Kỹ thuật ủ rơm bằng ure làm thức ăn cho trâu bò

06:03, 04/03/2020

Để giúp người chăn nuôi chủ động nguồn thức ăn, phát triển đàn bò, phương pháp ủ rơm với urê (phương pháp kiềm hóa rơm) sẽ giúp người chăn nuôi khắc phục một phần tình trạng thiếu thức ăn trong vụ Đông Xuân; mặt khác ủ rơm với urê tăng hàm lượng protein thô, tăng tỷ lệ tiêu hóa, giúp bò ăn được nhiều hơn và cho năng suất cao hơn so với cho ăn rơm không xử lý. Phương pháp ủ rơm với urê thực hiện các bước như sau:

Ảnh minh họa/Internet
Ảnh minh họa/Internet

1. Chuẩn bị dụng cụ, nguyên liệu (tính cho 100 kg rơm khô)

Rơm khô: Sau khi thu hoạch lúa tiến hành phơi khô rơm để làm thức ăn cho bò. Rơm khô dùng để ủ với urê phải có mầu vàng tự nhiên, thơm, không bị nát, không bị thối, mốc và không bị lẫn bùn.

Đạm Urê: 2-5 kg.

Muối ăn: 0,5 kg.

Nước sạch: 90-100 lít

Vật liệu chứa rơm (hố ủ): Tận dụng các điều kiện sẵn có của gia đình như các góc tường, bể xây, ô chuồng trống không nuôi gia súc, thậm chí ủ trong bao đựng phân đạm, bao chứa thức ăn, túi nilon loại lớn,... nhưng cần đảm bảo chắc chắn, sạch sẽ và hố ủ không gồ ghề để nén thức ăn được chặt chẽ và dễ dàng.

Vật liệu đệm lót, che phủ (đối với hố ủ): Dùng nilon, lá chuối,... ghép kín lại để đảm bảo thức ăn không nhiễm đất, cát bẩn và hạn chế thất thoát urê.

2. Kỹ thuật ủ

- Bước 1: Cân rơm và tiến hành băm rơm thành từng đoạn từ 10 -15 cm. Chuẩn bị các nguyên liệu (phân đạm Urê, muối ăn, nước sạch) theo trọng lượng rơm khô. Hoà tan phân đạm Urê, muối vào nước, cần khuấy đều để cho phân đạm Urê tan hết.

- Bước 2:

+ Đối với hố ủ: Lần lượt rải rơm ra sân xi-măng hoặc nền sạch, tưới đều bằng ô doa dung dịch urê - muối - nước đã khuấy hoà tan, lấy cào đảo qua, đảo lại và dùng chân (có đi ủng) dậm cho dung dịch thấm đều vào nguyên liệu. Sau đó, cho rơm vào hố ủ theo từng lớp 20 cm, trên mỗi lớp, nén cho chặt. Cứ lần lượt từng lớp như vậy cho tới khi hết lượng rơm cần ủ.

+ Đối với bao tải có lót nilon: Sau khi tưới đều bằng ô doa dung dịch Urê - muối - nước đã khuấy hoà tan vào rơm chặt nhỏ 10-15 cm đảo đều, đợi một lát cho rơm mềm sau đó cho vào bao tải có lót ni lon, nén chặt, sau cùng buộc chặt miệng bao.

- Bước 3: Dùng vật liệu đệm lót phủ kín lại bề mặt hố ủ, dùng gạch, ngói, củi khô,...chèn cho chặt và kín hố ủ để không khí, nước mưa, vi sinh vật,... ở ngoài không lọt vào và khí amoniắc ở trong không bay ra được. Nếu ủ vào các bao tải  thì sau khi trộn đều rơm với dung dịch urê thì nén thật chặt, buộc kín lại. Đặt các bao vào nơi sạch sẽ, tránh đặt trên nền đất, che chắn cẩn thận để tránh mưa nắng và ẩm ướt. 

Chú ý: Nơi ủ phải chọn nơi khô ráo, tránh nước mưa và nước từ nơi khác thấm vào.

3. Cách sử dụng

- Rơm sau khi ủ từ 7 -10 ngày có màu vàng đậm, mềm, có mùi thơm dễ chịu, không có mùi nấm mốc, bắt đầu lấy ra cho gia súc tập ăn dần. Khi lấy rơm ủ cho gia súc ăn chỉ nên lấy ra ở 1 góc (không lật toàn bộ lớp đệm lót che phủ) lấy rơm xong lại lấp lớp đệm lót che phủ lên cho kín hoặc buộc chặt miệng túi (nếu ủ bằng bao tải).

- Yêu cầu về chất lượng: Rơm ủ từ 3-6 tháng đạt chất lượng phải có màu vàng đậm, mềm, có mùi thơm dễ chịu, không có mùi nấm mốc, giúp cho gia súc tiêu hóa tốt.

- Lần đầu, nên tập cho trâu, bò ăn như sau:  Lấy rơm ủ ra phơi trong mát 30 - 45 phút để bay bớt mùi urê trước khi cho ăn. Ban đầu cho ăn ít 1 - 2kg/con/ngày, tập cho gia súc ăn dần bằng cách trộn lẫn với cỏ tươi, sau 2 - 3 ngày sẽ quen rồi tăng dần lượng ăn lên. Mỗi ngày cho ăn tối đa từ 5 - 6 kg rơm ủ/con kết hợp với thức ăn thô xanh.

(Chú ý: Phải cho trâu, bò uống đủ nước khi sử dụng thức ăn rơm ủ urê, không cho trâu, bò ăn urê trực tiếp)

Theo khuyennongvn.org

 


 



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com