PGS.TS. Nguyễn Ngọc Hà
Đồng chí Trường Chinh là một trong những học trò xuất sắc của Chủ tịch Hồ Chí Minh, một nhà lãnh đạo kiệt xuất của Đảng, Nhà nước, nhà lý luận, nhà chính trị và văn hóa lớn của đất nước. Trên cương vị là Tổng Bí thư của Đảng, từ năm 1941, cùng với Ban Chấp hành Trung ương và Bộ Chính trị, đồng chí đã có nhiều quyết sách đúng đắn, sáng tạo, nhất là trong những bước ngoặt của cách mạng, vai trò của đồng chí nổi bật là một trong những người lãnh đạo kiệt xuất đã đưa cuộc Cách mạng Tháng Tám đến thành công và đưa cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp đến thắng lợi cuối cùng. Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, trên cương vị là Chủ tịch ủy ban Thường vụ Quốc hội, đồng chí đã cùng tập thế Bộ Chính trị có những đóng góp không nhỏ vào việc chuẩn bị và đưa ra những quyết sách chiến lược, đưa cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước đến thắng lợi hoàn toàn. Trong những năm 80 của thế kỷ XX, đồng chí còn là người đặt nền móng cho công cuộc đổi mới toàn diện đất nước.
Chủ tịch Hồ Chí Minh và đồng chí Trường Chinh, năm 1961. |
Tên tuổi của đồng chí Trường Chinh gắn liền với quá trình đấu tranh gian khổ và thắng lợi của cách mạng Việt Nam. Bên cạnh đó, đối với đội ngũ cán bộ nghiên cứu, giảng dạy lịch sử thì đồng chí Trường Chinh không chỉ là một người góp phần làm nên lịch sử dân tộc thời hiện đại và lịch sử Đảng mà đồng chí còn là người lãnh đạo và tổ chức công tác nghiên cứu, biên soạn lịch sử Đảng.
Xác định đúng đắn vị trí, vai trò, tầm quan trọng của trí thức lịch sử và công tác nghiên cứu lịch sử Đảng
Với tư cách một nhà lãnh đạo của Đảng và Nhà nước, trong hoạt động cách mạng, đồng chí Trường Chinh đã trực tiếp tham gia hoạch định, chỉ đạo đường lối, chính sách đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, giáo dục nhân dân, do đó đồng chí đã ý thức đầy đủ, sâu sắc về việc nghiên cứu và sử dụng tri thức lịch sử trong tư duy lý luận cũng như hoạt động thực tiễn. Nhân dịp tổng kết 10 năm công tác của Viện Sử học, đồng chí đã căn dặn: "Viện Sử học chẳng những có nhiệm vụ nghiên cứu và biên soạn lịch sử, mà còn góp phần phổ biến lịch sử, chẳng những xây dựng khoa học lịch sử mới, mà còn tác chiến chống những quan điểm sai lầm về sử học, xuyên tạc lịch sử Việt Nam của đế quốc, phong kiến, tư sản, của những "sử gia" phản động...".
Trong cuốn Đẩy mạnh công tác nghiên cứu lịch sử Đảng, đồng chí Truờng Chinh chi rõ: "Lịch sử Đảng Cộng sản Việt Nam là lịch sử phát triển của phong trào cách mạng của giai cấp công nhân và nhân dân Việt Nam dưới sự lãnh đạo của Đảng. Nghiên cứu lịch sử Đảng Cộng sản Việt Nam là nghiên cứu việc Đảng ta đã vận dụng một cách sáng tạo chủ nghĩa Mác - Lênin vào điều kiện cụ thể của Việt Nam để định ra đường lối, chính sách đúng đắn đưa cách mạng Việt Nam đi từ thắng lợi này đến thắng lợi khác, và thực chất là nghiên cứu lịch sử tìm tòi, nắm vững và vận dụng các quy luật khách quan của xã hội vào việc lãnh đạo cách mạng Việt Nam qua các giai đoạn cách mạng và các thời kỳ lịch sử của Đảng".
Đồng chí Trường Chinh luôn căn dặn các nhà sử học nói chung, những người nghiên cứu lịch sử Đảng nói riêng phải đứng vững trên quan điểm của Đảng, thống nhất tính khoa học với tính đảng, thể hiện trình độ, thái độ, nhân cách của một nhà khoa học chân chính. Đó là trách nhiệm, lương tâm của người làm sử. Trong Bài nói chuyện tại Hội nghị nghiên cứu lịch sử Đảng, ngày 27-12-1963, đồng chí khẳng định: Người viết sử phải phụ trách cả với quá khứ, hiện tại và tương lai, phụ trách trước Đảng và trước nhân dân. Nếu chúng ta viết sai, con cháu ta sẽ phê bình ta và cũng có thể sẽ truyền cái sai cho nhân dân ta và cho cả thế giới. Vì vậy, với mục đích đặt công tác sử học trong nhiệm vụ phục vụ cách mạng phù hợp với đặc điểm, nội dung của khoa học này, đồng chí nhấn mạnh: "Công tác sử học là công tác tư tưởng. Viết sử tức là tổng kết những kinh nghiệm đúng, sai; phổ biến những kinh nghiệm đúng, khắc phục cái sai, ôn lại cái cũ để chỉ đạo cái mới. Viết sử không phải để ngắm lịch sử. Lịch sử không phải là một vật để trang trí. Viết sử là để giáo dục đảng viên và quần chúng, làm cho họ tự hào và tin tưởng, có thêm năng lực và kinh nghiệm để làm nên những sự nghiệp vĩ đại hơn nữa. Qua việc nghiên cứu sử mà giáo dục tinh thần yêu nước, tinh thần quốc tế vô sản, tinh thần kiên cường chiến đấu, khắc phục khó khăn. Đọc lịch sử, người ta sẽ thấm một cách tự nhiên, không cần lên lớp".
Cũng như Mác, Ăngghen, Lênin, Hồ Chí Minh... đồng chí Trường Chinh đã sử dụng các ngành văn hóa, nghệ thuật, khoa học xã hội và nhân văn làm vũ khí, làm phương tiện đấu tranh để đạt mục đích chính là độc lập dân tộc gắn liền với chủ nghĩa xã hội. Đồng thời, là một nhà văn hóa lớn, nên đồng chí rất coi trọng tri thức lịch sử - một nhân tố quan trọng hợp thành tri thức văn hóa. Tri thức lịch sử mang tính chất xã hội. Không những nó giúp chúng ta hiểu sâu sắc về nhiều mặt của đời sống xã hội mà còn cung cấp những hiểu biết cần thiết cho con người khi tham gia tích cực vào đời sống xã hội. Ăngghen đã khẳng định: Lịch sử bắt đầu từ đâu thì quá trình tư duy cũng bắt đầu từ đấy. Nhận thức lịch sử không phải chỉ để biết mà còn để hiểu quá trình phát triển khách quan của xã hội loài người và hành động cho ngày nay và mai sau. Vì vậy, mở đầu cuốn lịch sủ nước ta, lãnh tụ Hồ Chí Minh đã viết:
"Dân ta phải biết sử ta,
Cho tường gốc tích nước nhà Việt Nam"
Đời sống xã hội cần có văn hóa, mà tri thức lịch sử vừa là công cụ của công tác giáo dục lại vừa có tác dụng giáo dục trí tuệ và tình cảm. Cho nên tri thức lịch sử là yếu tố quan trọng của nền văn hóa chung của dân tộc và nhân loại, và không có bộ phận tri thức này thì không thể coi việc giáo dục con người đã hoàn thiện.
Với nhận thức đó, đối với những người làm công tác nghiên cứu lịch sử nói chung và lịch sử Đảng nói riêng, những lời căn dặn của đồng chí Trường Chinh cũng chính là tôn chỉ, mục đích, định hướng toàn bộ quá trình hoạt động nghề nghiệp của họ.
(Còn nữa)
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin