Rầy nâu và rầy lưng trắng (gọi tắt là rầy) là một trong những đối tượng dịch hại nguy hiểm trên cây lúa, cả trưởng thành và rầy non đều tập trung ở phần gốc lúa để hút nhựa cây làm cho lá vàng, khô héo, bông lép, năng suất giảm, mật độ cao gây ra hiện tượng “cháy rầy”. Vết trích hút của rầy tạo điều kiện cho nấm xâm nhập và gây bệnh, đặc biệt rầy lưng trắng là môi giới truyền virus gây bệnh lùn sọc đen. Rầy sinh sản nhanh trong điều kiện thời tiết ấm nóng, có mưa nắng xen kẽ.
Ảnh minh họa/Internet. |
Để phun trừ rầy đạt hiệu quả cao, bảo vệ lúa xuân bà con cần chú ý:
Thường xuyên tự kiểm tra mật độ rầy trên ruộng, đặc biệt chú ý ruộng cấy các giống nhiễm, cấy dầy, bón nhiều đạm và những diện tích thường bị nhiễm rầy hàng năm. Thời điểm phun thuốc ở ruộng lúa của mỗi gia đình dựa vào mật độ rầy khi kiểm tra. Cách kiểm tra như sau: mỗi ruộng cần kiểm tra 4-5 khóm ngẫu nhiên ở giữa ruộng, vạch và vỗ nhẹ vào gốc lúa (nếu ruộng có nước) hoặc quan sát ước chừng có trên 20 con/khóm thì tiến hành phun trừ.
Đối với lúa giai đoạn trước trỗ bông, sử dụng thuốc nội hấp như: Sachray 200WP, Patox 95SP, Gà nòi 95SP, Sutin 5EC, Oshin 20WP…
Đối với diện tích lúa ở giai đoạn trỗ trở đi, phun trừ rầy bằng thuốc tiếp xúc như: Actara 25WG, Bassa 50EC, Tre bon 10EC...khi phun thuốc phải rẽ lúa thành từng băng rộng 0,8-1,0m , chĩa vòi phun vào phần gốc lúa để thuốc tiếp xúc trực tiếp với rầy.
Đối với những ruộng có mật độ rầy cao trên 50 con/khóm phải phun kép 2 lần, cách nhau 5 đến 7 ngày; dùng luân phiên các loại thuốc để tránh rầy kháng thuốc.
Khi phun cần giữ nước trong ruộng ở mức 3 - 4cm để tiêu diệt được nhiều rầy. Không nên phun trừ rầy khi lúa đang trỗ bông - phơi màu rộ, vì giai đoạn này lúa rất mẫn cảm với thuốc, trừ trường hợp “cháy rầy” khi phun cần phải tạo băng và chỉ phun vào gốc lúa, không phun lên bông lúa.
Phun theo chỉ dẫn trên nhãn thuốc và tuân thủ ”kỹ thuật 4 đúng”.
Cần kiểm tra, đánh giá hiệu quả sau phòng trừ rầy và tiếp tục theo dõi, tránh hiện tượng rầy bùng phát trở lại (tái nhiễm).
Theo khuyennong.vn