Cùng với việc tập trung hoàn thành các tiêu chí xây dựng nông thôn mới (NTM) nâng cao và NTM kiểu mẫu, huyện Hải Hậu đã có nhiều sáng tạo trong chỉ đạo người dân cải tạo vườn tạp, xây dựng nhà vườn kiểu mẫu, đưa các loại cây phù hợp, có giá trị kinh tế cao vào trồng vừa tạo thêm thu nhập, vừa cải thiện môi trường sống, chỉnh trang diện mạo nông thôn.
Cán bộ xóm 6, xã Hải Xuân (Hải Hậu) vận động người dân cải tạo vườn tạp tạo thêm thu nhập, làm đẹp cảnh quan. |
Từ xưa, mỗi hộ dân đều dành một diện tích lớn đất làm vườn xung quanh ngôi nhà của mình trồng đủ loại cây, từ cây ăn quả đến vài loại hoa thông thường hầu như không mang lại hiệu quả kinh tế mà chủ yếu cải thiện môi trường sống. Do vậy các diện tích vườn này được gọi là vườn tạp, hiệu quả kinh tế chưa cao trong khi diện tích đất sử dụng không ít nên khá lãng phí. Đã có nhiều phong trào cải tạo vườn tạp để gia tăng giá trị kinh tế vườn song hiệu quả còn chừng mực, chưa đồng đều do thiếu sự đồng bộ với các yếu tố khác. Thực hiện chương trình xây dựng NTM nâng cao và NTM kiểu mẫu với tiêu chí cơ bản là “sáng - xanh - sạch - đẹp”, huyện Hải Hậu đã phát động phong trào xây dựng NTM kiểu mẫu từ mỗi gia đình, trong đó có tiêu chí cải tạo vườn tạp để trồng cây ăn quả, ao thả cá theo quy hoạch đã được địa phương phê duyệt để tạo không gian sạch đẹp, nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm trong vườn để nâng cao thu nhập cho nông dân, từng bước hình thành các mô hình kinh tế vườn mẫu ở mỗi làng quê. Trên cơ sở đó, UBND huyện chỉ đạo Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, UBND các xã, thị trấn, các tổ chức hội, đoàn thể khuyến khích người dân trồng các loại cây đặc sản truyền thống của địa phương căn cứ theo đặc điểm thổ nhưỡng, khí hậu, trình độ thâm canh của người dân để định hướng cải tạo vườn, đưa các loại cây giống phù hợp vào canh tác. Tranh thủ sự hỗ trợ của các tổ chức, doanh nghiệp về nguồn vốn, giống và kỹ thuật canh tác để tạo điều kiện cho người dân tiếp cận nguồn vốn tín dụng để đầu tư sản xuất, nhận chuyển giao tiến bộ kỹ thuật, phổ biến các phương thức, mô hình cải tạo vườn tạp sang vườn mẫu, cho hiệu quả kinh tế cao. Phòng NN và PTNT đã phối hợp với Viện Cây lương thực và Cây thực phẩm (Bộ NN và PTNT) tổ chức các lớp tập huấn, trang bị kiến thức cho nhân dân một số xã trong huyện về kỹ năng cải tạo vườn tạp chuyển đổi cơ cấu cây trồng; hỗ trợ một phần tiền giống cây trồng có giá trị kinh tế cao như: đại táo, hồng xiêm, xoài, nhãn, vải, bưởi Diễn, ổi, mít, na… Một số cây trồng “đặc sản” của địa phương như cau, cam đường, mía voi, củ hoàng thanh được khôi phục và mở rộng diện tích. Cơ cấu cây trồng sau cải tạo vườn tạp cũng được đa dạng hóa và phân khu vực theo điều kiện từng vùng. Ví như cây đinh lăng trồng ở các xã Hải Quang, Hải Thanh, Hải An; cây thanh long trồng ở các xã Hải Đường, Hải Châu, Hải Lộc, Hải Minh; cau, cam đường trồng ở xã Hải Đường; hoa, cây cảnh (đào, quất, hoa cúc, loa kèn) ở các xã Hải Xuân, Hải Lý, thị trấn Thịnh Long… Trên địa bàn huyện đã xuất hiện nhiều mô hình cải tạo vườn tạp thành công, mang lại hiệu quả kinh tế cao. Tại xã Hải Bắc đã hình thành khoảng 1.000 mô hình khu vườn kiểu mẫu với nhiều cách làm đa dạng như vườn cây ăn quả tổng hợp kết hợp nuôi thủy sản, vườn cây cảnh, vườn lan… Những mô hình này không chỉ cải thiện cảnh quan mà còn giúp các hộ dân có thêm nguồn thu nhập ổn định. Gia đình bà Phạm Thị Lý, xóm 4, xã Hải Bắc người đi đầu trong phong trào cải tạo vườn tạp cho biết: Gia đình tôi có 1ha vườn, trước đây trồng một số loại cây ăn quả truyền thống phổ biến như nhãn, chuối nhưng hiệu quả kinh tế không cao. Khi có chủ trương cải tạo vườn tạp cũng là lúc tôi về hưu nên có thời gian tập trung làm vườn. Vì vậy tôi mua thêm đất mở rộng vườn, đầu tư đào ao kết hợp làm vườn. Hiện tại khu vườn của gia đình có 700m2 ao nuôi các loại cá trắm, chép, trôi; diện tích còn lại bà Lý phân khu trồng các loại cây ăn quả có giá trị kinh tế cao như: bưởi Diễn, bưởi da xanh và cam đường canh, na, mít, xoài Thái Lan... Sau hơn 3 năm cải tạo, khu vườn đã cho thu hàng trăm triệu đồng mỗi năm. Ngoài thu nhập từ hoa trái, nhà vườn còn là địa chỉ tin cậy cung ứng cây giống chất lượng cao cho người dân trong và ngoài xã. Mô hình cải tạo vườn tạp, nhân rộng khu vườn kiểu mẫu ở Hải Bắc đang được nhiều địa phương trong và ngoài tỉnh đến tham quan và học tập. Tại xã Hải An, Hội Nông dân xã đã hỗ trợ vận động hội viên nông dân chuyển đổi cơ cấu cây trồng, cải tạo vườn tạp và những thửa ruộng không thuận lợi cho sản xuất lúa sang trồng cây đinh lăng làm nguyên liệu cho các doanh nghiệp sản xuất dược phẩm. Đến nay, cả xã có 30ha trồng đinh lăng thì hầu hết đều trồng trên diện tích vườn tạp cải tạo. Sản phẩm đinh lăng của xã được Hợp tác xã Dịch vụ nông nghiệp Toàn Thắng ký hợp đồng liên kết sản xuất - tiêu thụ với Công ty Cổ phần Traphaco cho hiệu quả kinh tế cao và ổn định. Bác Trần Văn Tấn ở xóm 12 cho biết: Nhà tôi có hơn 3 sào vườn, nhận thấy cây đinh lăng lá nhỏ là giống cây dễ trồng, không phải mất nhiều công chăm sóc, bảo vệ nên đã chuyển đổi được hơn 1,5 sào sang trồng cây đinh lăng. Từ năm 2017 đến nay, vườn đinh lăng của gia đình đã cho thu nhập hàng trăm triệu đồng… Ở xã Hải Đường, ngoài 10 hộ làm điểm ban đầu, phong trào cải tạo vườn tạp, làm vườn kiểu mẫu được cả xã làm theo. Đến nay, bộ cây trồng chủ lực của xã là cau, thanh long, cam đường, hồng xiêm Xuân Đỉnh, bưởi Diễn, mít. Trong đó sản lượng thanh long và cau mang lại thu nhập đáng kể cho người dân nơi đây.
Đánh thức tư duy làm vườn để tạo nguồn thu nhập ổn định, chỉnh trang bộ mặt khu dân cư trù phú, sáng - xanh - sạch - đẹp là bước đi sáng tạo của phong trào xây dựng NTM ở Hải Hậu. Để tiếp tục đẩy mạnh phong trào cải tạo vườn tạp gắn với xây dựng NTM, cấp ủy, chính quyền và đoàn thể các cấp cần coi đây là nhiệm vụ trọng tâm, tập trung lãnh đạo, chỉ đạo các giải pháp đồng bộ để phát triển kinh tế nông thôn. Trong đó tập trung đẩy mạnh tuyên truyền, nâng cao nhận thức cho người dân về tầm quan trọng và vai trò của kinh tế vườn; phổ biến các kiến thức làm vườn đến tận hộ dân. Hướng dẫn các hộ dân xây dựng vườn mẫu sản xuất nông nghiệp theo hướng nông nghiệp hữu cơ và hình thành thói quen của người dân trong việc sản xuất hàng hóa có giá trị kinh tế cao, đảm bảo về môi trường, an toàn vệ sinh thực phẩm./.
Bài và ảnh: Nguyễn Hương