Trước khi dồn điền đổi thửa, ruộng của từng hộ diện tích nhỏ lại phân tán nhiều nơi, sản xuất không thuận lợi, vừa ít, vừa khó áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật nên hiệu quả kinh tế không cao. Như gia đình tôi chỉ có hơn 1 sào ruộng, mỗi năm 2 vụ lúa thu về cũng chỉ được hơn 5 triệu đồng nếu được mùa, trừ chi phí giống, phân bón, thuốc trừ sâu… thì gần như không có lãi. Do vậy đời sống nông dân rất vất vả, cả đời gắn bó với đồng ruộng mà nhiều người vẫn phải bỏ ruộng.
Từ khi Công ty Trách nhiệm hữu hạn Cường Tân thuê gom ruộng đất của nông dân quy hoạch thành vùng cánh đồng lớn tập trung, tổ chức liên kết sản xuất lúa giống, ký hợp đồng liên kết sản xuất, tiêu thụ lúa giống cho người dân thì việc trồng lúa đã đổi khác. Tôi được Công ty giao khoán 8 mẫu ruộng sản xuất lúa giống, cán bộ Công ty hỗ trợ về mặt kỹ thuật, hướng dẫn thực hành các quy trình canh tác tiến bộ và công nghệ mới, đẩy mạnh cơ giới hóa trong sản xuất nên năng suất, sản lượng, hiệu quả sản xuất tăng rõ rệt. Bình quân mỗi vụ sản xuất, gia đình tôi xuất bán cho Công ty hơn chục tấn lúa giống, doanh thu đạt khoảng 200 triệu đồng/vụ, sau khi trừ mọi chi phí lãi từ 100-130 triệu đồng/năm. Rõ ràng, chủ trương dồn điền đổi thửa, chỉnh trang kiến thiết đồng ruộng, tổ chức lại sản xuất trong xây dựng nông thôn mới đã mang đến sức sống mới cho cánh đồng lớn, hiện đại hóa sản xuất nông nghiệp, giúp nông dân tăng năng suất lao động, nâng cao thu nhập từ chính ruộng đất của mình. Người dân thực sự được hưởng lợi ích trực tiếp từ chương trình xây dựng nông thôn mới, điều kiện sống của người dân nông thôn không ngừng được nâng lên, an ninh trật tự, an toàn xã hội nông thôn được củng cố, khoảng cách giữa nông thôn với thành thị được thu hẹp./.
Ông Đặng Văn Vịnh
Xóm 12, xã Trực Hùng (Trực Ninh)