Về với Thành Nam, ngoài được chiêm ngưỡng các di tích, danh thắng nổi tiếng, du khách còn có cơ hội thưởng thức hương vị ẩm thực đường phố đa dạng, dân dã mà đặc sắc như: phở bò, bánh cuốn, bánh mì, bún chả, bún cá, bún đũa, bánh xíu-páo… Vì thế, mỗi dịp Tết đến, Xuân về là dịp lý tưởng để những người con quê hương làm ăn xa lại háo hức về quê để được tận hưởng trọn vẹn những “món ngon nhớ lâu” đậm đà hương sắc.
Quán chè Hàng Hầm tại 98 Nguyễn Du luôn thu hút đông du khách ẩm thực và giới trẻ với đa dạng các món chè ngon, độc đáo. |
Ở Thành Nam, nhịp sống thong thả, bình yên cùng với nếp sinh hoạt phố thị nhẹ nhàng khiến các món ăn bình dị nhưng luôn hết sức tinh tế, sâu lắng. Ẩm thực Thành Nam “ghi điểm” ấn tượng với thực khách nhờ chất lượng cả sắc, hương, vị thơm ngon hài hòa, tinh tế. Vì thế, thưởng thức ẩm thực Thành Nam không chỉ đơn thuần là cảm nhận hương vị của món ăn mà thưởng thức cả lịch sử, gốc gác quê hương, phong tục tập quán, khí chất riêng biệt của mảnh đất này.
Nhắc đến Nam Định, phở luôn giữ vị trí “xếp hạng” trang trọng, cao nhất, ưu tiên nhất trong các món ăn sáng khi đến đây. Về Nam Định, bất kể giờ nào cũng có thể tìm được một hàng phở với nồi nước dùng đang nghi ngút khói, tỏa mùi hương hấp dẫn mời gọi. Đến nay, phở Nam Định ghi danh với những thương hiệu gia truyền như: phở Đán số 117 phố Bắc Ninh; phở Tạo số 225 đường Điện Biên; phở Cồ số 2A Bà Triệu; phở bò cụ Tặng số 23 phố Hàng Tiện; phở Đồng Nguyên số 45 Trần Nhật Duật; phở bò phố Cửa Trường; dân dã hơn có phở Dậu đường Trần Huy Liệu, phở Xuyến ngõ Văn Nhân… đều là những quán phở gia truyền ngon nổi tiếng Nam Định. Không chỉ tạo dấu ấn khác biệt với phở ở các nơi khác bởi sợi bánh đặc biệt nhỏ, ngon và mềm, mỏng; nước phở Nam Định luôn chỉ dùng loại nước mắm truyền thống có độ đạm cao thơm ngon để giữ được độ trong của nước phở, nếu sử dụng nước mắm không ngon thì nước phở sẽ bị gắt, vẩn đục và kém ngọt… Đây cũng là bí quyết tạo nên cái hồn của món phở “gia truyền” đất Thành Nam. Tay bưng bát phở nóng hổi, mũi hít hà hương thơm ngào ngạt quyện trong khói hơi bốc lên từ nước dùng nóng sút vừa chan, mắt nhìn từng nguyên liệu đủ màu sắc, lưỡi nếm vị đậm đà, tai nghe tiếng húp nước xì xụp nóng hổi mới thấy ngon đến lạ thường. Bát phở từ lúc bê ra đến lúc ăn hết vẫn nóng nguyên khiến cho thực khách như được tận hưởng đắm chìm hoàn toàn vào không gian “phở” một cách trọn vẹn nhất. Vì thế, phở luôn tạo được sự khác biệt cho thương hiệu “phở Nam Định” lan tỏa khắp bản đồ ẩm thực Việt Nam; trở thành sinh kế bền vững của nhiều người con quê hương khi lập nghiệp phương xa.
Xôi xíu Bắc Ninh cuốn hút tạo dấu ấn riêng với thực khách bởi thịt xíu, lạp xưởng mềm, ngọt và nước sốt đậm đà. |
Nói đến quà sáng, xếp sau phở, không thể không nhắc đến bánh cuốn làng Kênh (phường Lộc Vượng) nổi tiếng. Không cầu kỳ như hàng quán phở, hàng bánh cuốn có thể rất đơn giản: chiếc mâm/mẹt đậy trên miệng thúng, trong lòng là bánh cuốn đã tráng sẵn, hết sức nhỏ gọn. Vài chiếc bàn nhựa, ghế nhựa con con bày trên vỉa hè, có khi dưới bóng một cây cổ thụ nào đó, hay nép mình ở góc các vỉa hè nhưng luôn tạo “thương nhớ” với những người con xa quê. Bánh cuốn làng Kênh có độ mướt, mỏng và mềm nhưng không bở bục mà có độ dai dính kết nối của bột gạo ngon. Những xếp bánh đầy đặn được lấy ra từ trong thúng hay thùng xốp, đặt ngay ngắn trên tấm lá chuối. Người bán rất nhanh tay và khéo léo bóc từng lá bánh trắng ngần có điểm mộc nhĩ băm nhỏ chao dầu phết trên mặt bánh để chống dính, xếp gọn gàng vào đĩa; đôi lát chả xếp gọn, chút hành tím phi thơm vàng ruộm giòn tan. Nước mắm ngon được pha khéo léo vừa miệng, vắt thêm một chút chanh hoặc quất, lát ớt cắt xéo thêm rau mùi, bạc hà và chút tiêu đen đủ gây nhớ thương khi phải đi xa nơi này.
Buổi chiều, dọc các con phố: Lê Hồng Phong, Trần Hưng Đạo, Hàng Sắt, Bắc Ninh, Lý Thường Kiệt… du khách có cơ hội thưởng thức một loại bánh đặc biệt của Nam Định - bánh xíu-páo. Bánh giản dị, giống chiếc bánh bao nhỏ đem nướng, nhưng nhân như bánh nướng gồm thịt xá xíu rán kỹ có màu đỏ nâu sậm; thái hạt lựu trộn với thịt mỡ cũng thái hạt lựu, mộc nhĩ và nửa quả trứng cút luộc. Thưởng thức bánh xíu-páo ngay lúc nóng, du khách sẽ cảm nhận được vị thơm của thịt xíu, bùi bùi, béo ngậy của thịt mỡ cùng cay nồng của hạt tiêu… rất lạ và riêng biệt. Xíu-páo không chỉ là món quà vặt quen thuộc, bình dị, dân dã mà trong tâm tưởng của những người con xa quê, đó còn là món ăn gợi nhớ để trở về… Bánh xíu-páo cùng với bánh nhãn, bánh mì Ba Lan còn là món quà đầy tình thân chân tình, ấm áp tặng người thân, bạn bè mỗi khi lên đường tạm biệt Thành Nam.
Trong danh sách ẩm thực đường phố ăn chơi, ăn nhẹ, ăn sáng của Thành Nam còn có nhiều cái tên có thể kể như xôi xíu phố Bắc Ninh nghi ngút khói với vị dẻo thơm của gạo nếp quyện với thịt xíu mềm ngậy, lạp xưởng, nước sốt đậm đà khó quên; một cốc chè bưởi cốt dừa, một ly kem xôi thanh mát, ngọt bùi đường Nguyễn Du tái khởi động lại vị giác, để rồi lại “ngất ngây”, “miên man” với bát ốc nóng hổi đường Trần Hưng Đạo; đĩa chân gà nướng đường Quang Trung; bát cháo sườn phố Hai Bà Trưng; bánh gối đường Nguyễn Văn Trỗi, đường Hoàng Văn Thụ; bánh khúc cô Liên, bà Thủy khu Nhà thờ Lớn cuối đường Hai Bà Trưng; bún ốc đường Trường Chinh; bún sung chợ Ngõ Ngang, bánh mì pa-tê chân cầu Đò Quan hay các “thương hiệu” bánh mì ngon không kém như bánh mì Huyền Lâu, số 26 Lý Thường Kiệt; bánh mì pa-tê Long Dậu 17 Nguyễn Chánh bên hông chợ Rồng Nam Định.
Chuối ngự, kẹo sìu châu, bánh nhãn Hải Hậu, bánh gai Bà Thi, bánh mì Ba Lan, nem mắm Giao Thủy, gỏi nhệch Nghĩa Hưng… Tất cả các món ăn của Nam Định như một bản giao hưởng dẫn du khách “lạc lối” vào mê trận ẩm thực từ trầm trồ, thán phục đến mê đắm những hương vị. Khiến ai đã từng được một lần thưởng thức đều muốn quay lại, hoặc ở lại lâu hơn để được thưởng thức sâu hơn, trọn vẹn hơn hương và vị ẩm thực Thành Nam./.
Bài và ảnh: Đức Toàn
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin