Trên vùng đất trũng “chiêm khê, mùa úng” xã Yên Dương (Ý Yên), anh Lê Hồng Dũng, 42 tuổi ở xóm Tây đã thành công với nghề nuôi ba ba gai. Nhờ nuôi loài ba ba “khổng lồ” này, gia đình anh Dũng có thêm thu nhập hàng trăm triệu đồng mỗi năm.
Anh Lê Hồng Dũng ở xóm Tây, xã Yên Dương kiểm tra chất lượng con giống ba ba gai trước khi xuất bán. |
Năm 2004, cùng với nhiều thanh niên địa phương, anh Dũng tìm đến vùng kinh tế mới của tỉnh Sơn La để lập nghiệp. Vốn sẵn nghề gia truyền, anh đã mở một xưởng khai thác và chế biến gỗ ở gần sông Mã. Trong quá trình sinh sống, làm nghề tại đây, anh nhận thấy con ba ba gai được người dân địa phương nuôi nhỏ lẻ nhưng đem lại hiệu quả kinh tế cao, nghề này có thể phát triển tại quê hương. Từ đó, vừa làm nghề để tích luỹ vốn, anh vừa tìm hiểu kỹ thuật nuôi ba ba gai, nghiên cứu thị trường, chuẩn bị sẵn đầu ra khi về sản xuất tại địa phương. Năm 2007, anh “hồi hương” và đầu tư cải tạo ao của gia đình nuôi 150 con ba ba gai. Những năm đầu, anh Dũng gặp không ít khó khăn vì vốn ít, chưa có kinh nghiệm nuôi nên đàn ba ba chậm lớn và thất thoát. Không nản, anh miệt mài tìm kiếm sách báo học hỏi tích luỹ kinh nghiệm, tham gia các lớp tập huấn kỹ thuật, đi tham quan các mô hình nuôi ba ba gai đạt hiệu quả cao ở các nơi. Năm 2010, anh đấu thầu 2.400m2 đất cấy lúa kém hiệu quả tại xóm Tây để phát triển quy mô nuôi ba ba gai. Đến nay, số lượng ba ba gai của gia đình anh Dũng đã lên tới gần 1.000 con với 8 ao nuôi ba ba gai thương phẩm và 2 ao ương giống ba ba. Anh Dũng cho biết: “So với các đối tượng nuôi truyền thống khác, giống ba ba gai này khá dễ nuôi, ít khi bị dịch bệnh, lại cho hiệu quả kinh tế cao. Trung bình nuôi khoảng 3 năm, ba ba sẽ đạt trọng lượng trên 6kg, nếu nuôi tiếp thì mỗi năm trọng lượng ba ba gai sẽ tăng thêm từ 3-5kg, cá biệt có con nặng đến 25kg. Hiện gia đình tôi có hơn 80 cặp ba ba gai bố mẹ, 250 cặp ba ba gai thương phẩm và 360 con ba ba giống”. Chia sẻ kỹ thuật nuôi ba ba gai, anh Dũng cho biết, trong những tháng đầu sau khi thả con giống, người nuôi cần quan tâm đến việc trị bệnh cho ba ba con, nhất là bệnh nấm, nên thường xuyên dùng thuốc phòng ngừa bệnh, cho ăn đều đủ lượng để ba ba mau lớn. Ba ba gai là loài ăn tạp, phàm ăn; thức ăn dễ kiếm là các loại phế phẩm gia súc, gia cầm, thuỷ sản nên người nuôi không phải lo thiếu nguồn và tốn chi phí thức ăn. Ba ba gai có thể nuôi trong bể xi măng hoặc trong ao, mật độ thả nuôi hợp lý là 4 con/m2, độ sâu mực nước ao từ 1,5-2m, đáy ao cần thiết kế có độ nghiêng dần về cống thoát nước đảm bảo thuận tiện khâu vệ sinh ao. Nước trong ao phải được xử lý đảm bảo an toàn dịch bệnh, vào mùa đông nên thả nhiều bèo tây, giúp hút chất bẩn trong nước và giữ ấm cho ba ba, vào mùa hè thì thả ít bèo để mặt nước thoáng khí cho ba ba phát triển. Người nuôi phải thường xuyên kiểm tra lượng thức ăn trong ao. Ba ba gai ăn nhiều và nuôi lớn nhanh nhất vào thời điểm từ tháng 3 đến tháng 9 âm lịch. Từ tháng 9 âm lịch, thời tiết trở lạnh, ba ba ăn ít, ngâm mình dưới bùn nên người nuôi tránh cho ăn nhiều lãng phí và dễ gây ô nhiễm nguồn nước do thức ăn tồn đọng. Nuôi ba ba gai ngoài thu nhập từ bán ba ba thịt, người nuôi cũng có thêm thu nhập từ trứng và con giống. Theo anh Dũng, ba ba gai 4 năm tuổi đã bắt đầu đẻ. Do ba ba không thể tự ấp trứng, người nuôi phải chuẩn bị chuồng ấp trứng, nền chuồng được rải cát và đảm bảo nhiệt độ trung bình từ 28-32 độ C để tỷ lệ ấp nở đạt cao. Ba ba mẹ mỗi năm đẻ 3 lứa, mỗi lứa trung bình khoảng 30 quả trứng và ấp hơn 60 ngày là nở. Hiện tại, giá ba ba gai giống trên thị trường là 150 nghìn đồng/con. Dịp Tết Kỷ Hợi 2019, gia đình anh xuất bán được hơn 500kg ba ba gai thương phẩm với giá từ 500-700 nghìn đồng/kg. Tính cả bán con giống, trừ chi phí, anh thu về hơn 500 triệu đồng.
Có thể thấy, nuôi ba ba gai mang lại hiệu quả kinh tế cao, ít rủi ro, đầu ra tương đối ổn định nên mô hình nuôi ba ba gai của anh Dũng đã được nhiều hộ trong và ngoài xã tham quan học tập. Để ba ba gai trở thành đối tượng nuôi phát triển kinh tế hộ thoát nghèo, làm giàu, xã Yên Dương cần chỉ đạo tăng cường hỗ trợ các hộ dân có nhu cầu nuôi tiếp cận các kênh tín dụng để có vốn đầu tư; tổ chức tập huấn phổ biến kiến thức, kinh nghiệm sản xuất; tạo điều kiện cho các hộ có khả năng chuyển sang các vùng quy hoạch sản xuất tập trung xa khu dân cư để mở rộng sản xuất, kinh doanh, đạt hiệu quả kinh tế cao hơn./.
Bài và ảnh: Đức Toàn