Kỹ thuật ngâm ủ hạt giống
* Lượng giống: Lúa lai gieo 1kg/1sào, giống lúa thuần hạt nhỏ từ 1-1,2 kg/1 sào, giống lúa thuần hạt to từ 1,2-1,5 kg/1 sào.
Thời gian ngâm: Lúa thuần ngâm từ 48 – 60 tiếng tùy từng giống, lúa lai ngâm theo hướng dẫn của nhà sản xuất trên vỏ bao. Trong quá trình ngâm nước cứ 6-8 tiếng với các giống lúa lai và 10-12 tiếng với các giống lúa thuần phải thay nước đãi chua một lần. Ngâm đến khi hạt no nước (hạt sưng mép) thì ủ nóng cho hạt nứt nanh.
Kích nhiệt trước khi ủ: Lăn đảo lượng thóc giống đã ngâm no nước vào chậu nước ấm rát tay, sau đó nhấc lên để ráo rồi đem ủ. Có thể ủ trong thùng xốp hoặc đào hố đất để ủ.
Bà con cần kiểm tra, khi lô hạt giống đã nứt nanh đều thì xử lý mộng mạ như sau: Tốt nhất là ngày ngâm nước, đêm ủ ấm liên tiếp như vậy khoảng 2-3 ngày là có mộng mạ khỏe đem gieo.
Ảnh minh họa./Internet. |
Kỹ thuật làm mạ
- Chuẩn bị
* Nền gieo: Có thể gieo trên nền sân, nền vườn, bờ mương máng…nếu gieo trên nền đất cần lót nền bằng bao dứa, hoặc nilon có chọc lỗ, nền gieo phải bằng phẳng, thoát nước, tráng nắng. 1kg thóc gieo 3-4 m2.
* Bùn: Lấy ở ao hồ, mương máng, sông ngòi ... nơi có nước ra vào, không lấy ở nơi ao tù, nước đọng hoặc dưới bóng cây to có lá rụng. Chủ động lấy bùn sớm cho hả hơi và trộn đảo đều với trấu xay, sau đó, vun gọn và phủ nilon giữ ẩm cho bùn. Tốt nhất trộn vào bùn khoảng 0,5kg lân Supe đã đập mịn hoặc 1 kg phân vi sinh Azotobacterin để gieo 3-4 m2 mạ.
- Cách gieo
Đánh bùn nhuyễn và đều, gạt phẳng lớp bùn dầy khoảng 1 -1,5cm, không làm bùn qúa dầy, quá lỏng. Gieo đi gieo lại nhiều lần cho đều, nên gieo vào buổi sáng để tranh thủ tận dụng nhiệt độ ấm vào ban trưa.
- Chăm sóc mạ
Giai đoạn gieo mạ vụ xuân thường nhiệt độ còn thấp nên để có cây mạ khỏe bà con cần lưu ý:
+ Sau gieo cần làm khum vòm che phủ kín bằng nilon trắng để chống rét cho mạ. Khi đó, nhiệt độ trong luống mạ cao hơn nhiệt độ bên ngoài 5-6oC. Do vậy, bà con chỉ che nilon kín khi trời rét. Nếu trời ấm phải mở dần nilon tránh để nhiệt độ trong nilon quá cao cây mạ sẽ yếu, trước tiên mở dần nilon 2 đầu, sau đó, mở 2 bên cạnh cho mạ làm quen với môi trường, hạn chế chết rét sau cấy. Nếu đêm rét ngày ấm thì ngày mở đêm che kín. Trước cấy, 1-2 ngày phải mở hết nilon để mạ được tôi luyện với môi trường tự nhiên.
+ Khi mạ lên mũi chông có thể rắc cát sông hoặc sỉ than đập nhỏ để giữ ấm chân mạ
+ Giữ ẩm thường xuyên cho mạ, tuyệt đối không để mạ khô nứt nẻ.
Khi mạ có 2,5-3 lá thật ( sau gieo 12-15 ngày), nhiệt độ trên 15oC là cấy được, không để mạ lâu mạ dễ bị chết chòm.
Nếu xuất hiện hiện tượng chết chòm cần thay đổi môi trường nền gieo bằng 1 trong các cách:
- Nếu mạ đủ tuổi cấy và nhiệt độ >15oC tiến hành cấy ngay.
- Nếu mạ chưa đủ tuổi cần gửi mạ ra ruộng: Be bờ xung quanh luống mạ, đưa nước sạch vào ngâm qua 1 đêm hôm sau tháo hết đi, làm liên tiếp 2-3 lần sẽ hạn chế chết chòm.
Theo khuyennongvn.org