Hồi ức của những chiến sĩ cách mạng bị địch bắt tù đày

08:10, 29/04/2024

Trải qua các cuộc kháng chiến trường kỳ của dân tộc, Nam Định có hàng trăm chiến sĩ cách mạng bị địch bắt, tù đày tại các nhà lao. Trở về từ “địa ngục trần gian”, những câu chuyện của họ và những người đồng đội vượt qua muôn vàn gian lao, vất vả, cống hiến xương máu cho hòa bình, độc lập dân tộc trở thành những tấm gương sáng về chủ nghĩa Anh hùng cách mạng để các thế hệ con cháu mãi mãi tự hào, học tập, noi theo. 

Các cựu tù binh Phú Quốc tỉnh Nam Định họp mặt kỷ niệm 40 năm chiến thắng trở về và tưởng niệm các liệt sĩ hy sinh tại Phú Quốc năm 2013.
Ảnh: Do cơ sở cung cấp

Các cựu tù binh Phú Quốc tỉnh Nam Định họp mặt kỷ niệm 40 năm chiến thắng trở về và tưởng niệm các liệt sĩ hy sinh tại Phú Quốc năm 2013.

Ảnh: Do cơ sở cung cấp

Vào một buổi chiều tháng Tư, trong không khí cả nước tưng bừng kỷ niệm 49 năm Ngày Giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước (30-4-1975 - 30-4-2024); kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ (7-5-1954 - 7-5-2024), chúng tôi đến thăm nhà ông Trần Xuân Tĩnh, Trưởng ban liên lạc cựu tù binh Phú Quốc tỉnh Nam Định. Ông Tĩnh năm nay đã chuẩn bị bước sang tuổi 80 nhưng vóc dáng vẫn rất nhanh nhẹn, gương mặt điềm đạm, toát lên tinh thần lạc quan của một người chiến sĩ cộng sản kiên cường. Ông Tĩnh chia sẻ: “Tôi sắp bước vào độ tuổi 80, trí nhớ giảm sút, sức khỏe ngày một kém đi, ký ức về những năm tháng gian khổ, ác liệt và hiểm nguy trong cuộc chiến tranh, tôi còn nhớ khá rõ, nhất là những tháng ngày bị địch bắt, tù đày tại nhà lao Phú Quốc. Đó thực sự là những năm tháng không thể nào quên trong cuộc đời tôi”. Sinh ra trong một gia đình giàu truyền thống cách mạng, năm 1963, sau khi tốt nghiệp lớp 10, ông Tĩnh xung phong gia nhập quân ngũ. Huấn luyện 3 tháng, ông được biên chế về Đại đội 2, Tiểu đoàn 4, Trung đoàn 95, Sư đoàn 325, đóng quân tại Hà Tĩnh. Cuối tháng 10-1964, đơn vị của ông được lệnh vào miền Nam. Ngày 24-7-1967, trong một cuộc chiến không cân sức ở xã Sơn Định, huyện Sơn Hòa, tỉnh Phú Yên, ông và đồng đội bị bắt. Ông bị giải về trại giam huyện Sông Cầu, tỉnh Phú Yên. Ông còn nhớ rõ mình mang áo tù số 636.1591. Tại đây, ông bị địch đưa vào phòng thẩm vấn. Ông đã khai không đúng họ tên, quê quán.

Đầu tháng 12-1967, nhân lúc quân địch chủ quan, ông Tĩnh với tay qua cửa sổ, lấy trộm 2 khẩu súng ngắn; khi ra khỏi cổng chính, tên gác cổng lơ là quay đi, ông nhảy lên xe lam, chạy về phía Bình Định. Khi đó, ông mặc áo cũ của Ngụy, do chúng phát cho nên không ai phát hiện ra là ông trốn trại tù. Địch phát hiện ông trốn trại nên đuổi theo. Đến xã Xuân Lộc, huyện Sông Cầu, chúng cho xe áp sát xe lam bắt dừng lại. Ông Tĩnh bị bắt, đưa thẳng đến Sư đoàn Mãnh Hổ tại Bình Định, chuyển vào trại giam Phú Tài, huyện Tuy Phước, tỉnh Bình Định. Giao thừa Tết Nguyên đán Mậu Thân năm 1968, ông bị chuyển tới trại giam Phú Quốc. Tại đây, ông bị những trận đòn “bán sống, bán chết”. Ông Tĩnh kể: “Có lần tôi bị lôi ra sân, lột áo ra phơi nắng cả ngày. Hôm sau toàn lưng rộp lên như bị bỏng. Lần khác, chúng dùng đinh gài đầu đóng vào ngón tay trỏ, quấn bông vào đầu còn lại, rồi đổ cồn vào đốt. Thỉnh thoảng chúng dùng thước nhỏ gõ đinh. Đinh đâm vào tay đã đau, khi nóng, đinh gõ sâu vào vô cùng nhức nhối, hiện tại ngón tay ông vẫn còn di chứng. Ông chia sẻ, lúc đó đau lắm nhưng nghĩ đến anh em đồng đội, người thân đã hy sinh nên cố chịu đựng. Sau khi Hiệp định Paris được ký kết, quân Mỹ rút về nước, ông được trao trả về an dưỡng tại Quảng Ninh. Sau đó, ông được chuyển về làm việc tại Ty Kiến trúc Nam Hà. Dẫu tuổi cao, sức khỏe yếu, cựu chiến binh Trần Xuân Tĩnh vẫn luôn nêu cao phẩm chất cao đẹp của một người lính Cụ Hồ để hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao, là tấm gương sáng cho thế hệ trẻ học tập noi theo. 

Ông Trần Xuân Tĩnh, Trưởng ban liên lạc cựu tù binh Phú Quốc tỉnh Nam Định (ngồi giữa) ôn lại kỷ niệm chiến đấu cùng đồng đội.
Ông Trần Xuân Tĩnh, Trưởng ban liên lạc cựu tù binh Phú Quốc tỉnh Nam Định (ngồi giữa) ôn lại kỷ niệm chiến đấu cùng đồng đội.

Chúng tôi về xã Hải Sơn (Hải Hậu), một vùng quê giàu truyền thống cách mạng gặp gỡ ông Đỗ Ngọc Can, cũng là chiến sĩ cách mạng bị tù đày tại Phú Quốc. Ông Can sinh ra trong một gia đình giàu truyền thống yêu nước, năm 1966 gia nhập quân đội, năm 1967 ông và đơn vị vào chiến trường miền Nam chiến đấu. Tháng 5-1968, trong một trận chiến đấu căng thẳng, quyết liệt, ông bị một mảnh đạn văng vào trán nên ngất đi, mê man bất tỉnh. Khi tỉnh dậy, ông thấy mình bị còng tay vào giường sắt, đầu bịt kín băng tại Bệnh viện Chợ Quán. Hơn 1 tháng điều trị, địch chuyển ông về trại tù Biên Hòa. Tháng 8-1968, địch chuyển toàn bộ tù nhân Biên Hòa vào nhà tù Trung ương Phú Quốc. Tại đây, ông Can cũng như nhiều chiến sĩ cách mạng khác bị kẻ thù dùng đủ cực hình để tra tấn nhằm khai thác thông tin về lực lượng bộ đội và phong trào cách mạng của ta. Nhưng ông Can và những đồng chí, đồng đội của mình vẫn giữ vững khí tiết, giữ trọn phẩm chất, kiên cường đấu tranh vì mục tiêu lý tưởng cách mạng độc lập tự do cho dân tộc. Ông Can cho biết: “Trước sự tra tấn dã man và tàn bạo của kẻ thù, nếu không có ý chí kiên cường, phẩm chất cách mạng của người lính “Bộ đội Cụ Hồ” tôi sẽ không thể vượt qua được. Đây vừa là thành công, vừa là kỷ niệm lớn nhất trong cuộc đời quân ngũ của tôi”. 

Ban liên lạc cựu tù binh Phú Quốc tỉnh Nam Định hiện có hơn 300 hội viên. Ban liên lạc duy trì sinh hoạt hàng năm, thường xuyên thăm hỏi, động viên hội viên lúc ốm đau hay việc hiếu, hỷ. Không những thế, các thành viên vẫn có những chuyến đi thăm những địa chỉ cách mạng, cùng nhau ôn lại những ký ức hào hùng của dân tộc. Chiến tranh đã lùi xa, nhưng câu chuyện của những cựu tù Phú Quốc vẫn là những bài học quý báu về chủ nghĩa Anh hùng cách mạng, về tinh thần yêu nước, nhắc nhở thế hệ hôm nay và mai sau về tinh thần kiên cường, bất khuất của những người chiến sĩ cách mạng và về sự hy sinh, cống hiến của lớp lớp những người lính, trong đó có các chiến sĩ bị địch bắt tù đày, đã góp phần tô thắm thêm truyền thống vẻ vang của “người lính Cụ Hồ”./.

Bài và ảnh: Thanh Hoa



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com