Xuân Kỷ Tỵ trên đảo Đá Lớn

08:00, 17/01/2023

Năm 1989 là năm thứ 2 chúng tôi đón năm mới trên đảo Đá Lớn - một đảo chìm thuộc quần đảo Trường Sa. Hai lần ăn Tết giữa đại dương mênh mông, mỗi lần đều để lại trong tôi những kỷ niệm khó quên…

Không có không khí náo nhiệt, không có những lo toan; không thịt mỡ dưa hành và bánh chưng, bánh tét như ở đất liền mà chỉ có những hồi hộp đợi chờ tàu từ đất liền ra tiếp tế: nào hàng Tết, nào thư từ, sách báo để đỡ “lạc hậu”. Việc đưa hàng Tết ra đảo trong mùa biển động thì vô cùng khó khăn, gian nan vất vả. Các tàu chở hàng của ta chỉ với trọng tải tầm 400 tấn, rất nhỏ bé trước cái mênh mông của biển nhưng phải đè sóng ra khơi bất chấp hiểm nguy trước mắt để hoàn thành tốt nhiệm vụ chở hàng Tết ra các đảo mà Bộ Tư lệnh Hải quân, Bộ chỉ huy vùng 4 và lữ đoàn Trường Sa giao phó. Thời đó, phương tiện thông tin liên lạc thiếu thốn, tất cả chỉ có thể thông qua các cuộc trao đổi bằng hệ thống vô tuyến điện 25 W rất phức tạp bởi phải thông qua đội ngũ báo vụ, cơ yếu… nên các tàu của ta ra khơi đều dựa vào bản lĩnh, kinh nghiệm của các thuyền trưởng và sự nhạy bén, dũng cảm của các thuỷ thủ. Tất nhiên, họ đều thành công đưa hàng Tết ra các đảo tiếp tế cho anh em cán bộ chiến sỹ nơi đầu sóng ngọn gió như chúng tôi.

Ngày 20 tháng Một năm Mậu Thìn (20/11 âm lịch - tức là ngày 28 tháng 12 năm 1988) sau bao ngày háo hức mong chờ, cuối cùng thì tàu HQ 602 cũng tới đảo chúng tôi. Tàu chưa kịp buông neo, anh em đã nhanh chóng chèo xuồng nhôm ra đón. Ai cũng muốn nhanh chân nhận được thư của gia đình từ khắp các miền quê gửi ra, cùng với những món quà Tết mà Lữ đoàn và các cấp từ Vùng 4, Quân chủng và Bộ Quốc phòng dành cho những người lính khi mùa Xuân đến. Năm người được phân công chèo xuồng ra tàu mang theo cuộn dây dù to đùng một đầu cột vào nhà lô cốt (còn gọi là nhà lâu bền,  thiết kế như những chiếc lô cốt với 6 cạnh; được xây dựng nên bởi hàng nghìn tấn đá và xi măng chở từ đất liền ra). Sau khi tới tàu, anh em cột đầu còn lại vào thanh chắn trên boong để dễ bề lần theo sợi dây ra vào trong đảo đỡ tốn công sức.

Chúng tôi được cấp 01 con heo nặng tầm 80 kg để có thịt tươi ăn Tết; nhưng nó gầy đét bởi bao ngày lênh đênh trên biển cùng với tàu đối diện với những con sóng hết sóng ngầm rồi sóng cả. Ngoài heo, còn có kẹo, thuốc lá và mấy chai rượu để có không khí Tết. Những lá thư từ quê Mẹ gửi ra, nhìn ngày tháng đóng trên dấu mộc đen mà bâng khuâng! Phải mất gần 8 tháng, thư mới đến tay người nhận… Nhưng biết làm sao, khi mà đất nước còn nghèo; trang thiết bị cho Quân chủng rất thiếu thốn?

Tàu HQ 602 chỉ buông neo cạnh đảo chừng nửa ngày, rồi lại tiếp tục hải trình đi lên cụm giữa và cụm Bắc của Đá Lớn (Đá Lớn của chúng tôi dài khoảng 8,2 hải lý, chiều rộng khoảng 1,7 hải lý; giữa lòng đảo có hồ nước xanh thẳm dài chừng 5,5 hải lý  và rộng 0,7 hải lý. Do có chiều dài như vậy, nên đảo được chia làm 3 cụm đóng quân từ tháng 5/1988). Lưu luyến chia tay các thủy thủ trên tàu mà trong lòng mỗi cán bộ chiến sỹ chúng tôi da diết, bâng khuâng và pha cả nỗi buồn bởi biết rằng phải 5, 6 tháng sau mới gặp lại những người đồng đội theo tàu từ đất liền ra với đảo!

Nỗi buồn chỉ thoáng qua mau, bởi còn bao trách nhiệm đang đè nặng đôi vai của những người giữ đất như chúng tôi: kiểm tra các bài bắn súng từ mục tiêu cố định đến di động; không chỉ là AK47 mà còn B41, pháo cao xạ 12,7 ly… nhất là vật chất và tinh thần chuẩn bị cho ngày Tết!

Điểm A đảo Đá Lớn nhìn từ ngoài vào. Ảnh: Internet

Song song với việc huấn luyện sẵn sàng chiến đấu, ngày 20 tháng chạp những người lính đảo chúng tôi bắt đầu đem những cây san hô trúc đã được chặt về từ tháng 10 và ngâm cho bong hết phần vỏ để lộ ra phần san hô với những đốt trắng dài như đốt trúc xen kẽ những đốt đen bằng sừng thật bắt mắt. Vài anh em khéo tay được giao nhiệm vụ cắt những mảnh giấy vàng, bạc từ vỏ bao thuốc lá các loại thành hoa mai vàng dính lên cành san hô, thế là có cây mai vàng đón Xuân. Nấu bánh chưng thì rất khó bởi không có lá dong, chúng tôi lấy bao xi măng đã rửa sạch, lấy đinh đục những lỗ nhỏ rồi cắt thành miếng vừa với khuôn tự tạo. Rồi cũng ngâm gạo nếp để chờ gói bánh. Đêm ngày 22 chạp, anh em bắt đầu giết lợn. Con lợn từ đất liền mang ra sau hơn tháng được cậu Tú quản lý đảo chăm sóc đã béo tốt trở lại, nên tăng thêm mấy cân. Khổ nỗi, từ chỉ huy đến chiến sỹ anh nào cũng lóng ngóng: giết lợn kiểu gì đây? Tôi bảo: đề nghị đồng chí Đảm cụm trưởng của đảo ra tay! Trung úy Đảm nghe thế lầm bầm: giết khỉ gì! Tui chịu! Nghe thế cậu Choi gắt gỏng: các ông không biết, bọn tôi xuất thân công nhân thì càng chào thua!

Giời ạ, giết con lợn tạ mà khó à? Cậu Hiếu rủ rỉ rù rì như mọi khi làm câu xanh rờn. Anh em hớn hở: A, có chàng Hiếu chịu trách nhiệm rồi! Hiếu ta tủm tỉm: - ấy, tôi nói thế để các ông thể hiện thôi, chứ tôi còm thế này lợn nó giãy phát thì bay ra mép sóng mất! Thế là cười như ôtô lên dốc!

Nhưng, nước sôi đã chuẩn bị đủ cả rồi (nước biển múc lên nấu, chứ không có nước ngọt), cứ đưa đẩy thì chỉ tốn củi. Ngần ngừ mãi, tôi bảo Súy: thôi, cậu ra tay đi! Hắn nhìn tôi: nể anh, em cố làm đấy nhá! Súy xắn tay, bảo: các ông giữ chân cho tôi. Giữ thật chặt đấy nhé! Thế là 3 chiến sỹ tham gia đè 4 chân, khiến cho lợn không thể nào giãy dụa được… Giết lợn xong thì đã hơn 5 giờ sáng ngày 23 chạp, đánh tiết canh, luộc lòng… và đưa lên cúng “Thổ công” như phong tục dân tộc . Cả đảo phía Nam được bữa ăn tươi sau hơn 1 năm thèm thuồng, khao khát.  Chúng tôi ướp để lại gần ½ dành cho mấy ngày Tết, còn lại chia ra ăn dè suốt từ ngày 23 chạp đến ngày tất niên…

Chiều ngày 29 tháng Chạp, anh em chúng tôi quây quần gói bánh chưng. Giấy gói bánh đã sẵn sàng. Gói xong, châm lửa luộc bên bếp củi gộc - loại củi của anh em công binh E83 khi xây dựng nhà lâu bền để lại. Mất hơn 8 tiếng nấu bánh, sáng 30  Chạp vớt ra, ép kỹ rồi cúng tất niên. Bữa cơm có đủ thịt lợn: kho, luộc, nấu đông (làm gì đông được khi thời tiết lúc nào cũng tầm 30 độ C?), giò, chả… Bàn thờ chỉ có mấy vỏ bao thuốc lá Côtab và Jet cùng với vài hộp sữa đặc cùng mấy tấm lương khô. Hơn chục tấm bánh chưng, lúc cúng xong đưa ra thử thì nhão nhoẹt và mùi xi măng sao vẫn còn thoang thoảng; đành gắng gượng mà ăn cho khỏi phí. Cả 15 anh em thao thức chờ phút giao thừa. Khi đồng hồ vừa chạm mốc 12h tất cả đã nhảy múa ăn mừng năm mới và cùng nghe lời chúc Tết của Chủ tịch Hội đồng Nhà nước Võ Chí Công trên sóng phát thanh của Đài tiếng nói Việt Nam qua chiếc đài bán dẫn bé tẹo với hai cục pin to khổng lồ được thải ra từ chiếc máy 25W…

Trưa mồng Một Tết, anh em 2 nhà: nhà chòi (gồm tôi và Suý) nhà lâu bền sang chúc Tết lẫn nhau. Tôi và Suý chuẩn bị được mấy con bạch tuộc luộc sẵn, vài chai rượu đổi ốc nón với anh em thuỷ thủ tàu HQ602…Và thế là có bữa nhậu tưng bừng. Anh em chỉ chúc nhau mong chóng được về đất Mẹ sau hơn 1 năm trên hòn đảo chìm giữa biển khơi!

Vậy mà đã 35 năm ngày chúng tôi đi mở đất…

Nguyễn Duy Dương
Hội viên Hội VHNT Trường Sơn

 

 

 



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com