Chuối là loại cây ăn quả có giá trị dinh dưỡng cao. Nhưng để cây chuối cho năng suất và chất lượng cao, ngoài khâu giống, kỹ thuật chăm sóc thì kỹ thuật phòng trừ sâu bệnh hại chuối có tính chất quyết định.
Triệu chứng của bệnh
Bệnh cháy lá gây hại trên tất cả các giống chuối đang trồng hiện nay như chuối tiêu, chuối tiêu hồng, chuối lá, chuối ngự...
Vết bệnh đầu tiên thường xuất hiện tại các mép của các lá già sau đến các lá bánh tẻ; giữa mô bệnh và mô khỏe thường có mầu vàng đỏ. Các lá non bị nhiễm bệnh thường phát triển nhỏ lại, cong queo và có mầu xanh vàng.
Vườn chuối bị nhiễm bệnh cháy lá. |
Khi các lá già và lá bánh tẻ bị nhiễm bệnh, các mép lá biến mầu vàng hoặc vàng đỏ sau đó các mô lá bị nhiễm bệnh bị chết biến mầu nâu nhạt. Vết bệnh từ mép lá lan dần vào cuống lá làm cho toàn bộ lá bị chết khô. Lá bị bệnh, khi bị chết vẫn treo trên thân giả, đôi khi cuống lá bị gãy ở phần giữa của phiến lá. Khi bị hại nặng, bệnh làm cho vườn chuối xơ xác, giảm khả năng quang hợp và năng suất của chuối. Những cây bị hại nặng thường không trổ buồng hoặc trổ buồng không thoát, quả chuối thường nhỏ và phát triển dị dạng.
Đối với những cây chuối bị nhiễm bệnh cháy lá, khi cắt ngang thân giả (bẹ chuối) ta thấy các mô dẫn của các bẹ lá bị biến mầu thâm đen.
Đặc điểm phát sinh gây hại của bệnh
Theo kết quả nghiên cứu và giám định của cơ quan chuyên môn, bệnh cháy lá do nấm Mycosphaerella sp gây lên. Bào tử của nấm bệnh tồn tại trong đất trồng và tàn dư cây bị bệnh. Khi các mép lá của chuối bị vết thương cơ giới (do mưa giông hoặc do con trùng...) bào tử nấm có điều kiện xâm nhập và gây hại. Đặc biệt loài nấm cháy lá phát triển phù hợp trên những mô lá đã biến già.
Đối với các vườn chuối trồng dầy, khó thoát nước sau mưa, bón phân không cân đối và ở những nơi bị gió lớn... thường bị bệnh cháy lá gây hại nặng. Bệnh thường hại nặng vào vụ xuân hè do gặp phải điều kiện nhiệt độ và ẩm độ cao có kèm theo mưa giông.
Biện pháp phòng trừ
- Chọn đất trồng chuối có độ pH trung tính hoặc hơi kiềm, không nên trồng chuối trên đất chua (có độ pH nhỏ hơn 6). Cần làm rãnh thoát nước tốt cho vườn chuối, nhất là vào mùa mưa.
- Tuyệt đối không nên chọn giống tại những vườn chuối đã bị nhiễm bệnh để nhân trồng. Cần phát hiện những lá bị nhiễm bệnh và kịp thời cắt tiêu hủy tránh lây lan.
- Không nên độc canh cây chuối trên cùng mảnh đất trong thời gian dài, nên luân canh chuối với cây trồng khác họ như lạc, mía, bầu bí, ngô... với chu kỳ từ 3 - 4 năm.
- Những hố trồng chuối cần bón lót phân chuồng kết hợp với vôi bột, nếu có điều kiện nên bổ sung nấm đối kháng Trichodenma sp cùng với phân chuồng trước khi trồng.
- Khi chuối chớm bị nhiễm bệnh, cần dùng một số loại thuốc gốc đồng như Macozeb, Zinep, Anvil, Bennomyl, Score..., nồng độ từ 0,15 - 0,2% để phun trừ. Chú ý: Phun ướt đều các lá từ lá già đến các lá non. Đối với những vườn chuối bị nhiễm bệnh nặng, có thể phun lặp lại sau 7 - 10 ngày.
Theo khuyennongvn.org.vn