An toàn sinh học trong chăn nuôi (kỳ 1)

07:05, 03/05/2019

  Đảm bảo cách ly, kiểm soát vào, ra khu vực chăn nuôi

Cách ly là sự tách biệt giữa các chuồng, trại chăn nuôi với nhau và giữa khu vực chăn nuôi với khu vực sinh sống, làm việc, đi lại của con người, sự xâm nhập của động vật khác. Thực hiện việc cách ly bằng cách xây dựng cổng, tường, hàng rào, vách ngăn giữa các khu vực, bố trí biển cảnh báo, đồng thời cách ly về thời gian giữa các lứa nuôi.

Khi thực hiện tốt việc cách ly và kiểm soát ra vào khu vực chăn nuôi thì người chăn nuôi đã góp phần ngăn chặn được các loại mầm bệnh từ bên ngoài xâm nhập vào khu chăn nuôi và ngược lại.

Để đảm bảo an toàn sinh học, cần kiểm soát con giống, con người, dụng cụ, phương tiện vận chuyển, thức ăn, nước uống, vật tư, động vật, côn trùng…

Ảnh minh họa/Internet.
Ảnh minh họa/Internet.

Cách ly và kiểm soát giống mới nhập về

Con giống khỏe mạnh mua từ cơ sở an toàn dịch bệnh, có nguồn gốc rõ ràng, được tiêm phòng đầy đủ và có bảo hành.

Không nên nhập thêm giống mới ngay vào đàn đang nuôi mà phải nuôi cách ly đàn mới mua về ít nhất 2 tuần (chuồng  tân đáo), càng xa chuồng đang nuôi càng tốt.

Thường xuyên quan sát bất kỳ biểu hiện bất thường nhằm phát hiện những con ủ bệnh để thực hiện phòng và trị bệnh kịp thời.

Đối với những chuồng, trại chăn nuôi mới xảy ra dịch bệnh, chỉ nhập giống khi chuồng trại đã khử trùng, trống chuồng theo đúng quy định của thú y, cần thiết phải nuôi chỉ báo, khi đàn vật nuôi đó an toàn mới tăng quy mô đàn.

Kiểm soát con người

Mầm bệnh có thể lây lan từ bên ngoài vào trại chăn nuôi thông qua tay, chân, quần áo, giày dép của người khi tiếp xúc với vật nuôi, vì vậy khi dịch bệnh đe dọa, cần thực hiện “nội bất xuất, ngoại bất nhập”, người chăn nuôi làm việc, ăn ở tại chỗ, cố định người và dụng cụ chăn nuôi cho từng dãy chuồng, từng khu riêng biệt. Nếu nhà ở gần khu chăn nuôi, không đưa thực phẩm tươi sống của động vật cùng loài với vật đang nuôi về nhà.

Tất cả người làm, khách khi vào ra khu vực chăn nuôi đều phải: Thay quần áo bảo hộ; Thay giày dép/ủng dành riêng cho khu vực chăn nuôi; Rửa tay bằng xà phòng cả trước và sau khi tiếp xúc với vật nuôi và các nguồn lây nhiễm khác.

Khi đi từ khu vực bẩn sang khu vực sạch cần phải: thay, khử trùng giày, ủng, quần, áo; rửa tay chân bằng xà phòng.

Chỉ những người thực sự cần thiết mới được vào chuồng, trại. Người buôn bán không được phép vào chuồng, trại.

Hạn chế tối đa việc khách tham quan.

Người thực hiện công việc chăn nuôi nên hạn chế đến các hộ, trại chăn nuôi khác hoặc đến các chợ buôn bán vật nuôi và sản phẩm chăn nuôi. Tuyệt đối không nên đi lại hoặc tham quan hay chữa trị bệnh giúp các hộ, trại chăn nuôi ở khu vực đang bùng phát hoặc nguy cơ cao xảy ra dịch bệnh.

Kiểm soát phương tiện vận chuyển, trang thiết bị, dụng cụ chăn nuôi

Phương tiện vận chuyển phải đỗ ở bên ngoài chuồng, trại, càng xa càng tốt. Đặc biệt, không cho phương tiện vận chuyển của thương lái đến gần chuồng, trại. Chỉ những trường hợp đặc biệt mới cho vào nhưng phải đi qua hố khử trùng, cọ rửa và phun khử trùng kỹ, nhất là lốp xe, gầm xe…

Chỉ những trang thiết bị, dụng cụ thật cần thiết mới được đưa vào chuồng, trại sau khi đã vệ sinh, khử trùng cẩn thận. Đặc biệt lưu ý đối với dụng cụ mang từ ngoài về như: lồng, xe vận chuyển, bơm tiêm,… cần vệ sinh, khử trùng kỹ.

(còn nữa)
Theo khuyennongvn.org

 

 



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com