Bệnh viêm phổi truyền nhiễm hay còn gọi bệnh suyễn lợn. Bệnh do nhiều nguyên nhân, trong đó chủ yếu là do vi khuẩn Mycoplasma, đây là loại vi khuẩn Gram âm thường gây bệnh ở mọi lứa tuổi của lợn, nhưng chủ yếu là lợn giai đoạn 3- 26 tuần tuổi.
1. Triệu chứng bệnh
Thời gian nung bệnh kéo dài từ 1-3 tuần tuỳ thuộc vào từng lứa tuổi và mức độ mầm bệnh. Khi bị bệnh, lợn thường biểu hiện bệnh ở 2 thể là á cấp tính và mãn tính.
Thể á cấp tính:
- Lợn bệnh sốt nhẹ 40,4- 41 độ C, hắt hơi chảy nước mũi, có dịch nhầy.
- Lợn thở khó, ho nhiều, sốt ngắt quãng, ăn kém
- Lúc đầu ho khan từng tiếng, ho chủ yếu về đêm, sau đó chuyển thành cơn, ho ướt nghe rõ nhất là vào sáng sớm đặc biệt là khi trời se lạnh, gió lùa đột ngột, nước mũi nước mắt chảy ra nhiều.
- Nhịp tim và nhịp thở đều tăng cao. Lợn vẫn thèm ăn nhưng ăn uống thất thường.
- Nếu không điều trị, lợn bệnh sẽ chết sau 7- 20 ngày.
Thể mãn tính: Đây là thể bệnh thường gặp nhất ở những đàn lợn mang trùng
- Lợn bệnh ho húng hắng liên tục và bệnh kéo dài gây cảm giác rất khó chịu.
- Đàn lợn ăn uống bình thường, nhưng chậm lớn còi cọc
- Da kém bóng, lông cứng và xơ dựng đứng, nhiều trường hợp thấy da bị quăn và xuất hiện nhiều vảy nâu, lợn đi lại rất khó khăn do bị viêm khớp..
Ở lợn nái, có thể có con thai chết lưu, sảy thai và có con chết yểu.
Cả hai thể á cấp và thể mãn tính đều có tiên lượng xấu đi do lợn còi cọc, chậm lớn hao hụt số đầu con, chi phí thức ăn thuốc men tăng.
2. Biện pháp phòng bệnh
Để phòng bệnh hiệu quả, khi mua lợn giống phải chọn những con rõ lý lịch, lợn khỏe mạnh, không bệnh, bắt buộc phải nuôi cách ly trước khi nhập đàn.
- Thường xuyên vệ sinh chuồng trại sạch sẽ, khô ráo, không để chuột, chó, mèo hoang, côn trùng,….vào khu vực chăn nuôi.
- Định kỳ phun thuốc sát trùng trong chuồng và khu vực xung quanh chuồng nuôi ít nhất 1 lần/1 tuần bằng dung dịch Han-Iodin hoặc bencocid 10%...
- Tuân thủ lịch tiêm phòng vacxin Suyễn cho lợn:
+ Đối với lợn con: Tiêm vác xin lúc lợn được 7 và 21 ngày tuổi;
+ Đối với lợn nái và lợn đực giống: tiêm bắp lần 1, lần 2 như trên lần 3 tiêm trước khi đẻ 6 tuần và lần 4 trước đẻ 2 tuần. Sau đó tiêm định kỳ 6 tháng/lần, với liều 2ml/lần.
- Tăng cường công tác chăm sóc, nuôi dưỡng tốt để tăng sức đề kháng bệnh.
- Có thể dùng một trong những kháng sinh có thành phần như: Tylosin kết hợp với Doxycyclin, hoặc Tyloxin kết hợp với kháng sinh nhóm sulfa (Sulfadiazin, Sulfadoxin…) hoặc Oxitetracyline kết hợp với Tiamulin để trộn vào thức ăn.
Cách trộn: Đối với lợn con và lợn choai trộn đồng loạt trong 7 ngày sau đó cứ 4 tuần lặp lại một lần; đối với lợn nái trộn vào thức ăn trong giai đoạn trước và sau khi đẻ một tuần. Nên bổ sung men tiêu hoá vào thức ăn cho lợn khi sử dụng kháng sinh.
3. Điều trị bệnh
Do bệnh có tính lây lan âm ỉ, kéo dài. Do đó để điều trị bệnh hiệu quả phải thực hiện song song cả 2 cách:
- Điều trị toàn đàn:
Sử dụng Gentafam 1: với liều 2-4 kg/ tấn thức ăn/ ngày. Anti- CRD.LA: 4kg/tấn thức ăn/ ngày, trộn vào thức ăn cho lợn ăn liên tục trong 10 đến 15 ngày.
Dùng một trong các loại thuốc kháng sinh như Flumequin 20: 10 ml/ lít nước kết hợp với Tiamulin hoặc Tylosin 1g/lít nước, pha vào nước cho lợn uống tự do, vừa có tác dụng tiêu diệt Mycoplasma vừa có tác dụng tiêu diệt các vi khuẩn gây bệnh thứ phát, cho cả đàn uống liên tục trong 10 đến 15 ngày.
- Điều trị cá thể bệnh
Tùy thuộc vào tình trạng bệnh và các biểu hiện triệu chứng của từng cá thể mà có phác đồ điều trị hơp lý:
+ Nếu lợn ho khan không chảy nước mũi, nước mắt: Sử dụng Vidan.T: 1ml/ 10kg trọng lượng, tiêm buổi sáng; Chiều: Sử dụng Spyracin.Thái: 1ml/ 8- 10kg trọng lượng.
+ Nếu lợn ho khan hoặc ướt, ho kéo dài, chảy nước mũi lẫn máu, sử dụng
Tialin.Thái: 1ml/10kg trọng lượng, tiêm buổi sáng; Chiều tiêm Linco- Gen LA với liều 1ml/10kg trọng lượng
Kết hợp sử dụng các loại thuốc bổ trợ như B-Complex, VTM B1 để tăng sức đề kháng cho đàn lợn.
Theo khuyennong.vn