Những ngày cuối tháng Tư lịch sử, có dịp được nghe các cựu binh Nguyễn Viết Hiền, Phạm Trung Bính kể về những năm tháng “sống, chiến đấu” bảo vệ nền độc lập tự do của Tổ quốc, trong tôi đan xen nhiều xúc cảm. Lúc tự hào về chiến công, tinh thần “Quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh” của những người lính dũng cảm, mưu trí, lúc xót xa, thương cảm. Và, mỗi khi câu chuyện trầm xuống, những người lính già lại vội vàng giải thích: “Thời chúng tôi, ai cũng thế, chỉ có một tâm nguyện là được ra trận, cầm súng bảo vệ đất nước!”.
Chiến đấu dũng cảm, cựu chiến binh Nguyễn Viết Hiền, xã Xuân Bắc (Xuân Trường) được Đảng, Nhà nước tặng thưởng nhiều danh hiệu cao quý. |
Người 2 lần được phong “Dũng sĩ diệt Mỹ”
Nghe theo tiếng gọi thiêng liêng của Tổ quốc, khi vừa tròn 17 tuổi, thanh niên Nguyễn Viết Hiền, xã Xuân Bắc (Xuân Trường) xung phong viết đơn tình nguyện xin nhập ngũ và được biên chế về Tiểu đoàn 371, Trung đoàn 2, Sư đoàn 338. Sau 3 tháng huấn luyện ở Thanh Hoá, ngày 27-12-1967, người lính trẻ cùng đơn vị hành quân vào chiến đấu ở chiến trường Thừa Thiên Huế; đến tháng 3-1968 được điều động về Đại đội 14, Trung đoàn 8, Sư đoàn 324, Quân khu Thừa Thiên Huế. Thoáng chút trầm ngâm, ký ức dần đưa người lính đặc công già về với những trận đánh ác liệt nơi chiến trường mưa bom bão đạn. Bằng giọng ngắt quãng, ông kể cho chúng tôi nghe về những kỷ niệm một thời binh lửa. Tháng 1-1970, trên đỉnh đồi Lá Nón (phía tây Huế) qua trinh sát, có 1 Trung đội của Mỹ đóng chốt. Nhiệm vụ của đơn vị ông Hiền là tiêu diệt trung đội này. Để đánh địch, đơn vị ông Hiền kết hợp tác chiến với 1 đơn vị khác và chia làm 2 mũi, trong đó mũi 1 do ông làm tổ trưởng. Khi các mũi đến địa điểm đã trinh sát trước, thì quân địch đã rời khỏi, tuy nhiên do mũi 2 không biết nên vẫn nổ súng. Nhận ra tiếng súng nổ không phải là của địch, ông Hiền bình tĩnh phát tín hiệu cho mũi 2 để hai bên không bắn nhầm nhau, tránh được thương vong. Đêm ngày 16-1-1970, ông Hiền tiếp tục tham gia vào trận đánh Bắc A Le (phía tây Huế) với sự chênh lệch lực lượng lớn, 1 chọi 10. Ông được phân làm tổ trưởng mũi 1 dẫn theo 3 chiến sĩ đặc công áp sát 1 đơn vị biệt kích Mỹ. Áp dụng chiến thuật bất ngờ, lôi địch ra mà đánh, các mũi tấn công của quân ta đã tiêu diệt được 60 tên Mỹ. Trong trận đánh Bắc A Le, bản thân ông Hiền đã tiêu diệt 10 lính Mỹ, đồng thời còn đưa được 1 liệt sĩ của mũi 2 về nơi tập kết. Sau trận đánh này, ông và các đồng đội đều được thưởng Huân chương Chiến công và trao tặng danh hiệu “Dũng sĩ diệt Mỹ” cấp 2.
Trải qua nhiều trận đánh ác liệt, tuy nhiên in đậm trong ký ức ông Hiền hơn cả vẫn là trận Tà Tách, Tà Bạt, đêm 30-3-1970, đánh vào sân bay dã chiến trên cao điểm 354 động Chìa Vôi (phía tây Huế). Cũng bởi đây là trận đánh ác liệt nhất trong đời quân ngũ, trận đánh như lời ông Hiền nói, khiến tôi “chết đi sống lại”. “Tháng 3 năm 1970, trong không khí se lạnh, ẩm ướt của Thừa Thiên Huế, đơn vị tôi nhận lệnh đánh sân bay dã chiến trên cao điểm 354, tôi được phân công làm tổ trưởng mũi 1. Chỉ huy trận đánh này là các Tham mưu trưởng Quân khu Thừa Thiên Huế và Trung đoàn 8”… ông Hiền bồi hồi kể. Sau khi trinh sát nắm vững tình hình địch bố phòng, ông Hiền cùng 10 chiến sĩ đặc công xuất kích. Khi ông cùng các đồng đội luồn được vào sát trận địa của địch đã là 1h sáng. Lúc này, ông Hiền bò vào trước thì nghe thấy tiếng ngáy ngủ của lính Mỹ. Nhưng khi ông cùng các đồng đội tiến sâu hơn thì bị chó béc-giê phát hiện. Được lệnh đánh bộc phá, ông Hiền cùng đồng đội xông lên tiêu diệt địch. Địch hoảng loạn, những tên còn sống lao xuống hầm trú ẩn và cố thủ. Mũi tấn công của ông tiếp tục dùng thủ pháo ném vào lỗ thông hơi và cửa hầm tiêu diệt địch. Từ vọng gác ngoài, lính Mỹ bắn xối xả vào các chiến sĩ đặc công của ta. Trong lúc đang cảnh giới để đồng đội đánh trả thì bất ngờ 1 tên lính Mỹ cao to lao tới quật ngã ông Hiền, bóp cổ ông. Ông Hiền ôm tên lính Mỹ cùng vật lộn, đồng thời kêu gọi đồng đội hỗ trợ. Lúc này, trong đầu ông loé lên suy nghĩ, không thể để tên giặc Mỹ sát hại mình và đồng đội, trong lúc giằng co, ông rút thủ pháo đưa ra phía sau tên lính và giật nụ xoè. Tên lính Mỹ thấy vậy hốt hoảng bỏ chạy, ông tung pháo thủ theo. Tên lính Mỹ chết nhưng đồng thời ông cũng bị thương nặng vào mắt. Được đồng đội băng bó vết thương, ông tiếp tục chỉ huy anh em giải quyết hậu quả sau trận đánh cho đến lúc ngất đi. Trong trận đánh này, ông Hiền diệt được 15 tên địch, thu 1 khẩu súng. Kết thúc trận đánh, đơn vị đề nghị khen thưởng ông từ Huân chương Chiến công hạng Nhì lên hạng Nhất, tặng danh hiệu “Dũng sĩ diệt Mỹ” cấp 1.
“Ký ức đời chiến chinh”
Cựu chiến binh Phạm Trung Bính, đường Hàn Thuyên (thành phố Nam Định) kể về những kỷ niệm được ghi lại trong cuốn hồi ký “Ký ức đời chiến chinh” . |
Cầm trên tay cuốn hồi ký “Ký ức đời chiến chinh”, cựu chiến binh Phạm Trung Bính, số nhà 10/55, ngõ 253, đường Hàn Thuyên (thành phố Nam Định) rưng rưng nói: “Tôi đã ghi lại rất nhiều những kỷ niệm đáng nhớ trong những năm tháng sống, chiến đấu của mình vào hồi ký. Đó là những ký ức không thể nào quên”. Sinh ra trong một gia đình có 5 anh em, bố nguyên là đại đội trưởng du kích xã Hải Long, từng tham gia chỉ huy đánh các bốt: Văn Đàn (Hải Phương) và Đông Biên, thị trấn Yên Định(Hải Hậu), phục vụ chiến dịch Điện Biên Phủ, từ những ngày còn thơ bé các anh em ông Bính đều được nhen nhóm, ngấm sâu tinh thần yêu nước. Tháng 2-1965, khi tròn 18 tuổi, ông Bính cùng với 13 thanh niên trong xã Hải Long tình nguyện viết đơn xin nhập ngũ và được phân về Tiểu đoàn 7, Trung đoàn 812, Sư đoàn 324, Quân khu 4, đóng quân ở huyện Nghi Lộc (Nghệ An). Sau 3 tháng huấn luyện ở Nghi Lộc, đơn vị ông Bính nhận nhiệm vụ mới, bảo vệ biển Cửa Lò và Cửa Việt (Nghệ An); vận chuyển đạn dược, lương thực cho đảo Hòn Ngư, Hòn Mắt; đào công sự xuyên núi 200 Nghi Quang; thường trực phòng không bắn máy bay Mỹ…
Tham gia chiến trường, ông Bính chứng kiến nhiều trận chiến khốc liệt cũng như những thương vong của đồng chí, đồng đội. Trong một lần nhận nhiệm vụ tổ trưởng kíp 1 đi đào bom nổ chậm ở ga Mỹ Lý, huyện Yên Thành (Nghệ An), sau khi kíp đào trúng bom, bàn giao lại cho kíp 2 xử lý tiếp, ông Bính xuống sông rửa mặt mũi. Rửa mặt xong, ông quay người lên chào các đồng đội kíp 2 thì bom phát nổ, khiến 12 chiến sĩ hy sinh. Chứng kiến cảnh những người anh em chí cốt, đồng chí, đồng đội ngã xuống giữa chiến hào, ông Bính quyết tâm biến căm thù thành hành động. Ngay trong đêm đó, ông nhận nhiệm vụ mới đưa quân ra đảo Hòn Câu trực bắn máy bay Mỹ. “Nhận lệnh hành quân trong đêm thì sáng hôm sau chúng tôi đã có cơ hội “trả thù”. Phát hiện có máy bay Mỹ bay gần đảo, khi chỉ huy trưởng đảo hô: “Nhằm thẳng máy bay, bắn!”, tôi cùng các đồng đội đã đồng loạt nổ súng bắn cháy 1 máy bay Mỹ. Sau trận đánh này chúng tôi được thưởng Huy hiệu 15-8, đơn vị còn được thưởng để tổ chức liên hoan”, ông Bính kể. Tháng 2-1966, ông Phạm Trung Bính cùng đơn vị hành quân về Diễn Châu (Nghệ An) làm nhiệm vụ phòng không. Trong một lần trực bắn máy bay, ông Bính cùng các đồng đội phát hiện có phi công Mỹ rơi xuống kênh Nhà Lê, thuộc địa phận huyện Quỳnh Lưu (Nghệ An). Ngay lập tức, ông Bính cùng 6 bộ đội và dân quân chèo thuyền ra bắt phi công. Để cứu phi công, quân địch bố trí máy bay trực thăng và thuỷ phi cơ ứng cứu, bắn vòng quanh thuyền của ta. Khi thuyền ra đến chỗ phi công Mỹ, tên phi công chống cự ác liệt, nhất định không để bộ đội ta kéo lên. Ông Bính mưu trí bắt tên phi công. Thấy phi công bị bắt, trực thăng và thuỷ phi cơ Mỹ bắn càng xối xả vào thuyền. Từ bờ, pháo cao xạ của bộ đội ta bắn trả ác liệt, hạ 2 máy bay, buộc trực thăng và thuỷ phi cơ Mỹ phải rút quân. Năm 1968, khi tham gia chiến dịch Mậu Thân, đánh địch ở căn cứ La Vang (Quảng Trị) khắc sâu trong lòng ông Bính nhiều kỷ niệm. Mồng 1 Tết năm 1968, đại đội 2 của ông Bính bị quân địch bao vây giữa 1 nghĩa trang. Lúc này, trên cương vị đại đội phó, ông hạ lệnh cho xạ thủ vác B41 bắn trả xe tăng địch. Xạ thủ hy sinh, ông Bính giật súng bắn cháy liên tiếp 2 xe tăng địch, sau đó ngất đi do bị sức ép. Tỉnh dậy, ông tiếp tục chiến đấu thì bị thương vào tay và được hỗ trợ chuyển ra ngoài trận địa. Vết thương trở nặng, tháng 5-1968, ông Bính chuyển ra Bắc điều trị. Tháng 10-1968, ông chuyển ngành, rời quân ngũ.
2 người lính chúng tôi gặp, mỗi người một đơn vị, một nhiệm vụ khác nhau nhưng điểm chung là đều có lòng yêu nước, tinh thần chiến đấu quật cường. Cùng với hàng triệu những người lính khác, những năm tháng họ sống, chiến đấu đã trở thành “huyền thoại”. Để ngày hôm nay mỗi khi nghe lại câu chuyện của họ càng khiến chúng ta thêm tự hào, nguyện sống xứng đáng với sự hy sinh của lớp cha anh đi trước./.
Bài và ảnh: Hoa Xuân
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin