Chăm sóc đợt 1
– Với lúa cấy tay và cấy máy:
+ Trước cấy, bà con tập trung chăm sóc mạ tạo cây mạ khỏe, đúng tuổi, sạch sâu bệnh, chủ động làm đất là kỹ nhuyễn phẳng, sạch cỏ dại. Sau cấy bà con duy trì mục nước 2-3cm, để giữ ấm cho lúa, hạn chế cỏ dại và tạo điều kiện thuận lợi để cây lúa bén rễ hồi xanh. Khi cây lúa bén rễ hồi xanh ở vụ xuân khoảng sau cấy từ 7 – 10 ngày tùy nhiệt độ, khi thấy cây lúa có biểu hiện ra rễ trắng, ra lá mới, mà thời tiết ấm nhiệt độ trên 15 độ C, bà con tranh thủ chăm sóc kịp thời. Bà con bón phân thúc đẻ nhánh với lượng 3 – 5 kg đạm ure + 2 – 3 kg kali/ sào kết hợp làm cỏ, sục bùn và dặm tỉa định mật độ và duy trì mực nước 3-5cm cho cây lúa đẻ nhánh được thuận lợi.
+ Sau khi cấy xong chúng ta tiếp tục bảo vệ, chăm sóc lượng mạ dự phòng, dư thừa đề phòng thời tiết diễn biến phức tạp rét đậm, rét hại chúng ta có đủ lượng mạ cùng giống cùng trà để tiến hành dặm tỉa.
Ảnh minh họa/Internet. |
– Với lúa gieo thẳng:
+ Phun thuốc trừ cỏ: Đối với lúa gieo thẳng phun thuốc trừ cỏ là yêu cầu bắt buộc, bà con sử dụng một số loại thuốc trừ cỏ tiền nảy như Sofit 300 EC hoặc Prefit 300EC phun ngay sau khi gieo từ 1 – 3 ngày. Sau khi phun phải giữ nước ở rãnh để đảm bảo ruộng luôn đủ ẩm, không để nứt nẻ ít nhất trong vòng 1 tuần để mộng nhanh ngồi STPT tốt, phát huy hiệu lực của thuốc trừ cỏ và tăng khả năng chống rét cho lúa.
Lưu ý không phun thuốc trừ cỏ vào những ngày nhiệt độ trung bình dưới 150C, nếu điều kiện không cho phép phun thuốc trừ cỏ tiền nẩy mầm thì có thể sử dụng thuốc trừ cỏ hậu nẩy mầm phun khi cấy lúa được trên 2,5 lá và có nước nông trên ruộng.
– Khi lúa đạt 2 – 2,5 lá, đưa nước láng mặt ruộng, kết hợp bón phân thúc lần 1 lần này gọi là bón nhử dùng 2kg đạm ure + 1 – 1,5kg kali/sào và kết hợp tỉa dặm, sau khi bón phân 2 – 3 ngày tháo cạn và giữ đủ ẩm.
– Khi lúa đạt 5 – 6 lá, đưa nước trở lại, bón phân thúc lần 2 thúc đẻ nhánh với lượng từ 3-4 kg đạm + 2-3 kg kali/sào , kết hợp tỉa dặm định mật độ, giữ mực nước nông từ 3 – 5cm để lúa đẻ nhánh được thuận lợi.
Chăm sóc đợt 2
+ Khi lúa đẻ đủ số dảnh cơ bản (khoảng 350 dảnh/m2). Rút nước phơi ruộng để ruộng nứt nẻ chân chim. Khi lúa bắt đầu phân hoá đòng, đưa nước trở lại, kết hợp bón phân thúc đòng, giữ nước cho đến khi lúa chín đỏ đuôi, tháo cạn nước để thu hoạch được thuận lợi.
+ Khi lá lúa biểu hiện thắt eo, tròn mình, bắt đầu vào giai đoạn phân hóa đòng bước 3 thì bà con tiến hành bón đón đòng. Bà con bón với lượng là 3 – 4 kg kali, nếu ruộng có biểu hiện thiếu đạm, cây thấp, lá vàng, thì bà con có thể bón kết hợp với 1- 1,5kg đạm , và duy trì mực nước từ 3 – 5 cm. Những ruộng có bộ lá xanh, chân đất trũng chúng ta không bón kết hợp với đạm.
Chú ý khi bón thúc đón đòng ruộng đảm bảo mực nước trong ruộng, không bón kali vào ngày mưa, lá lúa ướt phân kali bám lên lá làm cháy lá.
– Ngoài các loại phân đơn thì nếu bà con sử dụng phân hỗn hợp NPK chuyên dùng cho cây lúa và phù hợp với từng giai đoạn sinh trưởng của cây, bón theo hướng dẫn của nhà sản xuất có in trên bao bì.
Phòng trừ sâu bệnh
Đầu vụ bà con đặc biệt chú ý các đối tượng chuột hại, ốc bươu vàng, sâu cuống lá, rầy các loại, bệnh đạo ôn, khô vằn….
Bà con nên thăm đồng thường xuyên để tác động những biện pháp kĩ thuật một cách hiệu quả, đúng các giai đoạn sinh trưởng của cây lúa, đồng thời phát hiện và phòng trừ kịp thời các đối tượng sâu bệnh hại.
Theo khuyennong.vn