Một số biện pháp kỹ thuật chăm sóc lúa đông xuân đầu vụ (kỳ 1)

05:02, 14/02/2019

Điều tiết nước

Đối với lúa cấy, chân ruộng chủ động tưới tiêu: sau cấy, duy trì mực nước nông 3 - 5 cm. Khi lúa đẻ được 7 – 8 nhánh/khóm, tiến hành rút nước lộ ruộng, khi ruộng nứt chân chim thì đưa nước trở lại, sau đó rút và đưa nước xen kẽ.

Đối với lúa gieo thẳng: sau gieo, giữ ẩm, khi mạ mũi chông trở đi thì duy trì mực nước nông. Sau tỉa dặm khoảng 10 ngày, rút nước lộ ruộng để hạn chế lúa đẻ nhánh lai rai.

Bón thúc đẻ nhánh:

Căn cứ vào chất đất, cao trình của ruộng, giống lúa, lượng phân bón lót để xác định lượng phân bón thúc đẻ nhánh cho phù hợp. Bón vào ngày ấm, khi lá lúa đã khô.

Đối với lúa cấy: bón thúc khi lúa bén rễ, hồi xanh, rễ trắng dài khoảng 2,5cm. Đối với lúa gieo thẳng: bón kết hợp với tỉa dặm, khi lúa có 3 – 4 lá (mật độ tỉa dặm: 80 - 100 dảnh/m2).

Lượng phân bón thúc đẻ nhánh: trung bình 3 - 4 kg Urê/sào Bắc Bộ, nếu ruộng chưa bón lót phân kali thì bón 2kg kali/sào.

Đối với diện tích lượng phân bón lót ít hoặc chưa bón lót hoặc bón chưa cân đối đạm, lân, kali thì cần bón đủ lượng phân bón lót và bón thúc đẻ nhánh, trung bình cho 1 sào Bắc Bộ là: phân chuồng khoảng 200kg, Urê 6 – 8 kg, phân Lân super 10 – 15 kg, Kaliclorua 2 – 3 kg. Có thể chia bón thúc đẻ nhánh làm 2 lần, lần 2 sau lần 1 từ 5 – 7 ngày. Đối với phân chuồng, phân lân, kali bón ngay lần đầu.

Chú ý: Phân Urê bón lót và bón thúc đẻ nhánh đối với các giống lúa ngắn ngày chiếm 80 – 90% tổng lượng phân bón cả vụ, đối với giống trung ngày và dài ngày chiếm 70 – 80% để phù hợp với thời gian sinh trưởng của các giống, cung cấp đủ dinh dưỡng cho lúa bước vào làm đòng, nuôi đòng, nuôi hạt để cho năng suất cao.

Đối với chân ruộng trũng, các giống mềm cây nên giảm lượng phân Urê khoảng 10%. Tăng lượng phân Kali đối với ruộng trũng, ruộng đầu lô làm đất bằng máy lớn vì ruộng trũng tiếp nhận lượng phân bón rửa trôi từ chân ruộng cao, do ruộng luôn ngập nước, quá trình khử oxy tăng dẫn đến thiếu Kali.

Đối với chân ruộng vụ trước trồng màu, phân bón tồn dư còn nhiều nên điều chỉnh lượng phân bón đạm, lân, kali cho phù hợp.

Tăng cường sử dụng phân bón tổng hợp NPK, NPKS, phân DAP, phân Urê chậm tan. Căn cứ vào hàm lượng phân tổng hợp quy đổi ra phân đơn để xác định lượng phân bón tổng hợp kết hợp với phân đơn để bón cho phù hợp.

khuyennongvn.gov.vn



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com