Bệnh dịch tả lợn châu Phi xâm nhiễm vào tỉnh ta sau các địa phương khác, song tốc độ lây lan khá nhanh và phức tạp. Khởi phát từ xã Trực Thắng (Trực Ninh) vào ngày 8-3-2019 với 1 ổ dịch tại 1 hộ chăn nuôi, đến ngày 8-4-2019 bệnh đã lan ra 34 xã của 5 huyện Trực Ninh, Hải Hậu, Xuân Trường, Nghĩa Hưng, Mỹ Lộc tại 1.485 hộ chăn nuôi, tổng số lợn phải tiêu hủy 7.409 con, tổng trọng lượng tiêu hủy 369.579,3kg. Mặc dù trước và trong khi dịch bệnh xuất hiện, các công tác từ lãnh đạo, chỉ đạo đến triển khai thực hiện các biện pháp phòng ngừa, dập dịch đã được tỉnh và các địa phương tiến hành một cách chủ động, tích cực, toàn tỉnh đã lập tới 83 chốt kiểm dịch tại các địa bàn có dịch và các đầu mối giao thông liên tỉnh, song dịch bệnh vẫn lây lan nhanh trên địa bàn.
Tại Hội nghị kiểm điểm công tác phòng chống dịch đầu tháng 4, qua báo cáo của các ngành chức năng và các địa phương cho thấy nổi lên một số vấn đề cần quan tâm. Đó là dịch bệnh xảy ra đúng vào thời gian điều kiện thời tiết mưa ẩm, nhiệt độ thấp, thuận lợi cho sự phát triển của mầm bệnh, đồng thời sức đề kháng của động vật bị giảm. Tại tỉnh ta với quy mô chăn nuôi nông hộ nhỏ lẻ chiếm tới trên 70%, trong khi đó điều kiện chuồng trại, vệ sinh thú y của đa số hộ chăn nuôi chưa tốt. Thực tế việc phát sinh và lây lan bệnh dịch tả lợn châu Phi thời gian qua trên địa bàn tỉnh cho thấy đều xảy ra ở các hộ chăn nuôi nhỏ. Dịch xảy ra ở vùng trọng điểm nuôi lợn nái để cung cấp lợn sữa cho giết mổ xuất khẩu nên khi thương lái đi mua gom lợn sữa trong các hộ dân đã làm lây lan dịch. Nhận thức và ý thức phòng chống dịch của không ít hộ chăn nuôi còn hạn chế, khi dịch đã xảy ra và đã được tuyên truyền, thông báo rộng rãi nhưng vẫn có trường hợp khi có lợn ốm không thông báo cho địa phương theo quy định mà tự ý điều trị như ở huyện Hải Hậu. Quá trình điều trị có thể thú y đã không tuân thủ các quy trình an toàn, tiết kiệm vật tư sử dụng chung kim tiêm, không thực hiện vệ sinh, tiêu độc, khử trùng, cách ly đúng cách, khi di chuyển từ hộ này sang hộ khác đã làm lan truyền vi-rút bệnh. Hoạt động giết mổ lợn nhỏ lẻ không đảm bảo vệ sinh thú y, hay người chăn nuôi tiếc của bán tẩu tán lợn có dấu hiệu ốm để gỡ gạc thu hồi chi phí sản xuất ở các địa phương cũng là một trong các nguyên nhân làm lây lan dịch bệnh. Một điều đáng chú ý nữa là, theo đồng chí Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Phùng Hoan, năm 2003, dịch bệnh tai xanh lợn bùng phát tại tỉnh ta cũng xuất phát từ xã Trực Thắng, sau lây lan ra 2 huyện Xuân Trường, Hải Hậu và được khống chế dập dịch tại 3 địa bàn này mà không lan rộng sang các địa phương khác nữa. Như vậy có thể thấy trong môi trường chăn nuôi ở các địa phương này vẫn tiềm ẩn mầm bệnh cho gia súc, sẵn sàng xâm nhiễm và bùng phát khi gặp điều kiện thích hợp.
Bệnh dịch tả lợn châu Phi lần đầu xâm nhiễm vào Việt Nam, hiện chưa có thuốc điều trị cũng như chưa có vắc-xin phòng bệnh. Tỷ lệ lợn nhiễm bệnh bị chết lên tới 100% và bệnh lây lan qua rất nhiều con đường khác nhau như: qua thịt lợn và các sản phẩm từ thịt lợn; người và các loại phương tiện ra, vào khu chăn nuôi có dịch bệnh mà không được phun sát trùng, cách ly đúng dịch tễ; nguồn nước, trang thiết bị và dụng cụ chăn nuôi; qua vật chủ trung gian như ve hút máu, ruồi, muỗi, các loại bọ, chim, chuột, chó, mèo, trâu, bò, dê, cừu. Khi xảy ra dịch số lợn buộc phải tiêu hủy là rất lớn, bao gồm toàn bộ đàn tại ổ dịch và cả những hộ chăn nuôi xung quanh, và phải tiêu hủy trong vòng 24 giờ sau khi có kết quả xét nghiệm chính xác bệnh dẫn đến vừa thiệt hại lớn về tài sản vừa tốn kém nhân lực, vật lực cho công tác tiêu hủy, chưa kể kinh phí hỗ trợ cho người chăn nuôi để giảm bớt thiệt hại kinh tế, chia sẻ khó khăn để họ sẵn sàng chấp hành việc tiêu hủy lợn bệnh. Mặt khác, khi có dịch, nhiều người tiêu dùng do không hiểu đúng về bệnh, lo ngại ảnh hưởng đến sức khỏe nên nói “không” với thịt lợn, dẫn đến việc tiêu thụ thịt lợn khỏe mạnh ở các vùng an toàn cũng khó khăn. Có thể nói dịch bệnh tả lợn châu Phi nói riêng, dịch bệnh gia súc gia cầm nói chung xảy ra gây “thiệt đơn, thiệt kép” cho cả người chăn nuôi và kinh tế địa phương, ảnh hưởng đến cả các ngành kinh tế khác.
Từ thực trạng diễn biến bệnh dịch tả lợn châu Phi thời gian qua ở tỉnh ta đồng chí Nguyễn Phùng Hoan, Phó Chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng Ban chỉ đạo phòng, chống dịch bệnh động vật tỉnh chỉ đạo phải cấp bách thực hiện các biện pháp quyết liệt nhằm khống chế, ngăn chặn lây lan dịch bệnh. Ngoài các biện pháp từ công tác tuyên truyền đến các biện pháp kỹ thuật bảo đảm “4 tại chỗ” trong phòng chống dịch theo đúng chỉ đạo của tỉnh và ngành Nông nghiệp, thực thi các chế độ chính sách liên quan, thì một biện pháp hữu hiệu cần đặc biệt quan tâm là việc cộng đồng tự giác, tích cực tham gia phòng chống dịch với tinh thần trách nhiệm “mình vì mọi người, mọi người vì mình”. Người chăn nuôi ở mọi quy mô đều phải nghiêm túc thực hiện vệ sinh chăn nuôi bảo đảm an toàn dịch bệnh, không sử dụng thức ăn thừa của các bếp ăn tập thể cho lợn; không vì lợi ích riêng mà bán chui lợn ốm, giấu dịch; chấp hành nghiêm việc tiêm vắc-xin phòng các loại dịch bệnh cho gia súc, gia cầm; thực hiện việc khử trùng tiêu độc thường xuyên, đúng quy cách, tham gia giám sát chặt chẽ dịch bệnh và các hoạt động giết mổ, vận chuyển lợn và thịt lợn tại địa bàn; vận động người dân ở các địa bàn có dịch thậm chí hạn chế tối đa cả các hoạt động giao lưu thăm hỏi giữa các hộ chăn nuôi; yêu cầu đội ngũ thú y cơ sở cam kết không tự ý chữa lợn ốm, khi tiêm phòng vắc-xin phải dùng riêng kim tiêm. Đối với các trang trại, gia trại thực hiện cấm trại, không tiếp xúc trại bên ngoài, không sử dụng chung nguồn nước, không xả thải chung nguồn; cần xét nghiệm lợn hậu bị trước khi nhập, nuôi cách ly tập trung bên ngoài trại, đảm bảo tiêu chuẩn chuồng cách ly, có người nuôi riêng, đúng mật độ, đủ thời gian./.
Vân Thi