Quản lý sâu bệnh lúa hè thu (kỳ 2)

05:07, 14/07/2021

(tiếp theo kỳ trước)

Sâu đục thân

Đặc tính gây hại

Gây thiệt hại đáng kể bằng việc làm giảm số chồi hữu hiệu, xuất hiện từ giai đoạn lúa được 20 – 25NSKS đến lúa chín sáp. Nếu sâu xuất hiện sớm khi lúa dưới 30 NSKS, lúc này cây lúa có khả năng nẩy chồi thay thế vì vậy không cần can thiệp thuốc BVTV. Nếu sâu tấn công lúc cây lúa ở giai đoạn 40 NSKS trở về sau, ở giai đoạn này cây lúa không thể cho chồi hữu hiệu để thay thế vì vậy năng suất lúa năng suất lúa sẽ bị làm giảm đáng kể.

Biện pháp phòng trị

Để phòng ngừa không nên gieo sạ dày, cân đối lượng phân bón, tránh bón dư đạm. Khi cây lúa được 40 NSKS trở về sau nếu thấy bướm xuất hiện (màu trắng, cánh có hai chấm đen), 6-7 ngày sau tiến hành rải các loại thuốc trừ sâu lưu dẫn dạng hạt như: Basudin 10H, Regent 0.3G, Padan 3H…; nếu không sử dụng thuốc hạt thì phun một trong các loại thuốc như: Padan 95, Basudin 50ND,Prevathon …

Sâu phao:

Đặc tính gây hại

Là đối tượng mới được phát hiện trong vài năm trở lại đây, có đặc điểm giống như sâu phao là dùng lá lúa cuốn lại thành phao và di chuyển trên mặt nước để đến nơi ăn phá.Tuy nhiên đặc điểm phân biệt giữa sâu phao đục bẹ và sâu phao là:

- Sâu phao: sử dụng ngọn lá lúa cuốn quanh mình tạo thành phao di chuyển trên mặt nước, sâu non gặm thành mô diệp lục của lá lúa non, để lại lớp biểu bì màu trắng, khi sâu lớn cắn ngang lá lúa cuốn phao, do đó triệu chứng của sâu phao là phiến lá có xuất hiện những lớp biểu bì trắng giống như bậc thang, lá đứt ngang ngọn phẳng như được cắt bằng kéo.

- Sâu phao đục bẹ: sử dụng hai đoạn của phiến lá lúa ghép lại thành phao, đục xuyên qua bẹ gây hại bên trong thân lúa, vì vậy khó phát hiện triệu chứng, khi phát hiện cũng là lúc cây lúa đã héo, khi nhổ cây lúa bị hại lên quan sát ta nhận thấy phần bẹ lúa bị đục thủng lổ chổ.

Với đặc tính gây hại như trên, nên đối tượng sâu phao đục bẹ được coi là đối tượng gây hại nghiêm trọng trên ruộng lúa.

Biện pháp phòng trừ

Do sâu phao đục bẹ di chuyển bằng phao, nên sẽ di chuyển theo độ dốc của ruộng lúa ngập nước từ nơi cao đến nơi thấp, vì vậy mức độ thiệt hại sẽ tập trung cao ở đất trũng.

Khi phát hiện có sự hiện diện của sâu phao đục bẹ, cần tháo cạn nước và xử lí thuốc hoá học ở nơi trũng của ruộng lúa bằng các loại thuốc trừ sâu có tính lưu dẫn như Padan 95, Vitako3g, Kinalux 25EC…

Rầy Nâu:

Đặc tính gây hại

Ấu trùng và thành trùng sinh sống và hút nhựa cây nơi gốc lúa, mật số cao có thể làm cho cây lúa mất dinh dưỡng và héo cây ( gọi là hiện tượng cháy rầy), ngoài ra Rầy Nâu còn là tác nhân lan truyền bệnh siêu vi khuẩn như lúa cỏ, lùn xoắn lá và vàng lùn rất nguy hiểm ( chưa có thuốc trị). Các thế hệ Rầy có thể liên tục gây hại kéo dài từ giai đoạn mạ cho đến lúc lúa chín.

Những nguyên nhân làm mật số Rầy bùng phát:

- Sử dụng các loại nông dược phổ rộng ở giai đoạn đầu 10-25 ngy sau khi gieo làm cho thiên địch bị tiêu diệt gây mất cân bằng sinh thái.

- Sử dụng phân bón dư thừa, nhất là phân đạm.

- Mật độ gieo sạ dày, tạo bóng râm và ẩm độ quanh gốc lúa cao.

Biện pháp phòng trừ:

Biện pháp canh tác:

- Kéo hàng hoặc sạ thưa với số lượng giống 120 – 130kg/ha.

- Không bón thừa đạm, tốt nhất là bón theo bảng so màu lá lúa.

Biện pháp hoá học:

Phun thuốc hoá học (Chess15g, Ram15g,Gepa15g, Osin 6.5g) khi rầy ở giai đoạn ấu trùng trưởng thành ( màu nâu, chưa có cánh), khi mật số nhiều hơn 1 con/chồi.

Chỉ phun thuốc khi lượng Rầy đạt mật số như trên ( đối với rầy không mang mầm bệnh) và phun ngừa khi xung quanh xuất hiện bệnh siêu vi khuẩn do Rầy Nâu lan truyền.

Nhện gié:

- Triệu chứng: Nhện sống trong bẹ lá lúa, chích hút nhựa. Khi mật độ cao, tạo ra những sọc dài màu tím hoặc nâu chạy dọc theo bẹ lúa (bệnh cạo gió), mật độ cao làm cho bông lúa bị lem lép nặng, lúa không vào chắc được (bông bị đơ), gây hại nặng trên lúa thơm đặc sản.

- Điều kiện phát triển và bộc phát, khí hậu khô hạn, nắng nóng kéo dài.

- Phòng trừ: Đối với lúa thơm đặc sản ở vụ Hè Thu nên phun thuốc trước khi phát hiện thấy triệu chứng cạo gió, vào 02 giai đoạn cây lúa được 35 – 40 NSKS và lúa trước khi trổ 50 – 55 NSKS bằng một trong các loại thuốc Kinalux 25EC, Nissorun 5EC,…phun từ 3 – 4 bình16 lít/1000 m2.

Theo khuyennongvn.gov.vn

 


 



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com