Thời tiết nắng nóng ảnh hưởng lớn đến sức khỏe, năng suất của đàn gia súc; là thời điểm trâu, bò dễ mắc bệnh, hiệu quả chăn nuôi thấp.
a. Chuẩn bị thức ăn, nước uống
- Chuyển đổi cơ cấu cây trồng: Trồng một số giống cỏ chịu hạn như VA06, giống cỏ lai MULATO II, cỏ GHINE MONBASA, cỏ RUZI, SWEET JUMPO... làm thức ăn cho gia súc ăn cỏ. Đối với những nơi có điều kiện cần lắp đặt hệ thống tưới tiết kiệm nước cho cây trồng.
- Chủ động xây dựng kế hoạch dự trữ nước và chế biến các loại phụ phẩm sau khi thu hoạch vụ Hè Thu, (đặc biệt là rơm khô) làm thức ăn cho gia súc trước và trong mùa khô hạn.
- Những ngày khô hạn, thực hiện chế độ chuyển loại thức ăn và giờ cho ăn: Thức ăn tinh, thức ăn hỗn hợp thường; chuyển sang cho ăn vào lúc sáng sớm hoặc chiều mát, tăng cường khẩu phần ăn xanh như cỏ tươi, củ, quả và các loại vitamin...; tăng cường khẩu phần đạm, giảm bột, mỡ, đường trong khẩu phần đối với từng loại gia súc.
- Đảm bảo thường xuyên có đủ nước cho trâu, bò uống, không làm ẩm ướt nền chuồng và khống chế lượng nước uống cho đàn gia súc vừa đủ tránh lãng phí.
- Sau những đợt khô hạn kéo dài trâu, bò thường mệt mỏi, bà con giã rau má, lá diếp cá cho vật nuôi uống sẽ giải nhiệt nhanh. Lượng thức ăn xanh không còn, ta có thể sử dụng cây chuối hột, xay cây đậu phụng khô làm thức ăn cho trâu bò.
b. Quản lý nuôi dưỡng
- Những ngày trời nắng nóng, buổi sáng chăn thả sớm, dắt về sớm; buổi chiều chăn thả muộn, về muộn, đặc biệt chú ý chăm sóc gia súc non. Nếu có điều kiện nên di chuyển đàn đến nơi có nguồn nước. Luôn bổ sung thức ăn, nước uống tại chuồng.
- Nuôi dưỡng trâu bò bị say nắng :
+ Khi đang vận chuyển hoặc do nuôi nhốt số lượng lớn, cần cho ngay trâu, bò nghỉ ngơi ở khu vực có nhiều bóng cây mát, tách riêng từng con ra ở vị trí riêng nhằm giảm lượng khí độc do chính từ các con vật thải ra khi nhốt chung. Trường hợp con vật đang làm việc như cày, kéo thì cho con vật nghỉ ngơi ngay, chọn nơi mát, yên tĩnh.
+ Dùng quạt mát, quạt thoảng từ phía trước cho con vật, tốc độ vừa phải để giúp con vật hạ nhiệt từ từ, tránh làm con vật sốc, choáng.
+ Dùng khăn mát lau cho con vật, trước hết lau ở phần đầu, vùng mặt, sau đó xuống toàn thân, khoảng 1 - 2 giờ sau có thể tắm cho trâu,bò. Lưu ý không dùng nước lạnh dội ngay vào vùng đầu, mặt của con vật hoặc khi con vật chưa có thời gian cân bằng trạng thái cơ thể thì không nên dùng nước lạnh dội, tắm cho con vật.
+ Đối với trâu, bò bị cảm nóng trong chuồng nuôi, cần tăng thông thoáng chuồng nuôi, dãn mật độ.
+ Với trâu, bò bị bệnh nặng, cần dùng thuốc phục hồi thần kinh, tim mạch và hô hấp; có thể truyền tĩnh mạch dung dịch Glucoza, nước muối sinh lý, các thuốc trợ sức, trợ lực…
* Chú ý, sau khi bị cảm nắng, cảm nóng, sức khỏe của trâu, bò bị giảm, do đó cần chăm sóc nuôi dưỡng tốt, bổ sung vitamin và thuốc trợ sức, trợ lực để trâu, bò nhanh bình phục và tránh các bệnh kế phát.
c. Về chuồng trại
- Nên làm chuồng gia súc theo hướng Đông Nam, xa nhà ở nhưng vẫn đảm bảo theo dõi được tình trạng của gia súc.
- Mái chuồng nên làm đơn giản, có thể bằng mái ngói, tranh, tre, lá để chống được nóng trực tiếp. Nếu có điều kiện nên làm nóc hở và có hai mái phụ che phần hở để tăng cường độ thoáng của chuồng. Có thể trồng thêm một số loại cây leo phủ mát như dây hoa giấy, giàn mướp ...làm mát hoặc trồng các loại cây xanh xung quanh khu vực chuồng nuôi để tạo bóng mát.
d. Vệ sinh phòng bệnh
- Tăng cường vệ sinh tiêu độc chuồng trại và các dụng cụ chăn nuôi.
- Tiêm đầy đủ các loại vắc xin cho đàn gia súc để tăng cường khả năng miễn dịch.
- Định kỳ tẩy giun sán cho vật nuôi, phun thuốc sát trùng để diệt ve, mòng, ruồi, muỗi, bọ mạt... là những tác nhân truyền và gây bệnh.
- Phát hiện sớm các loại trâu, bò bị bệnh để cách ly, điều trị xử lý kịp thời tránh lây lan ra diện rộng.
Theo khuyennong.vn