Ham tìm tòi lại cần cù, chịu khó, anh Nguyễn Tú Tài (sinh năm 1983) hiện đang trú tại thôn Hướng Nghĩa, xã Minh Thuận (Vụ Bản) đã biến cánh đồng từng bị bỏ hoang do chất đất cằn, bị nhiễm chua trở thành vườn ổi sum suê. Không phụ công người, cây trồng chủ lực này đã giúp gia đình anh có của ăn, của để.
Mô hình trồng ổi Đài Loan theo hướng hữu cơ của anh Nguyễn Tú Tài, xã Minh Thuận (Vụ Bản) cho thu nhập bình quân 300-400 triệu đồng/năm. |
Sinh ra trong gia đình có truyền thống chuyên canh rau màu, cây ăn quả, cây cảnh nên anh Tài quyết tâm vận dụng kinh nghiệm, kỹ thuật canh tác cây trồng của mình để làm giàu. Năm 2016, anh đã đấu thầu diện tích 3ha chân ruộng cao, khó canh tác tại thôn Hướng Nghĩa để làm trang trại trồng cây ăn quả, trong đó chủ lực là cây ổi Đài Loan. Đây vốn là cánh đồng đất pha cát, chân ruộng cao nên khó giữ nước, bị bỏ hoang nhiều năm. Ban đầu anh trồng trên 4.000 gốc ổi Đài Loan. Sau một thời gian chăm sóc, cây phát triển chậm và chết dần dần, rồi chết toàn bộ. Bỏ công tìm hiểu, anh phát hiện ra nguyên nhân cây chết là do đất pha cát bị nhiễm chua mặn, khô cằn khiến cây không hấp thụ được chất dinh dưỡng. Với vốn kiến thức về trồng trọt sẵn có cộng với tìm hiểu trên sách, báo và mạng internet, anh Tài đã tìm cách cải tạo lại đất trồng bằng cách rải vôi bột khắp vườn, sau đó dùng máy cày sâu khoảng 40cm và xới đất lên. Sau 10 ngày, để đất hả hơi, anh tiếp tục rải một lớp vôi bột mỏng, phun chế phẩm sinh học Trichoderma và bón phân hữu cơ để cải tạo chất đất. Hoàn thành công tác cải tạo đất, anh trồng lại 1.000 gốc ổi. Trong quá trình chăm sóc, anh Tài ghi nhật ký chăm sóc chi tiết từng ngày từ khi trồng cho đến khi được thu hoạch để dần hoàn thiện quy trình sản xuất. Nhờ chịu khó tìm tòi và tỉ mỉ chăm sóc, cây đã không phụ lòng người. Sau 8 tháng, cây ổi bắt đầu cho thu hoạch. Đến nay sau suốt 4 năm trồng, đều đặn 1.000 gốc ổi mỗi tháng cho thu hoạch bình quân 3 tấn quả. “Trồng ổi Đài Loan chi phí đầu tư không nhiều nên lãi chiếm khoảng 70% doanh thu. Giá ổi trên thị trường tùy thời điểm dao động 10-20 nghìn đồng/kg. Mỗi năm tôi bán khoảng 40 tấn ổi, thu nhập thực tế sau khi trừ các loại chi phí đạt 300-400 triệu đồng”. Rất vất vả mới thành công nhưng anh Tài không ngại chia sẻ “bí quyết” trồng ổi của mình. Để tạo ra những quả ổi ngon, khi cây ra hoa và bắt đầu đậu quả anh tỉa bớt những quả nhánh, quả mọc ngược (dễ bị cháy nắng), quả quá cao (tiếp xúc nhiều với ánh nắng mặt trời) và những quả sát đất (mưa dễ úng, ít được quang hợp, mã quả xấu); chỉ giữ lại những quả ở độ cao cách mặt đất từ 50cm đến 2m để tránh cho cây nhiều quả làm gẫy cành hoặc không đủ dinh dưỡng cho quả phát triển bình thường. Tùy thời điểm, anh Tài “điều khiển” vị trí quả khác nhau. Vào mùa hè, anh để quả trong lòng bóng cây để tránh ánh nắng làm cháy quả. Vào mùa thu và mùa đông anh lại để quả bên ngoài bóng râm để quả quang hợp được nhiều ánh sáng hơn, quả ngon hơn. Khi quả ổi đạt 20-30 ngày tuổi, anh dùng xốp bọc quả để tránh tia cực tím trong ánh sáng mặt trời chiếu trực tiếp vào quả. Khi phun thuốc phòng trừ sâu bệnh, lớp xốp bọc cũng ngăn không cho thuốc ngấm trực tiếp vào quả, đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm. Do đặc thù cây ổi ra hoa quanh năm nên anh Tài dễ dàng lựa chọn thời điểm để thu hoạch những quả gối lứa. Chia sẻ về kinh nghiệm gối lứa ổi, anh cho biết người trồng cần phải cắt tỉa những cành nhánh tạo độ thông thoáng cho cây mọc mầm và ra hoa ở bên trong tán cây vào mùa hè; xén đầu ngọn hoặc cắt tỉa bên ngoài sẽ “bắt” cây ra hoa, đậu quả ở bên ngoài vào mùa thu, đông. Đồng thời tùy tình hình thực tế, người trồng cần phải điều chỉnh độ cao của cành la, cành bổng để tạo tán tròn, rộng, phủ đều xung quanh thì cây sẽ đậu quả nhiều hơn và kích thước quả sẽ đều hơn.
Hiện nay, trang trại trồng ổi của anh Nguyễn Tú Tài không sử dụng thuốc bảo vệ thực vật hóa học mà hướng theo sản phẩm nông nghiệp hữu cơ để bảo vệ sức khỏe người sản xuất và đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm cho người tiêu dùng. Anh cho biết, người trồng ổi cần phải lưu ý các bệnh nấm rễ, thối rễ chủ yếu ở các cây to trên 3 năm tuổi. Cách phòng ngừa tương đối đơn giản, chỉ cần sử dụng các loại chế phẩm hữu cơ kích rễ và sử dụng vôi bột rắc xung quanh gốc. Với các loại sâu thường gặp ở ổi như ốc sên, sâu ăn lá, sâu đục thân… anh sử dụng nước vôi trong hòa với hỗn hợp tỏi, ớt, rượu được ngâm ủ kỹ để phun trực tiếp lên cây để phòng trừ. Khi ổi chín thường bị ruồi vàng đục quả gây hại, dễ gây thất thu lớn. Giống ổi cho thu quả liên tục nhiều lứa nên càng không thể sử dụng các loại thuốc trừ sâu có nguồn gốc hóa học. Anh Tài dùng vỏ chai nhựa có đục lỗ treo trên cây để đuổi ruồi hoặc dùng loại bẫy Pheromone của Viện Bảo vệ thực vật (Bộ NN và PTNT) để dụ ruồi vàng vào và diệt. “Cây ổi hấp thụ dinh dưỡng rất cao nên tôi phải bón phân nhiều” - anh Tài cho biết thêm. Phân hữu cơ do anh tự chế bằng hỗn hợp đậu tương, cá, trứng vịt với chế phẩm Trichoderma trong vòng 6 tháng rồi đem tưới kết hợp cho cây. Ngoài ra, anh còn dùng vỏ trứng gà, vịt rải quanh gốc cây ổi để bổ sung can-xi, giúp cây có thêm chất dinh dưỡng để nuôi quả, cho quả đẹp mã, chất lượng quả ngọt, giòn, thơm hơn. Anh Tài “bật mí” thêm: Để quả ổi tụ hội đầy đủ hương vị, đạt chuẩn chất lượng thì nên thu hoạch quả chín trong khoảng thời gian từ 5-6 giờ sáng, thời gian còn lại trong ngày nên hạn chế thu hoạch. “Tiếng lành đồn xa”, ổi của anh Tài được chăm chút cẩn thận nên quả sáng đẹp tự nhiên, chất lượng ngon không mất công tiếp thị. Các thương lái quen chỉ chờ anh báo lịch thu hoạch là về thu mua rồi đưa đi tiêu thụ ở một số thị trường khó tính như Hà Nội, Hải Phòng, Quảng Ninh. Hiện trang trại ổi của anh Tài tạo công ăn việc làm ổn định cho 5 lao động địa phương với mức lương 5 triệu đồng/người/tháng. Ngoài việc tập trung phát triển trang trại, anh Tài cũng tích cực giao lưu với các nhà vườn; hướng dẫn kỹ thuật, tặng cây giống cho những người có nhu cầu. Không những thế, anh còn đầu tư kinh phí cải tạo hệ thống kênh mương, xây sửa cống nước ngoài ruộng lúa để bà con trong thôn cùng hưởng lợi.
Để sản phẩm ổi sạch của mình có thể tham gia các chuỗi tiêu thụ hiện đại tăng giá trị kinh tế, anh Tài đang tích cực chuẩn bị thủ tục đăng ký cấp giấy chứng nhận an toàn vệ sinh thực phẩm, tạo niềm tin cho người tiêu dùng. Anh tiếp tục lên kế hoạch đấu thầu thêm đất để mở rộng diện tích sản xuất ổi lên 5ha và trồng 5.000 gốc ổi. Đại diện UBND xã Minh Thuận đánh giá: Trang trại trồng ổi của anh Nguyễn Tú Tài vốn là cánh đồng chân ruộng cao, đất khô cằn rất khó canh tác, đã có một thời gian bị bỏ hoang vì trồng cấy không hiệu quả; có một số người đấu thầu để sản xuất nhưng cũng “đầu hàng”… Anh Tài đã tìm ra được “nút thắt” và tháo gỡ thành công. Đây là mô hình chuyển đổi sản xuất cho hiệu quả kinh tế cao, có tiềm năng nhân rộng nhằm thực hiện chủ trương chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi nâng cao hiệu quả khai thác sử dụng đất, từng bước tăng thu nhập và cải thiện đời sống của người dân trong xã./.
Bài và ảnh: Ngọc Ánh