Theo báo cáo của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, từ ngày 8-3 đến 28-3-2019, tại tỉnh ta bệnh dịch tả lợn châu Phi (DTLCP) đã xuất hiện tại 9 xã của 3 huyện gồm: Trực Thắng, Trực Thuận, Trực Thái (Trực Ninh); Hải Phương, Hải Châu, Hải Phong, Hải Quang, Hải Sơn (Hải Hậu) và Xuân Thành (Xuân Trường). Tổng số lợn chết và phải tiêu huỷ là 662 con (lợn nái 175 con, lợn thịt 162 con, lợn choai 124 con, lợn con 201 con) của 13 hộ có ổ dịch và 85 hộ xung quanh ổ dịch, tổng trọng lượng tiêu huỷ là 30.440kg. Trên cả nước, dịch đã xảy ra tại 476 xã, 91 huyện của 23 tỉnh, thành phố.
Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đề nghị các địa phương tăng cường tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng, đặc biệt là hệ thống truyền thanh từ huyện tới xã nhằm nâng cao nhận thức cho các ngành, các cấp, người dân về công tác phòng chống dịch bệnh, phát huy vai trò, trách nhiệm của cộng đồng trong việc giám sát vận chuyển động vật mắc bệnh và khai báo dịch. Tập trung tuyên truyền cho người dân thực hiện nghiêm nguyên tắc “5 không”: Không giấu dịch; không mua bán, vận chuyển lợn bệnh, lợn chết; không giết mổ, tiêu thụ lợn bệnh, lợn chết; không vứt lợn chết ra môi trường; không sử dụng thức ăn dư thừa chưa qua xử lý nhiệt. Yêu cầu các chủ đò ngang qua sông Hồng, sông Ninh Cơ, sông Đáy; chủ cơ sở vận chuyển, chủ cơ sở giết mổ ký cam kết không giết mổ, vận chuyển động vật, sản phẩm động vật không rõ nguồn gốc, động vật mắc bệnh, nghi mắc bệnh. Chi cục Chăn nuôi và Thú y (Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) đã thành lập 3 đội phản ứng nhanh để giúp các địa phương xử lý ổ dịch nhanh chóng, đúng kỹ thuật ngay sau khi phát hiện. Các địa phương tiếp tục hướng dẫn, động viên người dân thực hiện chăn nuôi an toàn sinh học; tiến hành rắc vôi bột và phun thuốc sát trùng tại các ổ dịch, các trục đường chính; tiến hành phun thuốc tiêu độc, khử trùng toàn xã. Các địa phương chỉ đạo trưởng thôn, xóm điều tra, rà soát và kiểm soát chặt chẽ tổng đàn lợn trên địa bàn xã; thông tin kịp thời cho người dân về tình hình dịch bệnh và các biện pháp phòng, chống dịch. Hiện tại, thời tiết chuyển mùa, độ ẩm không khí cao rất thuận lợi cho các loại mầm bệnh phát triển, lây lan, đồng thời gây khó khăn cho công tác tiêu độc khử trùng. Do vậy, ngoài bệnh DTLCP, các dịch bệnh khác như: tai xanh trên đàn lợn, cúm gia cầm, lở mồm long móng trên gia súc... vẫn tiềm ẩn nguy cơ phát sinh, lây lan rất cao. Vì thế, các địa phương, các ngành có liên quan và người chăn nuôi cần thực hiện quyết liệt, đồng bộ các biện pháp phòng, chống dịch hiệu quả theo chỉ đạo của UBND tỉnh; tập trung giám sát, phát hiện, báo cáo kịp thời các trường hợp động vật ốm, chết bất thường; siết chặt kiểm soát, kiểm dịch vận chuyển động vật, sản phẩm động vật qua các chốt kiểm dịch; xử lý nghiêm các trường hợp giấu dịch, vứt xác lợn chết ra môi trường. Tổ chức triển khai nghiêm túc, có hiệu quả Tháng Vệ sinh, tiêu độc, khử trùng; chủ động bố trí kinh phí từ nguồn dự phòng của địa phương để mua sắm vật tư, hóa chất, phương tiện và hỗ trợ tiền công cho lực lượng tham gia phòng, chống dịch./.
Đức Toàn