Khi bị nhiễm bệnh, lá bị xoăn lại, ngọn cây dưa không vươn dài, mà co rút lại thành một cục giống như cái đầu lân và giật ngược lên trời.
1. Bệnh khảm (còn có tên gọi khác là bệnh giật ngọn, bệnh đầu lân):
Khi bị nhiễm bệnh, lá bị xoăn lại, ngọn cây dưa không vươn dài, mà co rút lại thành một cục giống như cái đầu lân và giật ngược lên trời.
Nguyên nhân: do virus gây hại và được truyền lan bỡi các loại côn trùng chích hút, trong đó chủ yếu là bù lạch (có tên gọi khác là bọ trĩ hoặc rầy lửa).
Biện pháp phòng trừ: Để phòng ngừa bệnh khảm, phải phòng trừ con bù lạch bằng cách kết hợp một số biện pháp sau đây:
Không trồng dưa hấu và những cây thuộc họ bầu bí liên tục nhiều năm trên một ruộng, một khu vực, tốt nhất là thực hiện công thức luân canh là: cứ trồng hai vụ dưa (hoặc những cây thuộc họ bầu bí) thì luân canh với một vụ lúa nước hoặc những loại rau màu khác như các loại rau cải, hành, ngò, đậu, ớt...
Phủ bạt nilon (màng phủ nông nghiệp) trên luống dưa, ngoài việc có tác dụng hạn chế cỏ dại và một số bệnh gây hại cho cây dưa, tiết kiệm lượng nước tưới... thì màu bạc của tấm bạt sẽ có tác dụng xua đuổi bù lạch trưởng thành đến đẻ trứng, sinh con đẻ cái, tích luỹ số lượng gây hại cho cây dưa.
Nhổ bỏ những cây bị bệnh và đưa ra khỏi ruộng tiêu hủy để tránh bệnh lây lan sang những cây khác thông qua môi giới là con bù lạch.
Kiểm tra ruộng dưa thường xuyên (chú ý quan sát kỹ các đọt non và mặt dưới của những lá non), nếu thấy có nhiều bù lạch thì có thể sử dụng luân phiên một trong các thuốc như: Cyperan 5EC hoặc 10EC, Vifast 5ND hoặc 10SC, Confidor 100SL, Regent 800WG, Polytrin 440EC, Selecron 500EC... Do bù lạch nằm sâu bên trong đọt, nên dùng bình xịt có áp suất mạnh và xịt trực tiếp lên các đọt non thì hiệu quả mới cao.
2. Bệnh thán thư:
Trên lá, vết bệnh có những thể nhỏ li ti màu đen, vết bệnh khô và làm rách lá. Trên trái, vết bệnh có màu nâu đen, hình tròn, đường kính khoảng 2 đến 4mm.
Nguyên nhân: Bệnh do nấm Colletotrichum lagenarium gây hại cho tất cả các loại dưa hấu. Thường các bộ phận trên mặt đất đều có thể bị bệnh và bệnh xuất hiện suốt trong thời gian sinh trưởng của cây, nhưng đặc biệt gây hại mạnh là giai đoạn hình thành trái.
Biện pháp phòng trừ: Không để hạt giống từ những trái bị bệnh; xử lý hạt giống; thu dọn kỹ tàn dư cây bệnh trên đồng sau thu hoạch; cày sâu, luân canh cây trồng khác họ; tiêu hủy các bộ phận bị bệnh và khử vôi để tránh lây lan; làm luống cao, thoát nước tốt; tăng cường bón lân và kali, tránh bón thừa đạm. Khi bệnh chớm xuất hiện, phun một trong các loại thuốc sau: Antracol 70WP, Plant 50WP, Mexyl-MZ72 WP, Map Green 10AS, Daconil 75WP.
Chú ý bảo đảm thời gian cách ly để không còn dư lượng thuốc BVTV trong nông sản.
Theo khuyennongvn.gov.vn