tuyến. Năm 2023, chỉ số cải cách hành chính của xã đứng thứ 3 toàn huyện, tăng 5 bậc so với năm 2022. Xã đã xây dựng được một số sản phẩm kinh tế chủ lực của địa phương như: gạo 888, cà chua Toản Xuân, cải bó xôi Toản Xuân, gạo sạch Toản Xuân, gạo 999; nấm đông trùng hạ thảo Thành Nam… đều ứng dụng công nghệ số, thiết lập mã QR code để có thể truy xuất nguồn gốc, giới thiệu, bán trực tuyến trên các nền tảng mạng xã hội... mang lại hiệu quả kinh tế cao cho người dân. Hiện nay, xã Yên Lương đã xây dựng được 2 mô hình thôn thông minh tại các thôn Tử Vinh, Thụy Nội. Ở những thôn này, 100% người dân được tập huấn, phổ biến kiến thức, kỹ năng số, sử dụng nền tảng số, ứng dụng di động, dịch vụ trực tuyến. Ngoài ra, 100% hộ dân trong 2 thôn được gắn mã địa chỉ QR trên nền tảng bản đồ số, xác định vị trí tọa độ (GPS) để kết hợp với các dịch vụ tiện ích thông minh khác…

Phát huy truyền thống cách mạng vẻ vang của quê hương, dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo năng động, sáng tạo của cấp ủy, chính quyền, sự đồng thuận của cán bộ, đảng viên, nhân dân, từ chỗ là một trong những xã nghèo nhất của huyện Ý Yên, xã Yên Lương đã có những bước phát triển vượt bậc về kinh tế - xã hội, đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân trong xã ngày càng được nâng cao, thu nhập bình quân đầu người đến nay đạt trên 72 triệu đồng/năm, tỷ lệ hộ nghèo giảm xuống còn 0,9%. An ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội trên địa bàn xã luôn được giữ vững. Các thế hệ cán bộ, đảng viên, nhân dân Yên Lương ngày nay đang viết tiếp những trang sử đầy tự hào của quê hương cách mạng trong thời kỳ đổi mới.

Bài và ảnh: Nguyễn Hương



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com