Lúa gieo sạ có ưu điểm là mật độ lúa được đảm bảo, hạn chế cỏ dại và giữ ẩm tốt. Tuy nhiên, để diện tích lúa gieo sạ đạt năng suất cao, bà con cần chú ý một số biện pháp chăm sóc sau:
Đảm bảo lượng nước phù hợp
Lúa gieo sạ cần đặc biệt chú ý về lượng nước khi mới sạ hạt. Nếu bị ngập, mầm sẽ bị thối, không thành cây con được. Vì vậy, cần đảm bảo lượng nước đủ ở dạng giữ ẩm. Bà con cũng không nên để khô quá, cây con sẽ nảy mầm chậm.
Khi cây con lên được khoảng 3 lá, bà con có thể để lượng nước láng chân; giúp cây con dễ phát triển.
Khi cây lúa trưởng thành, chuẩn bị đẻ nhánh; bà con có thể để lượng nước nông xen kẽ với giữ ẩm. Điều này vừa cung cấp đủ nước cho cây lúa, lại vừa tạo điều kiện cho mùn giun phát triển; có lợi cho việc lúa đẻ nhánh.
Khi lúa đã đẻ nhanh kín đất, bà con nên tháo cạn để chân chim. Điều này giúp rễ lúa dễ dàng ăn sâu vào đất, chống đổ lúa sau này.
Giai đoạn tỉa dặm
Bà con có thể tiến hành tỉa khu vực cây con mọc dày quá, tránh cây không có chỗ để đẻ nhánh. Việc để lúa dày quá cũng góp phần làm gia tăng sự phát triển của sâu bệnh.
Bổ sung cây cho những vị trí bị chết cây hoặc cây yếu; tăng tỉ lệ bông cũng là giúp tăng năng suất lúa
Hiện nay, với kỹ thuật gieo sạ bằng máy bay nông nghiệp đã được áp dụng khá rộng rãi. Vì với công nghệ này, mật độ và độ đồng đều của hạt sẽ được đảm bảo hơn rất nhiều.
Cách bón phân hiệu quả
Đối với lúa gieo sạ, bà con nên bón thúc làm 2 lần; sử dụng các loại phân bón lót và thúc tăng cường lượng đạm và kali. Lượng bón phù hợp vào khoảng 12-16kg/sào, tùy vào lượng màu đất.
Bón thúc lần 1: là sau khi lúa ra lá non, nhổ lên có rễ trắng. Ở thời điểm này, lượng phân bón phù hợp rơi vào khoảng 7-8kg/sào.
Bón thúc lần 2: là khi cây lúa đứng cái làm đòng. Lúc này, bà con sẽ bón nốt lượng phân còn lại.
Ngoài ra, bà con cũng nên thường xuyên thăm đồng. Nếu thấy lúa bị hiện tượng đói ăn thì có thể bón bổ sung để tăng cường dưỡng chất cho hạt. Thời điểm này, bà con chỉ nên bón các loại NPK tăng cường kali hoặc phân bón qua lá.
Bà con cũng lưu ý, nên bón phân khi lượng nước đủ ẩm; để giữ được phân tốt hơn; chống sự rửa trôi hoặc bay hơi.
Diệt cỏ và ốc bươu vàng
Dùng bẫy tự nhiên để bẫy ốc như: Xơ mít, đu đủ, dây khoai lang,… đặt ở nơi nhiều ốc vào buổi tối; sáng hôm sau gom lại.
Về vấn đề diệt cỏ, hiện nay đang hướng tới các loại chế phẩm sinh học nhằm đảm bảo an toàn cho cả nông sản và môi trường; hướng tới phát triển hệ sinh thái nông nghiệp.
Kỹ thuật chăm sóc lúa đẻ nhánh
Thời kỳ đẻ nhánh là thời kỳ quan trọng, quyết định số lượng bông và sự phát triển diện tích lá.
Thời gian đẻ nhánh của lúa phụ thuộc vào nhiều yếu tố như: Giống lúa, mùa vụ và biện pháp canh tác.
Đối với vụ chiêm xuân, thời gian đẻ nhánh của lúa có thể kéo dài trên dưới 2 tháng. Với vụ mùa thì khoảng từ 40 đến 45 ngày; và kéo dài khoảng 20 đến 25 ngày ở hè thu.
Trong thời kỳ lúa đẻ nhánh, bà con cần chú ý: bón đúng thời điểm thúc đẩy lúa đẻ nhánh đủ số lá và bông hữu hiệu; bón đủ lượng phân đảm bảo thời gian đẻ nhánh không quá kéo dài, giảm số bông vô hiệu.
Một số loại phân bón hữu cơ sinh học vừa đảm bảo được dinh dưỡng cho cây trồng; lại vừa giúp tăng cường chất màu cho đất; cân bằng độ pH của đất; giảm chi phí cải tạo đất ở vụ sau.
Theo khuyennong.vn