1. Cải tạo ao:
* Đối với ao nuôi mới: Cấp và tháo nước vào ao từ 2- 3 lần để rửa ao, bón vôi giúp ổn định pH đất, lượng bón từ 7 – 10kg/100m2, thay nước ra nước vào 1- 2 lần nữa sau đó lấy nước vào ao tiến hành đo độ pH nếu ổn định ở mức trên 6,5 thì tiến hành gây màu nước bằng phân chuồng, lượng phân bón với ao mới đào cần bón từ 25 – 30kg/100m2, ngoài ra cũng có thể sử dụng phân vô cơ để gây mầu.
* Đối với ao nuôi cũ: Gồm các bước như sau:
– Bước 1: Xử lý ao: Tát cạn nước ao, tu sửa bờ cống cấp thoát nước, vét bùn đáy chỉ để lại mức 20cm bùn đáy, san phẳng đáy giúp sinh vật đáy phát triển tốt và tiện thu hoạch.
Ảnh minh họa/Internet. |
– Bước 2: Bón vôi: Dùng vôi bột (vôi tỏa) rắc đều đáy và quanh bờ ao nhằm làm môi trường đáy tơi xốp, diệt ký sinh trùng gây bệnh, giúp động vật đáy phát triển tạo cơ sở thức ăn cho cá, giúp pH, môi trường nước luôn ổn định. Lượng vôi bón tuỳ thuộc vào pH đất với ao đất thịt không chua pH ≥ 6,5 bón 7 – 10kg/ 100 m2, ao đất sét, chua bón 10-15kg/ 100m2 nếu ao bị ô nhiễm có thể bón đến 20kg/100m2 sau đó tháo nước vào tháo rửa 1- 2lần.
– Bước 3: Phơi ao: Thời gian phơi ao phụ thuộc vào thời tiết để đảm bảo ao có phơi khô. Thời gian phơi đáy tối thiểu 7 ngày. Tiêu chuẩn ao sau khi phơi: đáy ao khô, nứt chân chim (Lưu ý: nếu đáy ao bị nhiễm phèn thì chỉ nên phơi khô đáy ao không phơi nứt chân chim vì nếu như phơi nứt chân chim khi lấy nước vào sẽ bị xì phèn đáy ao)
– Bước 4:
+ Cấp nước: Nước cấp vào ao phải được lọc qua túi lọc gắn vào cửa cống hoặc đầu ra của máy bơm, để tránh cá tạp, cá dữ xâm nhập vào ao. Khi lấy nước vào cần kiểm tra các yếu tố môi trường nước. Khi nước đạt từ 1 – 1,5m tiến hành bón phân gây mầu nước.
+ Bón phân gây màu nước:
Gây màu nước bằng chất vô cơ thông thường: Sử dụng phân hóa học như: urê phosphate (N-P-K = 16: 2:0); urê (N2H4CO); N-P-K (46:0:0) hay super phosphate (N-P-K = 16:16:16). Trong đó urê phosphate tốt nhất. Lượng bón 40 – 50 kg/ha (bón trong 20 – 25 ngày), bón 4 – 5 ngày liên tục, như thế tảo sẽ phát triển tốt và tiến hành thả cá giống.
Cách bón phân: nên hòa phân vào nước sau đó rải đều khắp mặt ao mới có tác dụng, trường hợp không hòa tan vào nước sẽ làm cho tảo không phát triển, phân chìm xuống đáy ao và kích thích tảo đáy ao phát triển gây hại cho cá.Sau khi đã gây màu nước trong ao nuôi cá thành công, tảo phát triển tốt, độ trong đạt 30 – 40 cm thì có thể thả giống.
Gây màu nước bằng chất hữu cơ nhưcám gạo, phân xanh, bột đậu nành: Phân hữu cơ như phân xanh, bột đậu nành, cám gạo, bột cá thúc đẩy nhanh sự phát triển của tảo. Liều lượng 25 – 50 kg/ha/ngày, sau 4-5 ngày tảo phát triển nước có màu bã trà thì chúng ta tiến hành thả cá. Không nên dùng phân chuồng, phân gà; vì các loại phân này dễ mang theo vi khuẩn gây bệnh.
Trong quá trình nuôi, bà con nên thường xuyên theo dõi màu nước trong ao để kịp thời xử lý và gây màu nước ổn định tạo điều kiện cho cá nuôi phát triển tốt nhất, từ đó mang lại năng suất cao. Điều tiết lượng thức ăn cho cá sao cho không quá dư thừa tạo điều kiện cho vi khuẩn có hại và tảo độc phát triển mạnh khó gây màu nước.
2. Cách chọn và thả giống:
* Cách chọn cá giống:
– Lựa chọn các cơ sở cung ứng con giống thủy sản có uy tín, đảm bảo truy xuất được nguồn gốc con giống, có giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện sản xuất giống thủy sản;
– Khi chọn giống, quan sát cá giống phải đồng đều, không dị tật, không bị xây sát; Hoạt động nhanh nhẹn, bơi theo đàn, phản ứng nhanh với tiếng động, ánh sáng, màu sắc sáng đẹp; không có các dấu hiệu khác về màu sắc, nghi có mầm bệnh.
– Cỡ cá giống thả có vai trò rất quan trọng, giống càng lớn thì càng đảm bảo tỷ lệ nuôi sống cao, rút ngắn được chu kỳ nuôi; Kích cỡ giống thả tối thiểu theo quy định như: Trắm, Chép, Mè, Trôi, Rô phi, Vược: kích cỡ chiều dài từ 6cm – 12cm.
* Thời gian và cách thả cá giống:
– Thời gian thả cá giống tốt nhất vào buổi sáng hoặc chiều mát. Tránh thả cá vào lúc trời đang mưa to hay nắng gắt có thể làm cá bị sốc nhiệt, yếu dẫn đến cá chết.
– Cách thả giống:
+ Trước khi thả cá nên tắm cho cá bằng nước muối 2% (20 gam muối + 1 lít nước) trong thời gian 5-10 phút để loại trừ ký sinh trùng và chống nhiễm trùng các vết xây xát.
+ Đối với cá giống được đóng trong túi nilon thì trước khi thả nên ngâm túi đựng cá vào trong nước ao khoảng 10 -15 phút, để nhiệt độ trong túi nilon cân bằng với nhiệt độ môi trường nước ao nuôi, tạo điều kiện cho cá làm quen với môi trường sống mới. Khi thả mở miệng túi cho nước chảy từ từ vào để cá bơi tự nhiên ra.
+ Đối với cá giống được vận chuyển hở bằng ô tô quây bạt, trước khi thả giống cần cân bằng môi trường giữa nước ao với môi trường nước trên xe bằng cách vừa xả bớt nước trên thùng ra, đồng thời cấp thêm nước ở ao nuôi vào để cá không bị sốc môi trường, sau đó mới tiến hành thả cá từ từ.
+ Mật độ thả: Mật độ nuôi phụ thuộc vào cỡ cá dự kiến thu hoạch, khả năng đầu tư và điều kiện ao nuôi. Đối với những ao nuôi quảng canh cải tiến thì mật độ thả 0,7 – 1con/m2, thả bán thâm canh và thâm canh mật độ 2 – 3 con/m2.
Theo khuyennongvn.org.vn