Quy trình kỹ thuật nuôi tôm sú thâm canh hiệu quả: Chuẩn bị ao vuông nuôi tôm sú

06:04, 17/04/2019

Giống với quy trình kỹ thuật nuôi tôm sú quảng canh thì việc xây dựng, cải tạo và xử lý nước là công việc vô cùng quan trọng trong quy trình nuôi tôm sú thâm canh. Xây dựng ao nuôi ở vùng đã quy hoạch, nền đất phải là đất thịt hoặc đất pha cát, ít mùn, tiện lợi cho việc cấp và thoát nước, thuận lợi giao thông đi lại, cụ thể như sau:

Xây dựng ao nuôi tôm sú

– Chuẩn bị khu vực nuôi có diện tích từ 1 – 2 ha, trong đó: Ao lắng chiếm diện tích và thể tích nước phải tương đương so với ao nuôi để có thể cung cấp nước kịp thời. Đảm bảo các hệ thống ao xử lý nước thải, ao ương giống, ao nuôi và hệ thống cấp nước đầy đủ.

– Thiết kế ao ương với diện tích từ 150 – 300 mét vuông.

– Ao nuôi có bờ ao 2 – 2,5m, mực nước từ 0,8 – 1,5 m, ao có hình vuông hoặc hình chữ nhật, góc ao cần được bo tròn. Ao nuôi phải có từ 1 đến 2 cống dùng để thoát và xổ nước, cống phải được thiết kế gần nguồn nước để cấp tháo nước một cách dễ dàng nhất.

Kỹ thuật nuôi tôm sú quảng canh và thâm canh đều cần phơi đáy ao trước khi thả nuôi
Kỹ thuật nuôi tôm sú quảng canh và thâm canh đều cần phơi đáy ao trước khi thả nuôi

 Cải tạo ao vuông, ao ương

– Tháo cạn nước trong ao, tiến hành sến vét đáy ao để loại bỏ được các loại vi khuẩn và tác nhân gây hại. Tháo rửa ao vuông từ 1 – 2 lần để tẩy rửa đáy ao và xổ phèn.

– Xả cạn nước sau đó bón vôi (nên dùng vôi nông nghiệp (CaCO3)) khi mà mặt đất còn ẩm ướt, tùy vào điều kiện pH trong đất và diện tích mà chúng ta có liều lượng bón khác nhau:

+ Độ pH > 6 thì lượng vôi nên bón từ 0,8 – 1 tấn/ha và lượng vôi CaO từ 0,4 – 0,5 tấn/ha.

+ Độ pH của đất từ 5 – 6 thì lượng vôi CaCO3 phải bón với lượng từ 1,5 – 2 tấn/ha và lượng vôi CaO từ 0,7 – 1 tấn/ha.

+ Độ pH của đất < 5 thì lượng vôi CaCO3 phải bón từ 2 – 3 tấn/ha và lượng vôi CaO bón từ 1 – 1,5 tấn/ha.

– Sau khi bón vôi, phơi mặt trảng từ 5 – 7 ngày đến khi có hiện tượng nứt chân chim.

– Diệt khuẩn nguồn nước bằng Iodine với liều lượng theo hướng dẫn của nhà sản xuất ghi trên bao bì.

– Sau đó bà con nên tiến hành gây màu nước, tốt nhất nên gây màu nước bằng phương pháp ủ lên men, không nên sử dụng phân bón. Ví dụ: Gây màu nước với mật đường + cám gạo + bột đậu nành tỷ lệ 3:1:3 ủ trong 12 giờ với liều lượng 3kg/1.000 m3

– Trong trường hợp ao khó gây màu nước, hay màu nước không được bền thì có thể bổ sung các loại khoáng chất, hoặc sử dụng màu giả cho ao nuôi.

– Kiểm tra và điều chỉnh các yếu tố môi trường sao cho hợp lý nhất: pH 7,5 – 8,5, độ kiềm 80 – 120 mg/l, độ mặn 15 – 25 ‰ , độ trong 35 – 45 cm, H2S < 0,03 mg/l, NH3 < 0,1 mg/l, nhiệt đô từ 28 – 31 độ C.

– Trước khi thả giống, bà con nên sử dụng vi sinh Bottom-Up để xử lý đáy ao, loại bỏ các tạp chất và vi khuẩn gây bệnh.

Theo drtom.vn

 

 

 

 

 

 

 



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com