Tiếp tục các biện pháp phòng, chống bệnh dịch tả lợn châu Phi

08:06, 25/06/2019

Theo báo cáo của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đến ngày 20-6-2019, trên địa bàn tỉnh bệnh dịch tả lợn châu Phi đã xuất hiện tại 214 xã, phường, thị trấn của 10 huyện, thành phố. Tổng số lợn chết, tiêu hủy 226.493 con tại 32.976 hộ chăn nuôi; trong đó, lợn nái 51.599 con, lợn đực 835 con, lợn thịt 77.785 con, lợn choai 40.588 con, lợn con 55.662 con. Tổng trọng lượng tiêu hủy 12.339,7 tấn.  Đến nay đã có 6 địa phương, gồm: Phường Trần Đăng Ninh, Trần Tế Xương, Lộc Vượng, Cửa Nam, xã Lộc An (Thành phố Nam Định) và xã Xuân Trung (Xuân Trường) đã qua 30 ngày không phát sinh ổ dịch mới; nhiều xã, phường, thị trấn khác trên địa bàn tỉnh đã cơ bản khống chế được dịch.

Cùng với các văn bản chỉ đạo các ngành, địa phương thực hiện các biện pháp tích cực ngăn chặn, khống chế dịch tả lợn châu Phi, hướng dẫn công tác xử lý bệnh dịch, UBND tỉnh đã ban hành quy định cơ chế tài chính hỗ trợ phòng, chống dịch bệnh gia súc, gia cầm. Trong đó, tại Quyết định số 701/QĐ-UBND ngày 3-4-2019 quy định mức hỗ trợ trực tiếp cho chủ hộ có lợn phải tiêu hủy đối với lợn nái, lợn đực giống đang khai thác là 45 nghìn đồng/kg hơi; đối với lợn con và lợn thịt các loại hỗ trợ 30 nghìn đồng/kg hơi; tại Quyết định số 1311/QĐ-UBND ngày 31-5-2019 điều chỉnh mức hỗ trợ trực tiếp cho chủ hộ có lợn phải tiêu hủy tương ứng là 39 nghìn đồng/kg hơi và 26 nghìn đồng/kg hơi. Thực hiện sự chỉ đạo của UBND tỉnh, đến nay đã có 5 huyện, thành phố có tờ trình hỗ trợ kinh phí đợt I, gồm: Ý Yên, Vụ Bản, Trực Ninh, Xuân Trường và Thành phố Nam Định. Tỉnh đã phân bổ 40 nghìn lít hóa chất, các địa phương chủ động mua 2.916 lít hóa chất và trên 500 tấn vôi bột để tiêu độc, khử trùng môi trường.

Dịch tả lợn châu Phi đang diễn biến phức tạp và có chiều hướng tấn công vào các trang trại quy mô lớn
Dịch tả lợn châu Phi đang diễn biến phức tạp và có chiều hướng tấn công vào các trang trại quy mô lớn.

Bệnh dịch tả lợn châu Phi đã khiến tổng đàn lợn của tỉnh giảm mạnh so với thời điểm trước khi xảy ra dịch, mật độ chăn nuôi cũng đã giảm thấp. Để sớm kiểm soát được bệnh dịch tả lợn châu Phi, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đề nghị Tỉnh ủy, UBND tỉnh tiếp tục chỉ đạo cấp ủy Đảng, chính quyền các cấp huy động cả hệ thống chính trị vào cuộc, quyết liệt chỉ đạo, điều hành nghiêm công tác phòng, chống, dập dịch theo Chỉ thị số 34-CT/TW ngày 20-5-2019 của Ban Bí thư Trung ương Đảng, Công điện số 667/CĐ-TTg ngày 4-6-2019 của Thủ tướng Chính phủ và các văn bản chỉ đạo khác của Chính phủ, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Tỉnh ủy, UBND tỉnh về phòng, chống bệnh dịch tả lợn châu Phi. Các địa phương khẩn trương triển khai thực hiện chính sách hỗ trợ cho người nuôi lợn bị bệnh dịch tả lợn châu Phi đảm bảo công khai, minh bạch, đúng quy trình. Các huyện, thành phố chỉ đạo các xã, phường, thị trấn tiếp tục quản lý chặt chẽ tổng đàn lợn của địa phương, thực hiện rà soát, thống kê hàng tuần để tổ chức các biện pháp phòng, chống dịch; tạo điều kiện và khuyến khích người dân căn cứ điều kiện chuồng trại tại gia đình và nhu cầu thị trường để chủ động chuyển đổi sang chăn nuôi các đối tượng khác, trước mắt tập trung phát triển chăn nuôi đàn gia súc, gia cầm, thủy sản… để bù đắp lượng thực phẩm thiếu hụt thịt lợn sau khi hết dịch. Hỗ trợ các doanh nghiệp trong việc thu mua, giết mổ, tạm trự̃n khỏe mạnh của tỉnh để tháo gỡ khó khăn trong công tác chống dịch và bình ổn thị trường thực phẩm sau khi hết dịch. Tuyên truyền hướng dẫn người chăn nuôi thực hiện tốt các biện pháp vệ sinh, sát trùng phòng dịch, không sử dụng thức ăn dư thừa của nhà hàng, bếp ăn tập thể, thức ăn tận dụng để cho lợn ăn; hướng dẫn các cơ sở chăn nuôi lợn nâng cao hơn nữa việc thực hiện các biện pháp chăn nuôi an toàn sinh học, nhất là đối với đàn lợn giống, cơ sở chăn nuôi quy mô lớn. Tiếp tục thành lập các đoàn công tác tăng cường kiểm tra, đôn đốc việc triển khai thực hiện công tác phòng, chống dịch tại tuyến cơ sở./.

Văn Đại

 



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com