Một số biện pháp kỹ thuật chăm sóc lúa đông xuân đầu vụ (kỳ 2)

06:02, 19/02/2019

Trừ cỏ, ốc bươu vàng, rêu rớt

- Ốc bươu vàng: Những ruộng trũng, đầu mương, ven vùng chuyển đổi nhiều ốc bươu vàng, sử dụng một trong các thuốc trừ ốc như: Snail, Dioto, Catfist…

- Rêu rớt: Những ruộng có rêu rớt nếu không trừ kịp thời thì lúa đẻ nhánh muộn và đẻ ít; sử dụng 0,5 - 0,7 kg Sun-phát đồng để rắc hoặc phun trừ; phun, rắc khi trời nắng. Rút nước trong ruộng để khoảng 2 – 3cm hoặc rút nước phơi ruộng 2 – 3 ngày, sau đó đưa nước trở lại.

- Cỏ: Đối với lúa gieo thẳng: sau gieo 1 – 2 ngày phun thuốc trừ cỏ tiền nảy mầm như Sofit 300 EC, Vithafit 300 EC…

Đối với lúa cấy: có 2 nhóm thuốc trừ cỏ:

+ Nhóm thuốc trừ cỏ tiền nảy mầm như: Heco 600 EC, Butan 60 EC … dùng cho ruộng cỏ chưa mọc.

+ Nhóm thuốc trừ cỏ hậu nảy mầm như: Sunrise, Alyrus 200 WG… dùng cho ruộng cỏ đã mọc.

Chú ý: Khi rắc thuốc trừ cỏ, lá lúa phải khô, nước trong ruộng nông từ 3 - 5cm, nếu ngập nõn sẽ làm cho lúa bị trùn ngọn, lúa phát triển chậm, nếu quá nặng lúa chuyển màu vàng… Rắc khi trời lặng gió hoặc gió nhẹ để tránh ảnh hưởng của thuốc đến rau màu gần ruộng.

Sử dụng thuốc bảo vệ thực vật: liều lượng và nồng độ theo hướng dẫn trên bao bì.

Xử lý hiện tượng nghẹt rễ do ngộ độc hữu cơ

Thường gặp ở chân ruộng trũng, ruộng chua, ruộng có nguồn nước thải ở khu dân cư.

Biểu hiện lúa bị nghẹt rễ: Lúa sau cấy không phát triển hoặc chậm phát triển, cây lúa vàng đỏ, lúa không ra rễ mới hoặc rễ trắng rất ít, rễ thâm đen, có mùi thối và tanh, lúa bén rễ hồi xanh không đều và lụi tàn dần.

Biện pháp khắc phục: đưa nước vào ruộng lớn, làm cỏ sục bùn, tháo cạn nước để rửa trôi chất độc trong đất rồi bón vôi bột với lượng 20 – 30 kg/sào. Để ruộng khô 2 – 3 ngày mới đưa nước trở lại, bón phân lân với lượng 10 kg/sào và phân chuồng hoai mục. Phun phân bón lá kích thích lúa ra nhiều rễ trắng và ra lá mới thì mới bón phân thúc đẻ nhánh hoặc bón bổ sung bằng phân tổng hợp NPK.

Phòng trừ sâu bệnh

Trong giai đoạn đầu của lúa xuân, thường xuất hiện một số loại sâu bệnh hại chính sau: bọ trĩ, rầy mềm, dòi đục lá, bệnh đạo ôn lá.

Đối với bọ trĩ, rầy mềm, rầy nâu, dòi đục lá: phun trừ bằng một trong các thuốc sau: Regent 800WG, Abamectin, Actara…

Phun phòng trừ bệnh đạo ôn lá bằng một trong các loại thuốc sau: New Hinosan, Filia, Beam …

khuyennongvn.gov.vn

 

 



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com