Một số biện pháp chăm sóc và chống nóng cho con nuôi thủy sản

06:07, 01/07/2020

* Đối với các trại sản xuất giống thủy sản

– Với ao nuôi cá bố mẹ cần bổ sung nước thường xuyên, để mức nước luôn luôn bảo đảm từ 2 – 2,5m.  Nên làm mái che khung bằng kim loại, rồi phủ lưới đen lên trên để giảm ánh nắng chiếu trực tiếp xuống ao nuôi làm ảnh hưởng đến sức khỏe của đàn cá, tăng cường phòng bệnh vào thời điểm nắng nóng.

– Với ao ương giống cần bổ sung nước thường xuyên, chăm sóc và quản lý tốt, tính toán mật độ nuôi phù hợp. Nên sử dụng các chế phẩm sinh học xử lý môi trường, định lượng thức ăn hằng ngày cho từng đối tượng nuôi, điều chỉnh lượng thức ăn theo diễn biến thời tiết, tránh dư thừa thức ăn gây ô nhiễm ảnh hưởng đến chất lượng cá giống. Những ngày nắng nóng không nên kéo cá vào bể ép, xuất bán hay vận chuyển cá giống.

* Đối với những ruộng, ao nuôi cá thịt:

– Với ruộng nuôi thì bờ ruộng cần phải được nén chặt, tránh rò rỉ gây thất thoát nước. Chủ động nguồn nước cấp để có thể dâng mực nước lên đến mức tối đa khi cần thiết. Mực nước ở mương luôn đạt từ 1,5m nước trở lên để làm nơi trú ẩn cho cá.

– Với ao nuôi: Luôn luôn giữ mực nước ổn định trong ao nuôi từ 1,5 – 2,5m, để giảm bớt hiện tượng cá bị sốc do chênh lệch nhiệt độ trong ngày đêm quá lớn và cũng để giảm bớt nhiệt độ môi trường tạo vùng phân bố mát hơn cho cá.

– Khi nước trong ao nuôi có nhiệt độ là 300C trở lên cần: giảm lượng thức ăn trong ngày từ 30 – 50%, khi nhiệt độ nước trong ao 350C thì ngừng cho ăn; dùng bèo tây che phủ 1/3 diện tích ao để giảm cường độ nắng chiếu xuống ao nuôi, chống nóng cho cá.

– Khi thấy hiện tượng cá nổi đầu từ chập tối hoặc gần trưa nắng là do ao thiếu oxy nghiêm trọng, cần phải tiến hành xử lý ngay như: bơm thêm nước sạch vào ao và phun mưa trên mặt ao, thay nước, dùng máy quạt nước hoặc dùng viên oxy (trong trường hợp cấp cứu, khẩn cấp khi cá nổi đầu đồng loạt) để tăng lượng ô xy trong ao nuôi.

– Khi nước ao có mầu nâu, mầu xanh đậm hoặc có váng tảo mầu xanh nổi trên mặt ao là do một số nguyên nhân như: tảo tàn; chất hữu cơ trong ao nhiều tảo phát triển mạnh; tảo độc phát triển nhiều người nuôi cần thay nước hoặc dùng chế phẩm sinh học như: TA – Gold, TA – Pondpro, Zeofish… để xử lý tảo và làm ổn định môi trường ao nuôi.

– Giữ nền đáy ao sạch, có thể hút loại bỏ bùn đáy hoặc xử lý lớp hữu cơ đáy ao bằng chế phẩm sinh học phân hủy chất hữu cơ đáy ao như: TA – Gold, Zeofish …

– Bổ sung thêm vitamin C vào thức ăn để tăng cường sức đề kháng cho cá, với liều lượng 3 – 5g/kg thức ăn.

– Định kỳ dùng vôi bột để khử trùng nước và ổn định pH (với liều lượng là 1 – 2kg/100m2); dùng chế phẩm vi sinh TA – Gold, TA – Pondpro, Zeofish… và sử dụng khoáng chất thường xuyên tạo môi trường thích hợp cho tảo phát triển.

– Định kỳ tẩy giun sán cho cá 1tháng/1lần. Thuốc tẩy giun sán có chứa thành phần: Dầu trâm bầu, hợp chất chiết xuất từ cây xoan (Azadirachtin), chất hoạt tính cây Combretum quadrangulare Kurz.

 – Phòng bệnh cho cá: định kỳ 1 tháng/ lần cho cá ăn tỏi (trộn với thức ăn) với liều lượng là 50g tỏi /100kg cá, cho cá ăn liên tục 3 – 5 ngày hoặc là thuốc Tiên Đắc với liều lượng là 20g/100kg cá cho ăn 3-5 ngày liên tục, hoặc dùng EM tỏi với liều lượng 1 lít/10kg thức ăn cho cá ăn liên tục 5-7 ngày.

* Đối với nuôi cá lồng bè trên sông

     Thường xuyên vệ sinh lồng sạch sẽ và thông thoáng để lưu thông nước trong và ngoài lồng; kiểm tra, tu sửa lại những nơi xung yếu bảo đảm lồng vững chắc, di chuyển lồng về nơi râm mát. Nếu không di chuyển được cần hạ thấp lưới lồng, đậy nắp lồng lưới để tránh thất thoát. Bảo đảm độ sâu của lồng luôn ở mức 2,5 – 3m, di chuyển lồng nuôi vào các vị trí kín gió. Dùng vôi bột cho vào túi vải treo ở các góc lồng nuôi để phòng bệnh cho cá. Nâng cao sức khỏe đàn cá trong lồng bằng cách bổ sung vitamin C vào thức ăn, cho cá ăn 2 lần/ngày, lúc sáng sớm và chiều mát. Chú ý, những ngày nắng nóng có nhiệt độ nước trên 350C thì giảm khẩu phần ăn hoặc ngừng hẳn.

* Đối với những ao tôm nuôi vùng mặn lợ:

 – Luôn luôn giữ mực nước ổn định trong ao nuôi từ 1,2 – 1,5m, để giảm bớt hiện tượng tôm bị sốc do chênh lệch nhiệt độ trong ngày đêm quá lớn và cũng để giảm bớt nhiệt độ môi trường tạo vùng phân bố mát hơn cho tôm.

– Khi nước trong ao nuôi có nhiệt độ là 300C trở lên cần: giảm lượng thức ăn trong ngày từ 30 – 50%, hoặc không cho ăn vào buổi trưa.

– Tăng cường thời gian sử dụng máy quạt trong ngày để giúp nhiệt độ  nước ít biến động nhất.

– Bổ sung vitamin C và khoáng chất giúp tôm tăng cường sức khỏe và giảm căng thẳng (stress).

Nguồn: khuyennongvn.gov.vn



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com