Bệnh tụ huyết trùng thường xảy ra khi thời tiết nóng ẩm, mưa nắng thất thường hoặc gia súc thay đổi điều kiện sống, điển hình ở trâu, bò chuyển vùng.
Nguyên nhân gây bệnh
Bệnh do vi khuẩn Pasteurella gây nên.
Vi khuẩn tụ huyết trùng dễ bị tiêu diệt bởi sức nóng, ánh nắng mặt trời và chất sát trùng. Vi khuẩn bị diệt ở nhiệt độ 580C trong 20 phút, 800C sau 10 phút; 1000C chết ngay.
Trong tổ chức của động vật bệnh bị thối nát, vi khuẩn sống được 1 - 3 tháng, các chất sát trùng thông thường diệt vi khuẩn nhanh chóng như axit phenic 5%, crezil 3%, nước vôi 1%, formol 2% ....
Vi khuẩn sống khá lâu và sinh sản trong đất ẩm thiếu ánh sáng, có nhiều muối nitrat và chất hữu cơ.
Trong chuồng nuôi súc vật và trên đồng cỏ vi khuẩn sống hàng tháng, có khi hàng năm.
Ảnh minh họa - Internet |
Điều kiện lây lan bệnh
Loài vật mắc bệnh
Trong tự nhiên, trâu bò dễ mắc bệnh nhất. Bệnh từ trâu, bò có thể lây sang ngựa, chó và lợn. Vì vậy, trong ổ dịch tụ huyết trùng trâu, bò cần chú ý phòng bệnh cho các loài động vật này. Bê, nghé đang bú mẹ ít mắc, trâu bò 2 - 3 tuổi mắc bệnh nhiều hơn trâu, bò già. Ở nước ta, trâu thường mắc bệnh nhiều và nặng hơn bò.
Cách nhiễm bệnh
Bệnh tụ huyết trùng thường phát sinh ở các vùng nóng ẩm. Vào mùa mưa, vi khuẩn sẵn có trong đất được nước đưa lên mặt đất, dính vào rơm, cỏ và nước uống. Trâu bò ăn, uống phải vi khuẩn sẽ nhiễm bệnh.
Sau khi vào đường tiêu hoá, vi khuẩn qua niêm mạc bị tổn thương do ký sinh trùng, rơm, cỏ cứng và dị vật, chúng xâm nhập vào máu, đến hệ thống lympho ruột, hạch sau hầu làm hạch này sưng rất to. Từ đó, vi khuẩn xâm nhập vào các hạch lympho khác như hạch trước vai, hạch trước đùi làm cho các hạch này cũng sưng to và bị thuỷ thũng. Vì vậy trâu, bò bị bệnh tụ huyết trùng thường có biểu hiện đặc trưng là sưng hạch hầu.
Trong điều kiện bình thường, ở đa số trâu, bò khoẻ, vi khuẩn tụ huyết trùng thường sống trên niêm mạc đường hô hấp. Có tới 80% số trâu, bò khỏe mang vi khuẩn nhưng chúng không gây bệnh, giữa vi khuẩn và súc vật có sự cân bằng sinh học. Khi gặp các yếu tố ngoại cảnh bất lợi như: thời tiết thay đổi đột ngột, thiếu thức ăn, làm việc nặng nhọc, thay đổi điều kiện sống… làm sức đề kháng của con vật giảm sút, thế cân bằng sinh học bị phá vỡ, vi khuẩn tăng cường độc lực, tăng nhanh số lượng và xâm nhập vào máu để gây bệnh.
Phương thức truyền lây
Bệnh lây lan trực tiếp từ con ốm sang con khỏe thông qua tiếp xúc, chung đụng nguồn thức ăn, nước uống, nhốt cùng chuồng, chăn cùng bãi chăn thả hoặc dùng chung các dụng cụ chăn nuôi.
Bệnh có thể lan xa do việc mổ thịt súc vật ốm, phân tán thịt, da. Chó, mèo, chuột, côn trùng hút máu là các môi giới trung gian truyền bệnh đi xa.
Mùa phát bệnh
Bệnh xảy ra rải rác quanh năm ở các vùng nóng ẩm, nhưng thường tập trung vào mùa mưa (từ tháng 6 - tháng 9).
Theo khuyennongvn.org.vn