Bệnh viêm phổi - màng phổi trên lợn

06:01, 12/01/2022

Đây là một trong những bệnh gây thiệt hại nặng cho ngành chăn nuôi. Người nuôi cần nắm rõ về bệnh để có cách phòng chống có hiệu quả.

1. Nguyên nhân và cách gây bệnh

Bệnh do Actinobaccillus pleuropneumoniae (APP) gây ra, hay còn gọi là bệnh viêm phổi - màng phổi. Bệnh xảy ra ở lợn mọi lứa tuổi, nhưng thường nhiễm ở lợn từ 2 - 6 tháng tuổi.

Bệnh lây qua đường không khí hay qua tiếp xúc trực tiếp giữa cá thể bệnh và các con khác trong đàn, lợn mẹ truyền sang lợn con; Lây truyền gián tiếp qua dụng cụ chăn nuôi, phương tiện vận chuyển, người chăn nuôi. Thời gian nung bệnh thường ngắn, khoảng 12 giờ đến 3 ngày. Bệnh sẽ nghiêm trọng hơn khi bị nhiễm trùng kế phát.

2. Triệu chứng

Tùy mức độ nhiễm và khả năng đề kháng của cơ thể, bệnh thường tiến triển 3 thể: Thể quá cấp, thể cấp tính và thể mãn tính.

2.1. Thể quá cấp

Lợn bệnh sốt cao (40 - 41,5 độ C), khó thở, tần số mạch tăng. Da ở vùng mũi, tai, chân và sau đó toàn cơ thể có màu tím xanh. Lợn bệnh chết trong vòng 24 - 36 giờ. Lợn đột tử thường có dấu hiệu máu chảy kèm với bọt thải ra từ mũi.

2.2. Thể cấp tính

Bệnh tiến triển rất nhanh. Lợn bệnh sốt cao (40,5 – 41 độ C), da có nốt đỏ, bỏ ăn, lười vận động, lười uống nước. Lợn có triệu chứng hô hấp như khó thở, ho, đôi khi phải há mồm ra để thở. Rối loạn nhịp tim và hệ tuần hoàn.

2.3. Thể mãn tính

Lợn bệnh có thân nhiệt sốt nhẹ, lúc ăn, lúc bỏ hay ho khan, thở thể bụng, lông dựng, da nhợt nhạt, tăng trọng giảm.

3. Bệnh tích

Phổi thường bị viêm có tính chất đối xứng, gồm thùy tim, thùy đỉnh và một phần thùy hoành. Trường hợp lợn chết ở thể quá cấp tính, vùng phổi bị viêm thường có màu đen, cứng, không hoặc ít khi viêm màng phổi có fibrin, bề mặt cắt của phổi nát. Thể cấp tính, bệnh tích đặc trưng là viêm màng phổi có fibrin, xoang bao tim chứa đầy dịch lẫn máu.

Bệnh tiến triển khiến cho các sợi fibrin nhiều có thể bám chắc làm viêm dính màng phổi với thành lồng ngực. Hạch lâm ba bị teo nhỏ, đặc biệt ở thùy hoành. Giai đoạn đầu, biến đổi bệnh tích vi thể chủ yếu là hiện tượng hoại tử, xuất huyết và thâm nhiễm tế bào đa nhân trung tính, đại thực bào và tiểu huyết cầu. Ngoài ra còn thấy hiện tượng nghẽn mạch, phù thũng lan tràn và dịch thủy thũng có nhiều fibrin.

4. Chẩn đoán

Dựa vào dịch tễ bệnh, các triệu chứng lâm sàng và bệnh tích mổ khám. Điển hình là viêm phổi - màng phổi, dịch thẩm xuất trong xoang ngực, trong màng phổi và nhiều trường hợp dính phổi với màng phổi.

5. Phòng bệnh

Chọn mua lợn ở những cơ sở giống an toàn dịch bệnh, có nguồn gốc rõ ràng, nuôi cách ly trước khi nhập đàn; Chuồng trại chăn nuôi phải đảm bảo cách ly với các khu vực khác, có hàng rào ngăn không cho súc vật, các loài gặm nhấm; Ở các điểm ra vào trang trại phải hố sát trùng, tiêu độc; Tránh sự tiếp xúc trực tiếp giữa các đàn lợn ốm và đàn lợn khỏe mạnh; Định kỳ phun tiêu độc khử trùng chuồng trại, dụng cụ chăn nuôi bằng các loại thuốc sát trùng; Phân, nước tiểu, chất thải trong chăn nuôi phải được thu gom xử lý bằng các phương pháp thích hợp; Kiểm soát tốt các nguồn nguyên vật liệu khi đưa vào trang trại…; Chăn nuôi với mật độ hợp lý; Chăm sóc nuôi dưỡng tốt đàn lợn nhằm nâng cao sức đề kháng cho đàn lợn, tạo môi trường thuận lợi để lợn sinh trưởng phát triển.

Kiểm soát bênh vắc xin
Kiểm soát bênh vắc xin

Theo khuyennongvn.gov.vn


 



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com