Chăn nuôi gia cầm an toàn bằng biện pháp sinh học

08:05, 13/05/2020

Trong những năm gần đây chăn nuôi gia cầm đã gặp không ít những khó khăn do tình hình dịch bệnh đặc biệt là dịch cúm gia cầm xảy ra tại nhiều tỉnh thành trong nước ta và có diễn biến phức tạp. Công tác phòng chống dịch ngày càng được chú trọng quan tâm.

Một trong những giải pháp nhằm phòng chống và hạn chế dịch bệnh, bảo vệ đàn gia cầm đồng thời cung cấp sản phẩm thịt sạch bệnh cho người tiêu dùng là chăn nuôi an toàn sinh học.

Biện pháp chăn nuôi an toàn sinh học gồm:

Kiểm soát con giống

Con giống đưa vào nuôi phải đảm bảo chất lượng con giống, có nguồn gốc rõ ràng, đã được cơ quan thú y kiểm dịch và được mua từ những cơ sở sản xuất giống an toàn dịch bệnh.

Khi nhập gia cầm mới vào trại phải nuôi cách ly ít nhất 2 tuần, nếu không có dấu hiệu dịch bệnh mới được nhập đàn. Trước khi nhập đàn tiêm phòng các bệnh truyền nhiễm, ký sinh trùng cần thiết. – Kiểm soát thức ăn, nước uống

Thức ăn nước uống cung cấp cho gia cầm phải đạt các chỉ tiêu về quy chuẩn vệ sinh thú y quy định. Thức ăn cho gia cầm đảm bảo nhu cầu dinh dưỡng, đảm bảo số lượng cung cấp cho gia cầm theo từng loài gia cầm, giai đoạn tuổi nuôi, đặc điểm hướng sản xuất của gia cầm. Nguyên liệu thức ăn phải được bảo quản đúng quy định không bị ẩm mốc, không chứa độc chất gây hại gia cầm. Tránh dùng thức ăn tồn trữ quá lâu. Về nước uống cần cung cấp đầy đủ nước uống sạch cho gia cầm. Nguồn nước uống nên dùng nước máy, nước giếng khoan đã qua xử lý loại thải vi sinh vật gây bệnh với các thuốc sát trùng không gây hại cho cầm (Chloramin B, Virkon,…). Không nên dùng nguồn nước ao tù đọng làm nước uống cho gia cầm.

Kiểm soát chuồng trại

Khi xây dựng chuồng trại cần chú ý cách xa bệnh viện, trường học, chợ, công sở và khu dân cư đông người và trục đường giao thông ít nhất 100m. Chuồng trại có tường rào bao quanh nhằm đảm bảo kiểm soát được người ra vào, ngăn chặn động vật từ ngoài xâm nhập vào khu chăn nuôi. Ở lối ra vào chuồng nuôi có hố khử trùng.

Chuồng trại, khu vực chăn nuôi cần quy hoạch xây dựng phù hợp với chăn nuôi gia cầm. Chuồng trại xây dựng cao ráo, không bị mưa tạt gió lùa, thoáng mát vào mùa hè, ấm áp về mùa đông, chuồng trại phải bảo đảm về ánh sáng, nhiệt độ, ẩm độ, mật độ nuôi phù hợp với từng giai đoạn nuôi dưỡng gia cầm.

Vệ sinh phòng bệnh

Người chăn nuôi cần tiêm phòng vaccine phòng bệnh truyền nhiễm trên gia cầm theo quy định thú y. (trên gà tiêm phòng Marek, Newcatle, Gumboro, cúm gia cầm,… Vịt tiêm dịch tả vịt, cúm gia cầm,…). Bên cạnh đó người nuôi định kỳ vệ sinh quét dọn, toàn bộ chuồng trại, dụng cụ chăn nuôi hàng tuần hàng ngày; định kỳ phun thuốc sát trùng toàn bộ dụng cụ, chuồng nuôi hàng tuần 1 lần/tuần

Cách ly triệt để

Đối với biện pháp cách ly, người chăn nuôi cần nuôi riêng biệt từng loại gia cầm theo từng giai đoạn sản xuất khác nhau, không nuôi nhiều loại trong cùng một dãy, không nuôi các loại động vật khác trong trại nuôi gia cầm, và hạn chế khách tham quan ra vào chuồng trại. Người chăn nuôi phải thay thay đồ bảo hộ lao động, khử trùng, tiêu độc trước khi vào chuồng nuôi. Mỗi chuồng nuôi phải có dụng cụ riêng, không mang dụng cụ từ chuồng này sang chuồng khác.

Trong chăn nuôi thương phẩm nên thực hiệu “cùng nhập cùng xuất”. Sau mỗi lứa xuất gia cầm phải vệ sinh chuồng nuôi, sát trùng chuồng và để trống chuồng 2-3 tuần.

Xử lý chất thải

Toàn bộ chất thải trong chăn nuôi, thức ăn dư, phân chất độn chuồng, nước thải được tập trung để xử lý diệt mầm bệnh bằng hóa chất, hố ủ sinh học. biogas trước khi loại thải ra môi trường ngoài. Xác gia cầm chết cần tiêu hủy hoặc chôn sâu.

Theo nhanong.com.vn

 



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com