Nam Định luôn được biết đến là nơi mà đạo Công giáo phát triển mạnh mẽ bậc nhất cả nước. Đây không chỉ là nơi đầu tiên ở Việt Nam đạo được truyền bá, nơi đây còn nổi tiếng là mảnh đất của những nhà thờ với kiến trúc Gothic cổ kính đẹp lung linh cùng với số lượng tín hữu đông đảo, những ngày lễ lớn đặc biệt của Giáo hội trong năm… Và nếu bạn là người đam mê tìm hiểu văn hóa tôn giáo cũng như yêu khung cảnh làng quê thì đây thực sự sẽ là địa điểm tuyệt vời cho một chuyến du lịch sinh thái tìm về miền quê xứ đạo của mình.
Truyền Thống Công Giáo Của Địa Phương
Thiên Chúa giáo (còn gọi là đạo Công Giáo hay Ki-tô giáo) là một trong những tôn giáo độc thần có nguồn gốc từ vùng đất phía Đông của đế quốc La Mã vào những năm đầu công nguyên. Đây là một trong những tôn giáo lớn bậc nhất trên thế giới với hơn 2 tỉ tín hữu hiện nay.
Ở Việt Nam, đạo được truyền bá từ năm 1533, bắt nguồn từ việc một giáo sĩ phương Tây tên là In-nê-khu đến giảng đạo tại làng Ninh Cường và Trà Lũ (đều thuộc tỉnh Nam Định ngày nay), đặt cơ sở để thực hiện công cuộc truyền giáo vào Việt Nam. Vì là địa phương đầu tiên đón nhận tin mừng của đạo nên Công giáo ở đây phát triển rất mạnh mẽ qua nhiều thế kỉ với nhiều điều đặc biệt mà không ở nơi nào có.
Thời kỳ 1848 – 1936, sự phát triển tôn giáo của nơi đây bị chính sách cấm đạo của triều đình nhà Nguyễn cản trở (đặc biệt gắt gao dưới những năm thời Tự Đức – trước và trong giai đoạn thực dân Pháp tiến hành xâm lược Việt Nam), gây nhiều thiệt hại. Nhiều tín hữu phải bỏ đạo hoặc chịu tử vì đạo. Thế nhưng quá trình Công giáo ở Nam Định vẫn tiếp tục, duy trì và phục hồi sau những cản trở của chính quyền các cấp triều Nguyễn. Trong thời kì cách mạng Tháng Tám, có nhiều giáo dân đã tham gia vào việc biểu tình, cách mạng, giành chính quyền, đón chào ngày Độc Lập ở Nam Định. Giáo dân tích cực tham gia vào việc xây dựng chính quyền cách mạng, gìn giữ xóm làng, họ đạo.
Khi kháng chiến chống Pháp giành thắng lợi, lợi dụng chính sách tự do tín ngưỡng, bọn phản động đội lốt Công giáo dự vào giáo lý, thần quyền, cấu kết với các thế lực đế quốc, phản động tay sai đã dụ dỗ, lôi kéo, cưỡng ép giáo dân di cư vào Nam, gây xáo trộn lớn trong đời sống kinh tế – văn hoá – xã hội của giáo dân trong tỉnh, để lại những ảnh hưởng nặng nề, kéo dài trong nhiều năm sau. Trong khi một bộ phận giáo dân bị dụ dỗ, cưỡng ép di cư thì đông đảo giáo dân, bằng tình yêu quê hương, được thuyết phục bằng những vận động, chỉ dẫn kịp thời của chính quyền, đã yên tâm ở lại làng quê, xứ đạo.
Ngày nay, phần đông đảo nhất giáo dân, giáo xứ của Nam Định là thuộc về Giáo phận Bùi Chu, bao gồm 121 giáo xứ ở các huyện: Nam Trực, Trực Ninh, Xuân Trường, Giao Thuỷ, Hải Hậu, Nghĩa Hưng. Thuộc về Giáo phận Hà Nội có 14 giáo xứ của Thành phố Nam Định, các huyện Vụ Bản, Ý Yên. Trải qua những thăng trầm, truyền thống Công giáo tốt đẹp vẫn được những người giáo dân tiếp bước các thế hệ cha ông đi trước, duy trì và phát triển đến tận ngày nay.
Những Điều Đặc Biệt Của Mảnh Đất Xứ Đạo
Con người xứ đạo
Đầu tiên, đây là địa phương có tỉ lệ người dân theo đạo rất cao, tùy từng huyện từ 60-90%, người dân nơi đây luôn bận rộn với tâm linh, sống tốt đời đẹp đạo. Tất cả những tu sĩ, những bậc chức sắc hay cả những giáo dân bình thường cũng luôn ý thức được trách nhiệm của mình với việc giữ gìn truyền thống tôn giáo cũng như đóng góp cho xã hội, yêu thương đùm bọc lẫn nhau qua nhiều hoạt động ý nghĩa về vật chất cũng như tinh thần.
Trong thực tiễn đời sống , giáo dân Nam Định là minh chứng cho tinh thần “mến Chúa, yêu người”. Các xứ đạo đã có những nỗ lực chung cho con em đi học, lập quỹ để cấp học bổng cho những em nhà nghèo học giỏi và có tinh thần phục vụ… Nhiều xứ đạo đã tích cực hưởng ứng cuộc vận động phong trào “Người công giáo thi đua xây dựng và bảo vệ Tổ quốc”, “xứ họ tiên tiến, gia đình công giáo gương mẫu”….Những hoạt động phong trào quyên góp ủng hộ, giúp đỡ người nghèo, khuyết tật cũng được đẩy mạnh. Đặc biệt, đồng bào theo tôn giáo sống xen kẽ với đồng bào ngoại giáo nhưng rất hòa thuận, tôn trọng nhau, không để xảy ra xích mích hay xung đột giữa các bên.
Nhà thờ – nét độc đáo nhất của vùng
Hơn nữa, việc phát triển Công Giáo còn khiến Nam Định trở thành mảnh đất của những nhà thờ với hơn 600 nhà thờ lớn nhỏ khác nhau. Nam Định nhiều nhà thờ đến nỗi ở những vùng theo Công Giáo thì hầu như mỗi làng sẽ có một giáo xứ ( giáo họ) riêng, một nhà thờ riêng. Có những địa điểm ở đây mà chỉ cần đứng dưới mặt đất ta cũng có thể nhìn thấy 9, 10 nhà thờ ở phía xa hay có địa điểm có hai nhà thờ nằm ngay cạnh và đối diện nhau như nhà thờ Trại Đáy và nhà thờ họ Phê-rô nằm ở xã Hải Minh, huyện Hải Hậu.
Không chỉ nổi tiếng vì có nhiều nhà thờ, nơi đây còn được biết đến là nơi có nhiều nhà thờ đẹp nhất Việt Nam. Những nhà thờ được xây dựng đầy tinh tế, tỉ mỉ, thể hiện được bàn tay nghệ thuật tài hoa của người dân. Hơn nữa còn mang sắc thái cổ kính lâu đời và có kiến trúc Gothic độc đáo theo kiểu phương Tây, đẹp lung linh với nhiều đường nét, hoa văn, màu sắc,…
Một số nhà thờ đẹp nổi tiếng của Nam Định có thể kể đến như nhà thờ Bùi Chu, nhà thờ Phú Nhai, nhà thờ Trung Linh, Nhà thờ Hưng Nghĩa, nhà thờ Quần Phương… và cả nhà thờ đổ Hải Lí tuy không còn được sử dụng nhưng vẫn là một địa điểm nổi tiếng vì vẻ đẹp và ý nghĩa của mình. Những nhà thờ này không chỉ thu hút du khách mọi nơi đổ về tham quan, chiêm ngưỡng vẻ đẹp của những công trình thế kỉ, mà còn để chụp cho mình những bức ảnh đẹp nhất. Các cặp đôi cũng thường chọn những nhà thơ đẹp ở nơi đây là nơi để chụp những bức ảnh cưới lung linh cho mình.
Những Dịp Lễ Lớn Hằng Năm
Ngoài nổi bật với truyền thống và con người, công trình kiến trúc, xứ đạo nơi đây còn nổi bật với những ngày lễ, dịp lễ lớn của người Công Giáo. Vì là vùng Công giáo nên nơi đây cũng tổ chức và cử hành những ngày lễ lớn trong năm theo lịch của Giáo hội như ngày lễ giáng sinh (24-15 /12), dịp lễ phục sinh (tháng 4), lễ Chúa lên trời (được cử hành sau 40 ngày kể từ lễ phục sinh), lễ Đức mẹ hồn xác lên trời (15-8) hay lễ các Thánh (1-11),…
Ngoài những ngày lễ chung của Giáo hội thì các Giáo xứ nơi đây còn có những ngày lễ đặc biệt khác như ngày lễ kính các Thánh quan thầy của các Giáo xứ, Giáo họ hay những tuần chầu Chúa thánh thể luân phiên giữa các Giáo xứ trong giáo phận. Đặc biệt là ở Giáo Phận Bùi Chu có hai dịp lễ lớn trong năm, thu hút các tín hữu toàn Giáo phận về dự lễ và cầu nguyện. Đó là lễ kính Thánh Đa-minh, quan thầy đệ nhị của Giáo Phận, được tổ chức vào ngày 8-8 hàng năm tại quảng trường nhà thờ chính tòa Bùi Chu. Và ngày lễ thứ hai là lễ Đức mẹ Maria vô nhiễm nguyên tội, quan thầy đệ nhất của Giáo Phận, được tổ chức vào ngày 8-12 hàng năm tại quảng trường vương cung thánh đường Phú Nhai.
Không chỉ là những dịp lễ lớn thu hút lượng lớn tín hữu và du khách mọi nơi về dự lễ, tham quan, tạo khung cảnh lễ hội sinh động, đây còn là những dịp cho những người con Công giáo xa quê trở về đoàn tụ cùng gia đình, tổ chức ăn mừng ngày lễ, tụ họp anh em, ôn lại kỉ niệm,….
Có thể nói đạo Công Giáo phát triển ở Nam Định phát triển một cách tự nhiên và rất khác so với những vùng còn lại. Bên cạnh những đặc điểm nổi bật khác về tự nhiên, truyền thống, lịch sử, ẩm thực,.. thì đạo Công giáo cũng là nét đặc trưng làm nên sự khác biệt và nổi bật của Nam Định. Tất cả tạo nên niềm tự hào cho mỗi người con của vùng quê này cũng như sức hấp dẫn đối với du khách từ mọi nơi trong và ngoài nước.
Theo ecohost.vn
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin