Sâu vẽ bùa hại cây có múi

06:01, 24/01/2019

Sâu vẽ bùa gây hại quanh năm khi cây ra đọt non, gây hại nhiều vào tháng 7,8,9. Mức độ gây hại phụ thuộc nhiều vào điều kiện thời tiết và thức ăn của sâu.

Sâu vẽ bùa có tên khoa học là Phyllocnistis citrella Staint., họ Phyllocnistidae, bộ Lepidoptera. Sâu vẽ bùa xuất hiện ở nhiều nước trong vùng nhiệt đới và cận nhiệt đới. Ký chủ chính của sâu vẽ bùa là họ cây có múi - Rutaceae. Ngoài ra, sâu vẽ bùa còn tấn công măng cụt và một số cây trồng khác.

Triệu chứng và tác hại

Sâu vẽ bùa gây hại trên các chồi và lá non. Sâu non đục phá lá ở dưới phần biểu bì, ăn phần mô mềm. Sâu đi tới đâu biểu bì phồng lên tới đó, vẽ thành những đường ngoằn ngoèo nên được gọi là vẽ bùa, các lằn đục của sâu không bao giờ gặp nhau.

Các lá bị sâu vẽ bùa gây hại thường bị co rúm lại và biến dạng nhất là những lá non, làm giảm diện tích quang hợp và làm giảm khả năng sinh trưởng của các chồi non.

Ngoài ra các đường đục của sâu vẽ bùa còn tạo điều kiện cho vi khuẩn Xanthomonas campestris xâm nhập gây bệnh loét, làm lá bị rụng.

Đặc điểm hình thái

Trưởng thành là một loại ngài nhỏ, dài 2 - 3mm, toàn thân có màu vàng nhạt phớt ánh bạc, cánh trước có hình lá liễu, cánh sau nhỏ như hình kim, cả hai cánh đều có rìa lông dài.

Trứng hình bầu dục, kích thước 0,3 - 0,4mm, mới đẻ trong suốt, gần nở màu trắng vàng.

Ấu trùng mình dẹp, không chân, sâu mới nở dài 0,5mm màu xanh nhạt, đẫy sức dài 4mm màu vàng nhạt.

Nhộng dài khoảng 2 mm, màu vàng nâu, hai bên thân mỗi đốt có một u lồi.

Đặc điểm sinh học và sinh thái

Vòng đời: 19 - 38 ngày. Trứng: 1 -  6 ngày; Sâu non: 4 - 10 ngày; Nhộng: 7 - 12 ngày; Trưởng thành: 7 - 10 ngày. Trưởng thành hoạt động mạnh vào chiều tối. Trứng được đẻ rời rạc ở cả hai mặt lá, phần lớn nằm ở hai bên gân chính.

Sâu non mới nở thường đục chui qua lớp biểu bì của lá để ăn phần mô mềm. Đường đục của sâu vẽ bùa dài và lớn dần theo sức lớn của sâu. Nếu đường đục bị rách sâu non rất dễ bị chết. Khi đẫy sức sâu non đục ra mép lá, nhả tơ dệt kén để hóa nhộng ở đó.

Một số yếu tố ảnh hưởng

Sâu vẽ bùa gây hại quanh năm khi cây ra đọt non, gây hại nhiều vào tháng 7,8,9. Mức độ gây hại phụ thuộc nhiều vào điều kiện thời tiết và thức ăn của sâu.

Thiên địch của sâu vẽ bùa:

Thiên địch ký sinh: Có nhiều loài ong trong các họ Chalcidoidea và Ichneumonidea. Thiên địch bắt mồi: Kiến vàng.

Biện pháp phòng trừ

Chăm sóc cho cây sinh trưởng tốt, tỉa cành, tạo tán, bón thúc cho lộc non ra tập trung, hạn chế sự phá hại của sâu. Thu dọn lá rụng trong vườn đốt bỏ cũng hạn chế nguồn sâu. Trường hợp bị hại nặng thì có thể cắt bỏ các chồi lá bị sâu đem tập trung một chỗ để tiêu diệt.

Biện pháp sử dụng thuốc BVTV hợp lý để bảo vệ nguồn thiên địch của sâu vẽ bùa trong - tự nhiên, nhân nuôi thiên địch như nuôi kiến vàng Oecophylla smaragdina là biện pháp có hiệu quả phòng trị sâu vẽ bùa cao

Sử dụng thuốc SAIRIFOS 585EC, SAIMIDA 100SL, LANCER 50SP, SHERZOL 205EC, Dầu khoáng SK EnSpray 99EC… để phòng trị.

Nên phun thuốc hoặc dầu khoáng ngay khi chồi mới nảy dài khoảng 2 - 4cm.

Cty CP BVTV Sài Gòn là đơn vị phân phối hai dòng sản phẩm phân bón được sản xuất từ Hàn Quốc là NPK 15-15-15 và NPK16-16-8+8S dùng cho tất cả các cây trồng do Cty TNHH Phân bón Hàn Việt cung ứng.

Theo nongnghiep.vn

 



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com