Chăm sóc cây đậu tương đông

06:09, 25/09/2019

Phân bón:
Lượng phân bón

Lượng phân bón cho 1 ha đậu tương trồng thuần:

- Phân bón hữu cơ: 8-10 tấn phân chuồng hoai mục, nên ủ phân bằng nấm Trichoderma, vừa phân hủy tốt xác bã hữu cơ, vừa cung cấp một số chủng nấm đối kháng diệt một số nấm có hại trong đất trồng đậu tương. Trong trường hợp không có phân chuồng thì dùng 1,5 - 2 tấn phân hữu cơ vi sinh.

- Vôi bột: 400 - 500 kg.

- Dinh dưỡng nguyên chất: 10 - 20 kg N, 30 - 60 kg P2O5, 40 - 70 kg K2O tùy theo giống.

Ảnh minh họa - Internet.
Ảnh minh họa - Internet.

Cách bón

Toàn bộ phân hữu cơ kết hợp với phân lân trộn đều rồi ủ kỹ trước khi bón để tăng hiệu quả sử dụng phân. Vôi bột rắc đều lên mặt luống khi làm đất.

- Bón lót toàn bộ phân chuồng hoai mục (hoặc hữu cơ vi sinh) + toàn bộ phân lân + 1/3 lượng đạm + 1/3 lượng kali trước lúc bừa lần cuối cùng hoặc bón vào hốc, vào hàng đã rạch. Trước khi gieo hạt cần phủ lớp đất mỏng lên phân đã bón lót, tránh để hạt tiếp xúc với phân bón.

- Bón thúc lần 1: 1/3 lượng đạm + 1/3 lượng kali khi cây có 2 - 3 lá thật.

- Bón thúc lần 2: Số phân còn lại khi cây có 5- 6 lá thật, kết hợp làm cỏ và vun xới

Lưu ý: Những vùng đất chua nên bón phân lân nung chảy.

Chăm sóc

Tỉa, dặm: Khi cây có 1 - 2 lá thật, kiểm tra tỉa bỏ các cây còi cọc, cây sâu bệnh, chỉ để lại 1 - 2 cây đậu khỏe/khóm. Dặm cây mới vào những chỗ cây bị chết.

Xới xáo: Áp dụng cho chân đất khô và đất sau gặt lúa với phương thức gieo theo hàng gốc rạ. Không áp dụng với phương thức không làm đất gieo trên nền đất ướt có phủ rơm rạ. Lần 1: Khi cây có 2 - 3 lá thật, xới nhẹ vào gốc, tỉa định cây, kết hợp bón thúc lần 1. Lần 2: Khi cây có 5 - 6 lá thật, xới vun cao sát gốc, kết hợp bón thúc lần 2.

Tưới nước: Nguyên tắc chung cần giữ độ ẩm đồng ruộng thường xuyên 65 - 70% độ ẩm tối đa. Tưới nước vào các thời kỳ 2 - 4 lá thật, trước khi ra hoa, hình thành quả và quả trưởng thành (có thể tưới bất kỳ giai đoạn nào khi cần để đảm bảo độ ẩm yêu cầu nêu trên).

Cách tưới: Tưới rãnh ngập 2/3 luống để ngấm đều, sau đó tháo cạn.

- Phòng trừ sâu bệnh: chú ý phòng trừ một số sâu bệnh hại chủ yêu như: giòi đục thân và đục ngọn, sâu đục quả, bệnh héo xanh, lở cổ rễ, gỉ sắt… Dùng các loại thuốc đặc hiệu để phòng trừ theo đúng hướng dẫn trên bao bì của mỗi thuốc. Chú ý cách sử dụng theo nguyên tắc 4 đúng (đúng thuốc, đúng lúc, đúng cách và đúng nồng độ, liều lượng).

Theo khuyennong.org.vn

 



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com