Toàn tỉnh tiêu hủy 27.906 con lợn nhiễm bệnh dịch tả lợn châu Phi

08:04, 19/04/2019

Thông tin từ Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn: Từ ngày 8-3 đến ngày 17-4-2019, trên địa bàn tỉnh ta, bệnh dịch tả lợn châu Phi đã xảy ra tại 90 xã, phường, thị trấn của 9 huyện, thành phố. Tổng số lợn chết và tiêu hủy là 27.906 con tại 5.931 hộ chăn nuôi. Trong đó, lợn nái 8.754 con; lợn đực 120 con; lợn thịt 5.927 con, lợn choai 3.953 con, lợn con 9.152 con. Tổng trọng lượng tiêu hủy 1.351.947kg. Hải Hậu là địa phương có dịch tả lợn châu Phi lan rộng tới 31 xã, thị trấn; tiếp đó là huyện Trực Ninh 17 xã, huyện Xuân Trường 13 xã; huyện Nam Trực 9 xã; huyện Nghĩa Hưng 8 xã; huyện Mỹ Lộc 7 xã; huyện Giao Thủy và Vụ Bản mỗi huyện có 2 xã, thị trấn và Thành phố Nam Định có 1 phường.

Như vậy có thể thấy, hiện bệnh dịch tả lợn châu Phi vẫn đang diễn biến hết sức phức tạp và tiếp tục lây lan ra diện rộng. Vì vậy để nhanh chóng khống chế, ngăn chặn sự lây lan của bệnh dịch tả lợn châu Phi trong thời gian sớm nhất nhằm bảo vệ sản xuất, UBND tỉnh yêu cầu Chủ tịch UBND các huyện, thành phố, thủ trưởng các sở, ngành tiếp tục tập trung cao độ chỉ đạo thực hiện quyết liệt các biện pháp ứng phó khẩn cấp với dịch tả lợn châu Phi theo chỉ đạo của Chính phủ, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và UBND tỉnh. Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phối hợp với Báo Nam Định, Đài Phát thanh và Truyền hình Nam Định, UBND các huyện, thành phố tăng cường tuyên truyền sâu rộng tới toàn thể nhân dân về tác hại, cách nhận biết và biện pháp phòng, chống bệnh dịch tả lợn châu Phi. Bệnh dịch tả lợn châu Phi chưa có thuốc điều trị và chưa có vắc-xin phòng bệnh nên biện pháp phòng dịch hữu hiệu nhất là thực hiện nghiêm quy trình chăn nuôi an toàn sinh học, bao gồm: Hạn chế tối đa người, phương tiện ra vào khu vực chăn nuôi, nhất là những hộ ở khu vực có dịch và thương lái thu mua lợn; có giải pháp ngăn chặn chim, chuột, chó, mèo, côn trùng xâm nhập vào chuồng nuôi; thông tin kịp thời, chính xác tình hình bệnh dịch tả lợn châu Phi trên địa bàn. UBND các huyện, thành phố phải sử dụng hệ thống đài phát thanh huyện và đài truyền thanh các xã, phường, thị trấn thông tin liên tục mỗi ngày 2 lần về: Kỹ thuật chăn nuôi an toàn, kỹ năng và giải pháp cụ thể trong việc phòng ngừa, ngăn chặn dịch tả lợn châu Phi và các loại dịch bệnh khác; tuyên truyền khẳng định bệnh dịch tả lợn châu Phi không gây hại cho người và động vật khác nên các hoạt động sản xuất, tiêu thụ thịt lợn khỏe, an toàn diễn ra bình thường. Sở Y tế phối hợp với các cơ quan truyền thông của tỉnh xây dựng các chuyên đề truyền thông giúp người dân hiểu đúng và đầy đủ về vai trò của thịt lợn đối với đời sống, tạo động lực thúc đẩy sản xuất chăn nuôi an toàn của tỉnh tiếp tục phát triển ổn định. Đối với các địa phương đã xảy ra dịch, chính quyền các cấp, ngành, các tổ chức đoàn thể nêu cao tinh thần trách nhiệm, tập trung chỉ đạo thực hiện quyết liệt, đồng bộ các giải pháp chống dịch; yêu cầu người hành nghề thú y ký cam kết với chính quyền không tự điều trị lợn ốm nghi mắc bệnh dịch tả lợn châu Phi. Các chủ cơ sở buôn bán, vận chuyển, giết mổ lợn ký cam kết với chính quyền không thu mua, giết mổ lợn ốm, lợn chết; dừng ngay việc buôn bán, vận chuyển và tái đàn tại các địa phương có dịch đến khi công bố hết dịch. Rà soát các bếp ăn tập thể, nhà hàng và yêu cầu cam kết không cho thức ăn thừa để dùng làm thức ăn cho lợn trong thời gian có dịch. Thực hiện nghiêm, đúng hướng dẫn của cơ quan chuyên môn về quy trình vệ sinh, khử trùng, tiêu độc và tiêu hủy lợn bệnh không để phát tán mầm bệnh và ô nhiễm môi trường. Đối với các địa phương chưa có dịch, tập trung chỉ đạo thực hiện đồng bộ các giải pháp phòng bệnh, trong đó tập trung tuyên truyền, hướng dẫn người chăn nuôi thực hiện chăn nuôi an toàn sinh học; thực hiện tốt công tác vệ sinh, tiêu độc, khử trùng, kiểm soát chặt chẽ và xử lý nghiêm các trường hợp buôn bán, vận chuyển lợn không đúng quy định. UBND tỉnh yêu cầu các thành viên Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch bệnh động vật tỉnh theo địa bàn, lĩnh vực được phân công thường xuyên xuống cơ sở, nắm chắc tình hình, chỉ đạo, đôn đốc các địa phương tổ chức thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch. Các địa phương triển khai thực hiện chính sách hỗ trợ phòng, chống dịch theo Quyết định số 701/QĐ-UBND ngày 3-4-2019 của UBND tỉnh đối với các hộ chăn nuôi xảy ra dịch bệnh đảm bảo đúng quy định. Đề nghị Ủy ban Mặt trận Tổ quốc tỉnh, các đoàn thể chính trị quan tâm phối hợp, đồng hành cùng các cấp chính quyền, các sở, ngành tuyên truyền, vận động các đoàn viên, hội viên và nhân dân tích cực, chủ động thực hiện các biện pháp phòng, chống bệnh dịch tả lợn châu Phi, các loại dịch bệnh khác và hiểu đúng về việc sử dụng sản phẩm từ thịt lợn an toàn./.

Văn Đại

 



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com