Trọn một buổi chiều ngồi trò chuyện với các bà Trần Thị Hoài Phong và Vũ Thị Thu Kích, câu chuyện của chúng tôi thường xuyên bị ngắt quãng bởi những khoảnh khắc xúc động xen lẫn tự hào. Những người phụ nữ từng vào sinh ra tử nơi chiến trường khốc liệt đã mạnh mẽ vượt qua số phận không may mắn, để trọn vẹn giữ lời thề “Quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh”, thủy chung son sắt một lòng thờ chồng, nuôi con.
Một trong những niềm vui hàng ngày của bà Vũ Thị Thu Kích, số nhà 201 Mạc Thị Bưởi (thành phố Nam Định) là khám, chữa bệnh cứu người. |
I. “Em là cô gái xung phong… Dưới làn bom đạn em thì xông pha”
Chủ tịch Hội Cựu thanh niên xung phong (TNXP) phường Năng Tĩnh (thành phố Nam Định), bà Trần Thị Hoài Phong nhập ngũ năm 1965, biên chế tại đơn vị C258N39, Tổng đội TNXP làm nhiệm vụ mở đường tại chiến trường Quảng Bình, Quảng Trị. 16 tuổi, cô gái trẻ chưa từng biết đến rung động trái tim, chưa một lần xa nhà có những kỷ niệm không bao giờ quên trên con đường hành quân gian khó: “Chúng tôi tập trung ở Gôi, đi từ Gôi vào ga Đò Lèn (Thanh Hóa) thì xuống tàu đi bộ. Đêm nào, người nối người cũng luồn rừng lội suối đi đủ 30km. Bắt đầu từ 18h tối cho đến trước 5h sáng, đơn vị phải đến được địa điểm quy định. Nếu sau 5h mà không đến được địa điểm đã quy định thì dân sẽ không cho vào làng vì sợ trời sáng địch phát hiện ra bộ đội, TNXP ở trong làng sẽ bắn phá”, bà Phong kể. Cũng trong 1 tháng hành quân ròng rã ấy, ký ức còn đưa bà đến nhiều khoảnh khắc đáng nhớ khác: Đi bộ nhiều, đầu gối mỗi người đều sưng to như đầu gối voi. Khổ nhất là phải giải quyết các vấn đề của phụ nữ trên đường hành quân. Vào chiến trường, như mọi chiến sĩ TNXP khác, hàng ngày, những chàng trai, cô gái mười tám, đôi mươi tự mình biến thành “cọc tiêu sống” dẫn đường, tiếp lương, tải đạn, san lấp hố bom, cõng thương binh... Và trong hàng nghìn lần làm nhiệm vụ, tại huyện Bố Trạch (Quảng Bình), bà Phong đã bị thương vào lưng và chân, tỷ lệ thương tật 21%. Nhiều đồng đội của bà cũng đã hy sinh.
Cho đến tận bây giờ, thỉnh thoảng trong những giấc mơ bà Phong vẫn nghe tiếng bom nổ, vẫn “vô thức” rơi nước mắt khi nghĩ về những đồng chí, đồng đội vĩnh viễn nằm xuống giữa đại ngàn. Bà nhớ nhất lần cùng với 3 TNXP chia thành 2 kíp cáng bộ đội bị thương. “Người thấp hơn võng cứ vượt núi, vượt rừng mà chạy. Chỉ mong đưa các anh bộ đội nhanh chóng tới bệnh xá an toàn. Đi được một quãng dài, không thấy tiếng rên la, chúng tôi vừa cảm phục vừa tin tưởng sẽ đưa các anh về cấp cứu, chữa trị kịp thời. Nhưng khi về đến bệnh xá, bác sĩ thông báo các anh mất rồi. Chúng tôi lặng người, chiều Trường Sơn ngày hôm ấy thật âm u và tang thương”, bà Phong kể tiếp, tay vụng về không ngừng lau nước mắt. Rồi những ngày trực chiến ác liệt, bà chứng kiến cảnh “Quảng Bình không phút nào ngơi tiếng máy bay Mỹ gầm rú”. Tôi hỏi bà, có thấy sợ không, khi mỗi ngày sống đều là cuộc chiến sinh tử? Bà trả lời, chúng tôi hồi đó không sợ hãi cũng không nghĩ gì nhiều. Chỉ xác định rằng, đã thề với lòng, với quê hương, với mẹ cha là đánh xong giặc mới trở về nên không sợ chết. Trong trái tim của những chàng trai, cô gái trẻ trung ngày ấy, đi chiến trường “vui như đi hội”. Nếu chúng tôi không có niềm tin và không có tinh thần ấy thì chắc chắn không thể nào vượt qua những năm tháng khốc liệt như thế”. Và những “nhân chứng sống” như bà Phong, như hàng vạn TNXP, hàng triệu bộ đội, người lính đã từng vào sinh ra tử trên tuyến đường huyết mạch Trường Sơn cũng như bao trận chiến khác suốt dọc dài lịch sử dựng nước và giữ nước của dân tộc ta đã xác tín điều đó, bằng chính tinh thần anh dũng, lời thề thiêng liêng xả thân vì Tổ quốc của mình.
Bà Trần Thị Hoài Phong, Chủ tịch Hội Cựu thanh niên xung phong phường Năng Tĩnh (thành phố Nam Định) giới thiệu cuốn “Nhật ký chiến trường” tự ghi lại bằng thơ. |
II. Trọn vẹn câu thề
“Thu Kích em ơi hãy đợi chờ”…, bà Vũ Thị Thu Kích, số nhà 201 Mạc Thị Bưởi (thành phố Nam Định) mở đầu câu chuyện với chúng tôi bằng một câu thơ trong bài thơ chồng bà, liệt sĩ Lê Văn Hùng gửi ngày mới nhập ngũ. Sau câu thơ này, giọng bà Kích cứ lạc dần khi lần mở hồi ký “trong tim” về chồng. Gặp nhau khi đang là sinh viên của Trường Trung cấp Hóa chất Lâm Thao (Phú Thọ) nay là Trường Đại học Công nghiệp Việt Trì, cùng có khiếu văn nghệ lại đam mê hoạt động Đoàn, 2 người tìm thấy nhiều điểm chung và yêu nhau. 20 tuổi ra trường, được giữ lại làm giảng viên, họ nhanh chóng làm lễ cưới trong sự vui mừng và chúc phúc của người thân, bạn bè. Năm 1969, con trai đầu của ông bà ra đời, ngôi nhà nhỏ thêm chộn rộn tiếng cười và ánh mắt ngập tràn thương yêu. Chiều chiều, mỗi khi rỗi rãi, vợ chồng trẻ lại bế con ra khu đồi sau trường vừa ngắm hoàng hôn vừa đàn hát. Bà Kích chia sẻ, “những năm ấy quả là thiên đường hạnh phúc đối với gia đình tôi”. Ngày 16-4-1972, khi con gái thứ 2 mới 12 ngày tuổi thì ông Hùng nhận lệnh vào Đắk Lắk chiến đấu. Chia tay vợ con, cả 2 ông bà ôm nhau khóc rưng rức. Lên xe, ông vẫn cố ngoái lại nhìn vợ rồi dặn với, vững vàng lên em nhé, chờ anh ngày về… Tháng ngày chia xa, vợ chồng trẻ thường xuyên liên lạc qua thư. Trong những bức thư, họ hỏi han nhau tình hình sức khỏe, con cái, trao nhau hy vọng về một ngày mai toàn thắng, gia đình 4 người sẽ đông đủ, tịnh không một dòng kể khổ. Tháng 12-1972, bà Kích xin chuyển công tác về Sở Khoa học và Công nghệ Ninh Bình. Ngày 30-4-1974, bà nhận tin sét đánh, ông Hùng hy sinh anh dũng trong một trận chiến giáp lá cà. Bà khụy xuống, ôm ngực khóc không thành lời. Nhìn 2 con thơ dại, mẹ già, nước mắt bà ứa ra rồi lại tự vực dậy bản thân: phải sống, còn phải nuôi con, nuôi mẹ, thờ chồng. Một ngày cuối năm 1974, chân không dép guốc, một tay bà Kích bế con gái nhỏ, một tay dắt theo con trai, mẹ già cùng 1 bao tải bên trong có vài cái bát ăn cơm, một hai cái nồi về Nam Định quê chồng sinh sống, công tác. Trong gian nhà tập thể chỉ vừa đủ kê chiếc giường nhỏ của Sở Khoa học và Công nghệ, 4 mẹ con, bà cháu nương tựa nhau sống. Nhà nhỏ đến nỗi, bà không có chỗ để lập ban thờ chồng. Ngày đi làm, đêm đến bà Kích miệt mài dạy con học. Không chỉ dạy con học, bà Kích còn quyết tâm tự học để nâng cao trình độ. Bà đã hoàn thành xuất sắc chương trình học tại chức của Đại học Thương nghiệp (nay là Đại học Thương mại). Năm 1979, bà còn đăng ký học thêm Đông y, bốc thuốc, chữa bệnh cứu người, từ đó có thêm điều kiện cải thiện cuộc sống gia đình. Thương mẹ vất vả, 2 người con của bà Kích đều học hành giỏi giang, thành đạt. Về hưu bà tích cực tham gia công tác chữ thập đỏ, Hội Khuyến học của phường… Suốt những năm tháng dài dặc, đồng cảm, cảm phục người phụ nữ nhỏ bé, giỏi giang, hiền dịu cũng đã có nhiều người ngỏ lời xây dựng hạnh phúc với bà Kích. Tuy nhiên bà không đồng ý ai. Bởi với bà, tình yêu dành cho người chồng đã mất luôn đủ đầy, không còn chỗ trống.
Hai người phụ nữ chúng tôi gặp, mỗi người một số phận, hoàn cảnh khác nhau. Cuộc đời, sự hy sinh, những cống hiến của họ cho gia đình, đất nước vô cùng trân quý, được Đảng, Nhà nước ghi nhận, tặng thưởng. Họ là đại diện cho những người phụ nữ, người mẹ, người vợ, người chị, em gái Việt Nam xứng đáng 8 chữ vàng mà Bác Hồ dành tặng: “Anh hùng, bất khuất, trung hậu, đảm đang”./.
Bài và ảnh: Hoa Xuân
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin