Ngày 16-7, UBND tỉnh có văn bản gửi UBND các huyện, thành phố chỉ đạo việc tiếp tục triển khai các biện pháp phòng, chống bệnh dịch tả lợn châu Phi. Theo đó, tính đến ngày 11-7, trên địa bàn tỉnh, bệnh dịch tả lợn châu Phi đã xuất hiện ở 214 xã, phường, thị trấn của 10 huyện, thành phố; tổng số lợn tiêu hủy 242.961 con tại 34.566 hộ chăn nuôi; tổng trọng lượng lợn tiêu hủy 13.267.324kg. Đến nay, bệnh dịch tả lợn châu Phi đã từng bước được khống chế ở một số địa phương, tuy nhiên dịch vẫn còn tiềm ẩn phức tạp, nguy cơ tái phát rất cao do thời tiết diễn biến phức tạp, mầm bệnh xuất hiện, tồn tại ở hầu hết các địa phương trong tỉnh; một số xã dù bệnh đã được khống chế qua 30 ngày nhưng sau đó lại tái phát; một số trang trại chăn nuôi bị dịch đã tiêu hủy và thực hiện các biện pháp vệ sinh, tiêu độc, khử trùng, để trống chuồng hơn 30 ngày nhưng khi tái đàn nuôi lại phát dịch; chính quyền một số địa phương và người chăn nuôi đã xuất hiện tư tưởng chủ quan, lơ là trong công tác chỉ đạo và thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch.
Để nhanh chóng khống chế dứt điểm bệnh dịch tả lợn châu Phi tiến tới công bố hết dịch trên phạm vi toàn tỉnh, Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu Chủ tịch UBND các huyện, thành phố, thủ trưởng các sở, ngành liên quan tập trung chỉ đạo thực hiện quyết liệt, đồng bộ, hiệu quả các giải pháp phòng, chống bệnh dịch tả lợn châu Phi theo đúng chỉ đạo của Chính phủ, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, UBND tỉnh và hướng dẫn của các sở, ngành liên quan. Hướng dẫn các hộ chăn nuôi chưa bị dịch tiếp tục thực hiện các biện pháp chăn nuôi an toàn sinh học, tăng cường chăm sóc nuôi dưỡng đàn lợn, đặc biệt chú trọng bảo vệ đàn lợn nái để cung cấp con giống khôi phục chăn nuôi sau khi đủ điều kiện tái đàn. Đối với các hộ đã bị dịch thực hiện cải tạo chuồng trại, tổng vệ sinh tiêu độc, khử trùng để tiêu diệt mầm bệnh và không nhập lợn giống vào nuôi khi chưa có chỉ đạo của UBND tỉnh. Tổ chức rà soát, nắm chắc số hộ, tổng đàn, chủng loại, quy mô của từng hộ chăn nuôi ở địa phương để quản lý và thực hiện tốt công tác giám sát dịch, đồng thời đánh giá kết quả công tác phòng, chống dịch, tìm ra nguyên nhân, biện pháp quản lý, nhất là những hộ nuôi đến nay chưa bị bệnh hoặc trường hợp trong một hộ có chuồng bị bệnh và chuồng không nhiễm bệnh. Đối với các địa phương đã qua 30 ngày không phát sinh thêm lợn mắc bệnh dịch tả lợn châu Phi nếu phát sinh lợn ốm chết phải lấy mẫu để xác định nguyên nhân bệnh theo quy định. Tuyên truyền, vận động, hướng dẫn các hộ chăn nuôi, nhất là các hộ chăn nuôi lợn không đủ điều kiện về an toàn sinh học, cần chủ động chuyển sang các đối tượng nuôi khác, trước mắt tập trung phát triển đàn bò, gia cầm, thủy sản… nhằm đảm bảo cung cấp đủ thực phẩm cho các tháng cuối năm. Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phối hợp với các huyện, thành phố chỉ đạo lực lượng chuyên môn tổ chức quản lý, kiểm soát chặt chẽ việc giết mổ, tiêu thụ thịt lợn đảm bảo an toàn dịch bệnh, an toàn thực phẩm. Tham mưu cho UBND tỉnh triển khai thực hiện Quyết định số 793/QĐ-TTg ngày 27-6-2019 của Thủ tướng Chính phủ về cơ chế, chính sách, đối tượng hỗ trợ, mức hỗ trợ kinh phí trong phòng, chống bệnh dịch tả lợn châu Phi; đồng thời tham mưu tổ chức hội thảo “Chia sẻ kinh nghiệm phòng, chống tổng hợp bệnh dịch tả lợn châu Phi” của tỉnh ngay trong tháng 7-2019. Báo Nam Định, Đài Phát thanh - Truyền hình Nam Định phối hợp với ngành Nông nghiệp, các sở, ngành liên quan tích cực tuyên truyền, khuyến khích, vận động người dân không quay lưng với thịt lợn và các sản phẩm chế biến từ thịt lợn an toàn, có nguồn gốc rõ ràng. Vận động các công ty, bếp ăn tập thể trên địa bàn có sử dụng lượng suất ăn lớn trong ngày tăng cường sử dụng thịt lợn làm thực phẩm hàng ngày để thúc đẩy tiêu thụ thịt lợn, giảm bớt khó khăn cho người chăn nuôi. Các sở, ngành thành viên Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch bệnh động vật tỉnh theo chức năng, nhiệm vụ chủ động phối hợp với ngành Nông nghiệp, các địa phương triển khai các nhiệm vụ phòng, chống bệnh dịch tả lợn châu Phi./.
Văn Đại