13 giờ 30 phút ngày 30/4/1975, Đài phát thanh Sài Gòn chính thức phát đi lời tuyên bố của Tổng thống Việt Nam cộng hòa Dương Văn Minh, kêu gọi quân lực hạ vũ khí đầu hàng Quân giải phóng miền Nam Việt Nam; chính quyền Sài Gòn từ trung ương đến địa phương phải giải tán hoàn toàn...
Ông Nguyễn Văn Khiêm tại Dinh Độc Lập, ngày 2/5/1975 (thứ ba, từ phải qua). Ảnh | TƯ LIỆU |
Buổi chiều cùng ngày, có thêm bản Thông cáo số 1của Bộ Tư lệnh quân Giải phóng Sài Gòn - Chợ Lớn - Gia Định được phát trên Đài phát thanh Sài Gòn.
“Quân Giải phóng đã chiếm Dinh Độc Lập và làm chủ tình hình tất cả Sài Gòn lúc 12 giờ trưa hôm nay, ngày 30/4/1975.
Bắt đầu từ giờ phút này, yêu cầu tất cả nhân dân thi hành mệnh lệnh của Bộ Tư lệnh quân Giải phóng:
- Lệnh giới nghiêm bắt đầu từ 18 giờ đến 6 giờ sáng.
- Tất cả quân đội Sài Gòn, nhân dân tự vệ, cảnh sát của ngụy quyền Sài Gòn phải đến trình diện nộp vũ khí tại Ủy ban quân quản của quận.
- Anh chị em công nhân phải giữ gìn bảo vệ các xí nghiệp, nhà máy.
- Công chức các cấp trên các lĩnh vực điện, nước, viễn thông, vệ sinh công cộng... phải tiếp tục điều hành và tuyệt đối không được hủy hoại tài sản Nhà nước.
Bộ Tư lệnh quân Giải phóng sẽ nghiêm trị hành động trộm cướp, gây xáo trộn, làm mất trật tự. Nghiêm cấm gây tiếng nổ, bắn súng bừa bãi gây hoang mang trong dân chúng”.
Thực ra, ban đầu thì đây chỉ là một bản “Thông báo” mà thôi, nhưng về sau, các nhà làm sử đổi ra “Thông cáo” cho xứng tầm. Vậy, ai là tác giả của bản thông cáo này?
Theo lời kể của ông Sáu Trí - tên thân mật của Thiếu tướng tình báo Nguyễn Văn Khiêm, trưa 28/4/1975, Tô Văn Cang, một trí thức yêu nước, hoạt động trong lưới tình báo cụm A24, tới tìm ông ở khu Nguyễn Tri Phương, Chợ Lớn. Là bạn thân của Tổng trưởng Nguyễn Văn Diệp (nội các Dương Văn Minh), anh Cang xin lỗi vì đã vi phạm nguyên tắc bí mật, bởi tình huống quá cấp bách, muốn nhờ ông Sáu Trí làm cầu nối giúp tiếp xúc với cách mạng. Ông Sáu Trí trả lời là ông không có tư cách đại diện cho cách mạng để gặp gỡ bất cứ ai. Nội các ông Minh muốn gặp Chính phủ Cách mạng lâm thời thì cứ vào Tân Sơn Nhất gặp cơ quan đại diện bốn bên, ở đó luôn có người thường trực.
Anh Cang cũng chuyển câu hỏi thứ hai mà ông Diệp đề nghị xin ý kiến trong hoàn cảnh bức bách... Ông Sáu Trí ôn tồn nói, tướng Minh là nhà quân sự, có thừa khả năng để hiểu tình thế. Quân đội Sài Gòn không còn lực lượng chống đỡ. Mỹ đã rút, nhất định không thể đưa quân trở lại và cũng không đủ thì giờ tiếp cứu Sài Gòn. Các ông đừng ảo tưởng về sự cứu viện của Mỹ cũng như của bất cứ cường quốc nào...
Sự việc diễn tiến đúng như vậy. Sáng 30/4/1975, sau khi được phái chủ hòa trong nội các thuyết phục, 9 giờ 30 phút, Tổng thống Dương Văn Minh lên đài phát thanh, kêu gọi quân đội Sài Gòn buông súng, chấp nhận những điều kiện của Chính phủ Cách mạng lâm thời. Liền đó, anh Cang mời ông Sáu Trí vào Dinh Độc Lập để chứng kiến sự đầu hàng. Tại đây, ông Sáu Trí gặp Thiếu tướng Nguyễn Hữu An - Tư lệnh Quân đoàn 2, bàn chuyện tiếp thu Dinh Độc Lập, khi họp dưới tầng hầm với sự có mặt của tướng Nam Long. Họ bàn bạc và thấy nên có lời công bố chính thức của Mặt trận Dân tộc giải phóng miền Nam trên đài phát thanh vì ta đã vào Sài Gòn và chiếm cơ quan đầu não của ngụy quyền là Dinh Độc Lập. Phải làm sớm việc này để thông báo cho đồng bào cả nước biết, làm tan rã tinh thần của địch ở những nơi ta chưa kịp giải phóng.
Tướng Nguyễn Hữu An phân công ông Sáu Trí soạn thảo gấp văn bản này. Lập tức, ông cùng với Tô Văn Cang và Ba Lễ (H3) trao đổi và thống nhất ý kiến, thực hiện. Người chấp bút là anh Cang, lấy tên bản Thông báo số 1. Viết xong, ông Sáu Trí đến gặp tướng An để cùng thông qua. Anh Tô Văn Cang ra Đài phát thanh Sài Gòn, đọc chậm và rõ ràng bản Thông báo số 1, sau đó giao cho đài và yêu cầu cứ 5 phút phát 1 lần. Đây là bản tin đầu tiên kế tiếp vài giờ sau tuyên bố đầu hàng của nội các Dương Văn Minh, tạo niềm vui cho đồng bào Sài Gòn cùng nhân dân cả nước, báo cho thế giới biết một tin trọng đại. Sự kiện này được “Lịch sử Nam Bộ kháng chiến, Tập II (1954-1975)” (Nxb. CTQG-ST, H.2012) in nguyên vẹn bản thông cáo với lời ghi chú rõ ràng: “Do Tô Văn Cang soạn thảo theo sự hướng dẫn của Nguyễn Văn Khiêm (Sáu Trí)”.
Khi anh Cang trở về dinh, tướng An có cuộc liên hoan nhẹ. Trong lúc ông Sáu Trí và tướng An đang làm việc quản lý an ninh, thì anh em phát hiện thấy sự hoảng loạn từ các thành viên trong nội các Dương Văn Minh hiện có mặt đông đủ trong Dinh Độc Lập. Đối xử thế nào thì còn phải chờ chỉ thị cấp trên, nhưng ta nên gặp gỡ để các vị ấy yên tâm. Tướng An nói với Sáu Trí, anh là dân trong này, lại làm tình báo nên hiểu tâm lý và tình cảm của họ, sẽ trấn an được họ.
Tuy mặc thường phục, nhưng thành viên nội các đều biết Sáu Trí vì chính ông đã can thiệp và bảo đảm với Lữ đoàn thiết giáp (bận hành tiến, nên không nghe được tuyên bố đầu hàng trên đài) để họ được yên, nên khi ông vừa đến, tất cả đều đứng dậy chào. Tướng Minh đứng trước, các thành viên khác đứng kế tiếp thành ba, bốn hàng vòng cung. Ông Sáu Trí đánh giá họ đã góp phần bảo vệ sự an toàn của Sài Gòn, góp phần chấm dứt chiến cuộc, cách mạng ghi nhận công này. Ông khuyên cả nội các cứ an tâm chờ chỉ thị của Ủy ban Trung ương Mặt trận dân tộc giải phóng miền Nam. Cách mạng sẽ có chính sách thỏa đáng... Sau cuộc nói chuyện ngắn gọn, các thành viên trong nội các Dương Văn Minh lộ rõ sự vui mừng. Bởi khi quân ta mới vào, họ lo sợ bị giết, hoặc bị hành hung, nhục mạ. Giờ thì ai nấy đều yên tâm.
*
Thiếu tướng Nguyễn Văn Khiêm (phải) và tác giả. |
Thiếu tướng Nguyễn Văn Khiêm sinh năm 1924 tại xã Bình Luông Đông, nay thuộc huyện Gò Công Đông, tỉnh Tiền Giang trong một gia đình giàu truyền thống yêu nước. Ông nội tham gia phong trào Đông Kinh nghĩa thục, cha là Nguyễn Văn Đồng làm bồi tàu trên tàu khách của Pháp chạy tuyến Sài Gòn - Marseille, chở tài liệu sách báo tiến bộ về nước và đưa thanh niên có chí hướng ra nước ngoài. Khoảng 1930-1931, ông bị nhà cầm quyền Pháp bắt và trục xuất về nước. Do có công với cách mạng, 41 năm sau khi mất, ông Nguyễn Văn Đồng được Thủ tướng Chính phủ truy tặng Liệt sĩ (tháng 9 năm 1978).
Cách mạng Tháng Tám thành công, ông Khiêm tham gia kháng chiến. Ông cùng người bạn tên Hiệp gia nhập tiểu đoàn bộ binh Ba Dương ở Tam Kỳ (Quảng Nam) và luyện tập quân sự. Trên đường hành quân bộ ra thị xã Tuy Hòa, ông Khiêm cùng ông Hiệp được lệnh tách khỏi tiểu đoàn và được đưa đến một nhà dân trong làng. Tại đây, họ gặp hai lãnh đạo chủ chốt của Ban tình báo Ủy ban kháng chiến miền Nam là các ông Nguyễn Duy Khâm và Phạm Ngọc Thảo. Cơ duyên khiến ông Khiêm được dự một khóa bồi dưỡng nghiệp vụ và chính thức bước vào nghề tình báo quân sự với tên gọi Sáu Trí. Từ đây, ông lần lượt đảm trách các chức vụ ở Phòng Quân báo Khu 7, Quân báo Nam Bộ và Quân báo Đặc khu Sài Gòn - Chợ Lớn.
Khi Ban nghiên cứu Xứ ủy (tên ngụy trang của cơ quan tình báo an ninh) ra đời, để chuẩn bị cho cuộc chiến đấu mới, ông Sáu Trí được biệt phái vào hàng ngũ địch. Người chọn Sáu Trí là ông Phan Kiệm (Năm Thành, Thường vụ Đặc khu ủy) và người giao nhiệm vụ là ông Nguyễn Văn Cúc (Mười Cúc, Nguyễn Văn Linh - Bí thư Đặc khu ủy Sài Gòn Chợ Lớn). Dưới vỏ bọc “hồi chánh quốc gia”, với sự trợ giúp của người anh rể làm xếp sòng Nha Công an Nam phần, trải qua nhiều cuộc thẩm vấn và thử thách cân não, ông Sáu Trí tạo được chỗ đứng và nhanh chóng trở thành một nhân viên “mẫn cán” của địch. Trong hồ sơ của địch, ông còn có tên khác là Phạm Duy Hoàng. Gần 10 năm, giữa hang hùm miệng sói, người cán bộ tình báo này đã khai thác và thu thập được nhiều thông tin có giá trị, phục vụ cho sự lãnh đạo, chỉ đạo kháng chiến của Xứ ủy Nam Bộ, sau là Trung ương Cục miền Nam.
Cuối năm 1962, bị lộ, ông Sáu Trí phải ra chiến khu. Trước đó, ông lấy được toàn bộ danh sách mật báo viên của công an địch gài ở nông thôn, vùng giải phóng và trong các tổ chức cách mạng. Lợi dụng những hôm trực ở cơ quan, mất tới 5 đêm, ông Sáu Trí mới chép xong. Về nhà, ông viết bằng loại mực đặc biệt trên hai quyển vở tập loại trăm trang. Nhờ tài liệu quan trọng này mà ta loại trừ được nhiều nội gián và loại trà trộn trong dân, đồng thời bưng mắt, bịt tai địch.
Sau đảo chính Diệm - Nhu (11/1963), ông Sáu Trí được cử vào thành Sài Gòn lần nữa và đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ. Từ đây, ông tham gia chỉ huy mạng lưới tình báo chiến lược ở miền nam cho đến khi kết thúc cuộc chiến tranh. Đóng góp miệt mài, đến năm 74 tuổi, ông mới nghỉ hưu.
Thuộc thế hệ những cán bộ tình báo kỳ cựu, cùng thời với Phạm Ngọc Thảo, Vũ Ngọc Nhạ, Phạm Xuân Ẩn, Lê Hữu Thúy, Đặng Trần Đức..., Thiếu tướng Nguyễn Văn Khiêm là người có nhiều đóng góp xứng đáng vào sự nghiệp giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước, góp phần làm rạng danh ngành tình báo chiến lược Việt Nam. Ông mất ngày 27/9/2023, khi vừa bước sang tuổi 100.
Theo nhandan.vn
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin