Ký ức Điện Biên trong trái tim người lính

08:16, 03/05/2024

Đều ở vào tuổi “xưa nay hiếm” nhưng khi nhớ về những ngày tháng xông pha trận mạc tại chiến trường Điện Biên Phủ, ký ức về khoảng thời gian: “Năm mươi sáu ngày đêm khoét núi, ngủ hầm, mưa dầm, cơm vắt. Máu trộn bùn non. Gan không núng. Chí không mòn”… vẫn như còn nguyên vẹn, ấm nóng trong trái tim những người lính mà chúng tôi gặp. Đối với họ, quãng đời đẹp nhất chính là “trên trận tuyến chống quân thù”.

Cựu chiến binh Bùi Quốc Trản (bên phải), thôn Hổ Sơn, xã Liên Minh (Vụ Bản) kể lại những kỷ niệm tham gia Chiến dịch Điện Biên Phủ.
Cựu chiến binh Bùi Quốc Trản (bên phải), thôn Hổ Sơn, xã Liên Minh (Vụ Bản) kể lại những kỷ niệm tham gia Chiến dịch Điện Biên Phủ.

Trong căn nhà nhỏ ở xóm Đoài Đông, xã Nam Toàn (Nam Trực) một ngày cuối tháng 4, chúng tôi có dịp trò chuyện với cựu chiến binh (CCB) Hoàng Đình Tiếp. Năm 1951, khi vừa tròn 19 tuổi, ông xung phong nhập ngũ tại Trung đoàn 174, Sư đoàn 316, Binh đoàn pháo binh. Ông xúc động kể: “Anh trai tôi, liệt sĩ Hoàng Văn Liên là chiến sĩ cảm tử quân đánh bom ba càng, hy sinh khi giặc Pháp bao vây thành phố Nam Định. Khi đó, để chặn đường tiến quân của địch trên Quốc lộ 21B đi Hà Nội, anh tôi đã dùng bom ba càng tấn công xe tăng Pháp. Nhận giấy báo tử của anh, cả nhà tôi rất buồn. Khi Pháp bao vây Nam Toàn, chúng còn dụ tôi đi lính. Nhưng tôi xác định, thà chết chứ không đi lính, làm tay sai cho thực dân Pháp. Nghe theo lời hiệu triệu của Bác Hồ, tôi nhập ngũ với quyết tâm “đền nợ nước, trả thù nhà”. Cuối năm 1952, ông tham gia đánh Mộc Châu (Sơn La). Tại chiến trường Mộc Châu, ông đánh tàn quân Pháp ở Nà Sản và đánh đồn Muồng Bồn. “Lúc này Pháp đóng quân ở trên núi và dàn trận trên các ruộng bậc thang. Đơn vị chúng tôi đã phối hợp với các lực lượng chủ lực khác sử dụng bộ binh, pháo binh, đại liên đánh Pháp. Cũng chính trong trận chiến này đã có nhiều tấm gương hy sinh anh dũng của bộ đội ta được lưu danh sử sách”, ông Tiếp nhớ lại.

Cuối năm 1952 trước tình thế cấp bách ở chiến trường, tướng Henri Navarre quyết định điều thêm quân vào Điện Biên Phủ bằng cách nhảy dù, đơn vị ông Tiếp nhận chỉ thị mới, đánh các địa điểm đồi Độc Lập, đồi Ba Khe, đồi Him Lam. “Để đối phó với giặc Pháp, đơn vị tôi được lệnh vừa đánh Điện Biên Phủ vừa ăn Tết ngay tại trận địa. Lúc này, nhiệm vụ của chúng tôi là đánh lòng chảo Mường Thanh, chủ yếu đánh các điểm A1, C1, C2, C3 và đồi Cháy. Quá trình chiến đấu, đơn vị tôi bị thương vong khá nhiều. Tuy nhiên, chúng tôi không nản chí mà dốc toàn lực cho trận cuối cùng, đánh cứ điểm đồi A1”, ông Tiếp kể. Nằm ở phía Đông trung tâm Tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ, đồi A1 có vị trí quan trọng bậc nhất trong hệ thống 5 quả đồi phía Đông bảo vệ trung tâm Mường Thanh. Tại đây, giặc Pháp bố trí nhiều binh lực, hỏa lực mạnh, có công sự kiên cố, vững chắc. Để đánh đồi A1, Bộ Chỉ huy chiến dịch quyết định đào đường hầm, chui sâu vào lòng đất rồi dùng bộc phá lớn đặt dưới chân hầm ngầm của địch. Nhận lệnh đánh đồi A1, đơn vị của ông Tiếp cũng như bộ đội chủ lực của ta tập trung lực lượng đánh Pháp. “Chiến dịch Điện Biên Phủ kéo dài 56 ngày đêm nhưng riêng thời gian đánh đồi A1 đã mất 39 ngày đêm. Quân địch bố trí nhiều binh lực, hỏa lực lợi hại trong các công sự kiên cố để chống trả các đợt tấn công của quân đội ta. Lúc ấy, cuộc chiến diễn ra vô cùng khốc liệt, ta và địch giành nhau từng tấc đất”, ông Tiếp nhớ lại. Chúng tôi hỏi ông, chiến đấu ác liệt như vậy, ông có sợ không? Ông Tiếp khẳng định dứt khoát: Nếu sợ tôi đã không đi bộ đội, không xác định “quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh”. Với ý chí quyết chiến, quyết thắng, sau 56 ngày đêm chiến đấu, đơn vị của ông Tiếp đã cùng quân và dân ta tạo nên chiến thắng Điện Biên Phủ “lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu”. Kết thúc chiến dịch, ông Tiếp còn tham gia đánh tàn quân Pháp, sau đó ra quân, công tác tại Tỉnh uỷ Sơn La. Năm 1973, ông về Nam Định làm chuyên viên ở Sở Giáo dục và Đào tạo cho đến khi về hưu vào năm 1985.

Tròn 70 năm từ khi rời chiến trường Điện Biên Phủ nhưng ký ức về những ngày binh nghiệp vẫn như còn ấm nóng trong tâm trí cựu chiến binh Bùi Quốc Trản, thôn Hổ Sơn, xã Liên Minh (Vụ Bản). Năm 1949, khi mới 16 tuổi, ông Trản đã tham gia du kích ở địa phương. “Hồi ấy mặc dù nhỏ con nhưng tôi “gan” lắm. Giặc Pháp tràn vào làng càn phá, cùng với các anh em đồng chí, chúng tôi kiên cường bám trụ, giữ vững địa bàn, phối hợp với bộ đội đánh Pháp”, ông Trản kể. Năm 1949, ông nhập ngũ làm lính quân nhu đóng quân ở Việt Bắc. Năm 1950, đơn vị giải thể, ông Trản về lại địa phương tiếp tục tham gia hoạt động du kích. Trong những năm tham gia du kích ở xã, ông Trản đã có lần lên loa phát thanh kêu gọi nhân dân phá tề. Ông cũng đã từng bị Pháp bắt, dong đi khắp làng. Chúng tra tấn ông dã man hòng bắt khai ra các cơ sở cách mạng. Trước mọi đòn roi của kẻ thù, ông Trản kiên quyết thực hiện “3 không” (không biết, không nghe, không thấy). Không khai thác được thông tin từ ông Trản, giặc Pháp buộc phải thả ông. 

Năm 1952, khi cuộc kháng chiến chống Pháp của dân tộc ta ở vào giai đoạn quyết liệt, ông Trản tái ngũ, nhận nhiệm vụ trinh sát tại Sư đoàn 312, đóng quân ở Phú Thọ. Năm 1953, đơn vị ông hành quân lên Điện Biên. Nhiệm vụ của ông Trản khi tham gia Chiến dịch Điện Biên Phủ là trinh sát thực địa, điều tra nắm tình hình địch tại các đồi Him Lam và E1. Để có thể thực hiện nhiệm vụ của mình, tốp của ông Trản gồm 3 người xuất phát vào ban đêm, bò qua hàng rào dây thép gai, vượt qua các vòng vây của địch để trinh sát nắm “dân tình, địch tình”. Quá trình làm nhiệm vụ, họ mang theo vũ khí, súng đạn, nếu bị địch phát hiện thì trực tiếp chiến đấu. “Để nắm địch tình, lính trinh sát chúng tôi thường chọn thâm nhập, quan sát các bếp ăn, lô cốt. Từ đó, tính toán quân số của địch, ghi nhớ các vị trí canh gác, bố phòng”, ông Trản cho biết. Thực hiện nhiệm vụ trong điều kiện cực kỳ nguy hiểm, tuy nhiên chưa bao giờ ông cảm thấy sợ hãi: “Tình huống không may bị địch phát hiện và vây bắt, chúng tôi sẵn sàng “tử thủ”, ông Trản khẳng định. 

Trong suốt những năm tháng chiến đấu tại Chiến dịch Điện Biên Phủ ông Trản nhớ nhất là lần tham gia cùng đơn vị đánh Pháp trên một cách đồng. Khi đó, quá trình trinh sát, tiểu đội ông phát hiện 1 đơn vị của địch đang di chuyển. Ngay lập tức mũi trinh sát của ông báo về với chỉ huy đơn vị và tổ chức đánh, bắt sống đại đội lính Pháp. Chiến dịch Điện Biên Phủ kết thúc với thắng lợi to lớn, cuối năm 1954, ông Trản cùng đơn vị hành quân về tiếp quản Bắc Ninh. Tháng 12-1959, ông xuất ngũ về địa phương, đảm nhiệm các chức vụ Xã đội trưởng, Phó Chủ tịch, quyền Chủ tịch UBND xã. Về nhà, ông mới biết tin bố mẹ, em trai bị giặc Pháp bắn chết trong một trận càn. Năm 1964, khi cuộc kháng chiến chống Mỹ của dân tộc đang ở vào giai đoạn cam go, quyết liệt, ông Trản lại xung phong tái ngũ nhưng huyện không đồng ý do lo ngại sức khoẻ của ông không tốt. Những đóng góp của ông Trản được ghi nhận bằng nhiều phần thưởng, danh hiệu cao quý như: Huy chương Kháng chiến chống Pháp hạng 1, hạng 2; Huân chương Kháng chiến chống Mỹ hạng 1, Huân chương Chiến sĩ vẻ vang…

Hai người lính trực tiếp tham gia Chiến dịch Điện Biên Phủ mà chúng tôi gặp mỗi người một đơn vị, nhiệm vụ khác nhau. Nhưng “điểm chung” của họ là tinh thần yêu nước, ý chí kiên cường bất khuất. Họ là chứng nhân của những chiến sĩ Điện Biên: “Chiến sĩ anh hùng. Đầu nung lửa sắt… Dù bom đạn xương tan, thịt nát. Không sờn lòng, không tiếc tuổi xanh”…

Bài và ảnh: Hoa Xuân Văn Huỳnh



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com