(tiếp theo)
Chăm sóc mô nấm đã cấy giống
Tùy thuộc địa điểm trồng trong nhà hay ngoài trời (sân bãi, dưới tán cây đồng ruộng…) mà cách thức chăm sóc sẽ khác nhau.
* Nếu trồng trong nhà
Sau 3 – 5 ngày đầu không cần tưới nước, những ngày tiếp theo quan sát bề mặt mô nấm thấy rơm rạ khô cần phun nhẹ nước trực tiếp xung quanh. Chú ý phải tưới nước khéo, nếu tưới mạnh (hạt nước lớn) dễ làm sợi nấm tổn thương, ảnh hưởng tới năng suất vì lúc này sợi nấm đã phát triển ra tận phía ngoài thành mô. Đến ngày thứ 7 – 8 bắt đầu xuất hiện nấm con (giai đoạn ra quả) 3 – 4 ngày sau nấm lớn rất nhanh to bằng quả táo, quả trứng, để thêm vài tiếng đồng hồ có thể nấm sẽ nở ô dù.
Nấm ra mật độ dày, kích thước lớn cần tưới 3 – 4 lượt nước trong một ngày.
Lượng nước tưới một lần rất ít (0,1 lít cho 1 mô/ngày). Nếu tưới quá nhiều nấm dễ bị thối chân và chết ngay từ lúc còn nhỏ.
Ảnh minh họa - Internet. |
* Nếu trồng ngoài trời
Cần che phủ thêm một lớp rơm rạ khô trên bề mặt mô nấm, Lớp rơm rạ này còn rất tốt, xếp theo một chiều, phủ theo kiểu lợp mái nhà. Chiều dày lớp phủ 4 – 5 cm.
Tất cả các bề mặt của những mô ở mép ngoài khu vực trồng cũng cần che phủ bằng lớp rơm phủ áo, kiểm tra nếu thấy mô nấm bị khô có thể tưới trực tiếp lên lớp áo phủ nhiều lần trong ngày, sao cho lớp rơm phía ngoài của mô nấm không bị khô, mất nước.
Để tránh mưa và tiện cho việc chăm sóc mô nấm, có thể cắm các cọc tre hoặc đan thành “chiếc lồng” cách mặt mô nấm 10 – 15cm, phía ngoài bọc một lớp nilon, phía trên cùng phủ rơm rạ khô càng tốt.
Nhiệt độ mô nấm trong những ngày đầu khoảng 44 – 460C là tốt nhất.
Sau khi cấy giống 5 ngày, đảo áo mô lần 1, tưới phun sương, tạo ẩm trong mô. Lớp rơm áo có thể dùng odoa, máy bơm để tưới. Sau cấy giống 7 ngày, đảo áo mô lần 2, tưới đón nấm sau đó phủ lại. Ngày thứ 8 – 9 nấm ra nụ đinh ghim. Ngày thứ 11 – 12, nấm lớn hái bói thu sản phẩm.
Việc tưới nước chăm sóc nấm tương tự như với nấm trồng trong nhà.
Khi thu hái hết nấm đợt 1 cần nhặt sạch tất cả các “gốc nấm”, “cây nấm nhỏ” còn sót lại và quả thể chết, dùng nilon phủ lại cho đến khi nấm ra thì gỡ bỏ. Ngừng 3 – 4 ngày sau đó tưới trở lại như ban đầu, để thu tiếp đợt 2.
Cách thu hái nấm
Kể từ lúc trồng (cấy giống) đến khi hái hết đợt 1 khoảng 15 – 17 ngày. Nấm ra rộ từ ngày thứ 12 đến 15. Hái nấm còn ở giai đoạn hình trứng là tốt nhất, bảo đảm chất lượng và năng suất cao. Một ngày hái nấm 2 – 3 lần. Những ngày nắng nóng, nhiệt độ không khí cao, nấm phát triển rất nhanh, vì vậy quan sát nấm hơi nhọn đầu là hái được. Nấm thường mọc từng cụm, ta có thể hái cả cụm hoặc hái tỉa nhưng không để ảnh hưởng đến những chân nấm con.
Nấm hái đợt 1 khoảng 3 – 4 ngày. Năng suất 70 – 80%, sau 7 – 8 ngày ra tiếp đợt 2. Năng suất nấm đợt 2 khoảng 15 – 25%.
Một đợt nuôi trồng (từ lúc xử lý nguyên liệu đến khi kết thúc thu hái) khoảng 25 – 30 ngày. Sau mỗi đợt nuôi trồng dọn vệ sinh sạch sẽ: tưới nước vôi (giống vôi quét tường) để 3 – 4 ngày lại trồng đợt tiếp theo.
Năng suất nấm dao động từ 12 - 20% so với nguyên liệu khô (một tấn rơm rạ cho thu hoạch khoảng 120 – 200kg nấm tươi). Năng suất nấm cao hay thấp tùy thuộc vào chất lượng giống nấm, kỹ thuật nuôi trồng và yếu tố khí hậu.
Tiêu thụ nấm rơm
Khi hái nấm xong, nấm rơm vẫn tiếp tục phát triển, nếu để thêm vài tiếng sau, từ giai đoạn hình trứng nấm có thể bị nở ô, vì vậy cần tiêu thụ nhanh trong 3 – 4 giờ đồng hồ. Dụng cụ đựng nấm cần thoáng, không để quá nhiều nấm (chiều cao dụng cụ tối đa 25cm). Muốn để nấm qua ngày thì bảo quản ở nhiệt độ 10 – 150C.
Sâu bệnh và cách phòng chống
- Nấm dại (nấm mực) do độ ẩm nguyên liệu quá cao. Loại này không gây hại nhưng cạnh tranh dinh dưỡng của nấm rơm, cần điều chỉnh độ ẩm nguyên liệu lúc đem trồng, hạn chế tưới khi chăm sóc.
- Các loại nấm mốc (mốc xanh, vàng, đen,…) loại này nguy hiểm, nguyên nhân có thể do nguyên liệu bị nhiễm bệnh từ trước. Nhà xưởng vệ sinh không sạch sẽ, khu vực nuôi trồng ẩm thấp, đã trồng nấm nhiều lần… Cần loại bỏ những mô đã bị bệnh ra xa khu vực nuôi trồng thậm chí đem chôn sâu hoặc đốt để ngăn chặn nguồn bệnh lây lan.
- Côn trùng phá hoại (chuột, gián, kiến, mối…) dùng thuốc bẫy chuột, gián, kiến … tại khu vực nuôi trồng nấm.
Theo kythuatnuoitrong.edu.vn