Những năm qua, hầm khí sinh học (biogas) đã được triển khai tại nhiều địa phương trong tỉnhvà đã phát huy hiệu quả thiết thực, góp phần giải quyết vấn đề vệ sinh môi trường trong chăn nuôi ở vùng nông thôn. Đồng thời mang lại nguồn năng lượng sạch, thường xuyên và giá rẻ cho người nông dân.
Tuy nhiên, bên cạnh nhiều hầm biogas phát huy tối đa tác dụng thì cũng có những hầm biogas chưa phát huy được hiệu quả đầu tư do người dân còn thiếu những kiến thức cơ bản về công nghệ này.
Với kết cấu khép kín và sử dụng triệt để nguồn chất thải trong chăn nuôi và sinh hoạt, hầm biogas đã góp phần giải quyết một trong những vấn đề bức xúc hiện nay ở các vùng nông thôn là tình trạng ô nhiễm môi trường, đồng thời nâng cao sức khỏe người dân thông qua việc giảm mùi hôi, ô nhiễm nguồn không khí, cải tạo nhà vệ sinh và chuồng trại chăn nuôi. Hầm biogas còn thay thế nhà vệ sinh tự hoại như nhiều hộ gia đình áp dụng đã tiết kiệm chi phí cho gia đình hàng triệu đồng so với việc xây hầm tự hoại riêng.
Trong thực tế nhiều gia đình còn rất băn khoăn, chưa hiểu tác dụng và hiệu quả của hầm khí biogas, cũng như chưa nắm vững cách vận hành, bảo dưỡng. Bởi lẽ, đây là một tiến bộ khoa học kỹ thuật mà người dân mới được tiếp cận, do đó nhiều hầm khí xây xong chỉ sử dụng được một thời gian ngắn sau đó phải bỏ vì không sinh gas do không biết vận hành. Theo thực tế, hầm biogas sau khoảng 1 đến 2 năm hoạt động, tất cả các công trình sẽ phát sinh váng. Do vậy, các hộ gia đình cần nắm được các nguyên nhân và biện pháp kỹ thuật để xử lý khi hầm khí xảy ra các trường hợp trục trặc sau:
1. Hầm không có khí hoặc có khí nhưng không đủ dùng: Nguyên nhân có thể là do nguyên liệu trong bể chưa được phân hủy, không đủ vi khuẩn, nhiệt độ hầm thấp, có chỗ rò rỉ hoặc xì khí, hình thành lớp váng dày.
* Cách khắc phục: Phải chờ thêm thời gian để phân hủy tiếp, cấy thêm vi khuẩn, đun nóng nguyên liệu để nạp, tìm cách ủ ấm cho thiết bị phân hủy, mở nắp lấy váng nổi trên mặt hố, tạo điều kiện cho sự phân hủy, thoát khí dễ dàng khỏi bề mặt hố nguyên liệu, kiểm tra hệ thống ở thiết bị phân hủy và đường ống, không nạp thêm nguyên liệu giàu chất xơ như cỏ và rác.
2. Thừa khí sử dụng: Nguyên nhân do nạp quá nhiều nguyên liệu, cần phải giảm bớt lượng nạp bổ sung thường xuyên, sử dụng thêm bình giữ khí và mở rộng phạm vi sử dụng khí.
3. Khí có mùi khó chịu: Các bộ phận kim loại như ống thép, các cút, van đồng bị rỉ đen do có quá nhiều khí H2S (sunfuahydro) muốn xử lý vấn đề này thì cần lắp thêm bộ lọc khí để giảm bớt lượng nguyên liệu sinh ra khí H2S.
4. Khí không cháy: Nguyên nhân là trong thiết bị chứa quá nhiều không khí và khí CO2, cần phải xả hết khí không đúng thành phần, giảm bớt lượng nguyên liệu bổ sung nhất là lượng nước tiểu, phải ngừng cấp 2 đến 3 tuần.
5. Không có khí sinh ra nữa: Do quá trình lên men bị nhiểm độc, cách khắc phục tốt nhất là nạo vét hầm khí, dọn rửa sạch rồi tiếp tục nạp lại nguyên liệu từ đầu.
Có thể nói rằng, với những lợi ích mang lại từ việc xây dựng hầm khí biogas đã góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống người dân nông thôn nhờ nguồn năng lượng sạch và phát triển chăn nuôi bền vững gắn với việc bảo vệ môi trường, phù hợp với xu thế phát triển kinh tế xã hội, với công cuộc xây dựng nông thôn mới như hiện nay./.
Theo nongdan.vn