Mới 30 tuổi, Nguyễn Tất Cương, Bí thư Đoàn xã Yên Nghĩa (Ý Yên) đã là chủ của một trang trại tổng hợp có diện tích lên đến hàng nghìn m2, tạo việc làm thời vụ cho 6 lao động địa phương. Năng nổ trong hoạt động Đoàn, Hội, anh Cương là tấm gương thanh niên tiêu biểu làm kinh tế giỏi được nhiều người học hỏi, noi theo.
Mạnh dạn phát triển mô hình VAC tổng hợp, anh Nguyễn Tất Cương, Bí thư Đoàn xã Yên Nghĩa trở thành “triệu phú” trẻ, hằng năm có thu nhập trên 200 triệu đồng. |
Cuối năm 2009 xuất ngũ trở về địa phương đúng vào thời điểm xã đang thực hiện chủ trương dồn điền đổi thửa, Nguyễn Tất Cương mạnh dạn bàn bạc cùng với bố mẹ đổi ruộng, dồn về khu đồng trũng của thôn An Liêu có diện tích gần 1ha để gây dựng trang trại VAC tổng hợp. Để có vốn xây dựng trang trại, Cương và gia đình vay từ Ngân hàng NN và PTNT, bạn bè, người thân 200 triệu đồng và đầu tư quy hoạch thành các khu, chuồng trại riêng biệt nuôi gia súc, gia cầm. Những ngày đầu lập nghiệp, Cương nhận thấy trong khi giá cả và đầu ra các giống lợn thịt khác luôn bấp bênh thì giá lợn Mán, lợn rừng Thái Lan lại giữ mức cao và có thị trường ổn định, Cương tập trung vào nuôi các giống lợn này. Ban đầu, anh nuôi 24 con, gồm 7 lợn rừng Thái Lan và 17 con lợn Mán. Mặc dù áp dụng các phương pháp chăm sóc, phòng dịch đúng cách nhưng thời gian đầu nuôi lợn, trang trại của anh gặp nhiều khó khăn. Năm 2011, khi dịch lợn tai xanh bùng phát trên địa bàn tỉnh, trang trại của gia đình anh bị ảnh hưởng nghiêm trọng, lợn chết nhiều do dịch. Thời gian này, anh còn đầu tư nuôi dế giống và dế thương phẩm. Đáng tiếc, hướng đi trên cũng nhanh chóng thất bại, ước tính lỗ trên 1 tỷ đồng. Nản chí, Cương đóng chuồng trại, bỏ vào Sài Gòn làm công nhân một thời gian. Đầu năm 2012, Cương trở về quê. Trong một lần vào Thanh Hóa chơi, anh tình cờ được người quen giới thiệu mối cung cấp măng nứa, măng vầu ra Hà Nội. Cũng từ đây anh được khách hàng giới thiệu cho những địa chỉ cần mua thịt lợn Mán, lợn rừng số lượng lớn. “Như chết đuối vớ được “cọc”, tôi có thêm quyết tâm gây đàn, xây dựng lại trang trại. Rút kinh nghiệm từ thất bại của những năm trước, lần nuôi này, tôi xác định muốn thành công trước hết phải trang bị cho mình kiến thức vững chắc về giống lợn, phương pháp chăm sóc, phòng bệnh cho vật nuôi khoa học, hợp lý”. Do đó, anh đã bỏ rất nhiều thời gian tìm hiểu qua sách báo, ti vi, lên mạng tìm đọc các tài liệu. Anh còn đến một số cơ sở nuôi lợn rừng, lợn Mán trong và ngoài huyện để học hỏi, tích lũy thêm kinh nghiệm. Nhờ áp dụng các phương pháp chăn nuôi, phòng bệnh hợp lý, trang trại của Cương nhanh chóng đi vào ổn định và có lãi. Trại thường xuyên duy trì nuôi 15-17 con lợn nái Mán và lợn rừng giống, hằng năm xuất ra thị trường trên 160 con lợn thịt, sản lượng đạt xấp xỉ 3 tấn thịt/năm. Khách hàng quen thuộc của anh là 2 siêu thị Big C Nam Định và Big C Ninh Bình. Ngoài ra trang trại của gia đình anh còn nhận được nhiều đơn đặt hàng của khách lẻ, các nhà hàng trong và ngoài huyện, thu nhập từ lợn ước tính đạt khoảng 300 triệu đồng/năm. Từ nguồn thu nhập này, gia đình anh có thêm nguồn vốn để đầu tư nuôi các cây, con khác. Cụ thể, Cương nuôi thêm gà ta thả vườn lấy trứng và thịt. Hiện trang trại của gia đình anh có trên 100 con gà ta, hằng năm cho thu nhập thêm khoảng 10 triệu đồng. Ngoài ra, trên diện tích đất sẵn có, anh còn trồng thêm các cây ăn quả như bưởi Diễn, cau lấy quả, chuối tây, khoai lấy ngó để tăng thêm thu nhập. Từ năm 2014, các cây ăn quả và rau trong vườn đều đặn cho thu hoạch từ 30-40 triệu đồng/năm. Khi trang trại lợn Mán, lợn rừng và vườn cây ăn quả đi vào ổn định, Cương quyết tâm mở rộng trang trại. Theo đó, cuối năm 2015, gia đình anh nhận thầu thêm diện tích đất công ích của xã để phát triển kinh tế, mở rộng mô hình. Đến nay diện tích trang trại của Nguyễn Tất Cương rộng 2,6ha. Để khai thác hết hiệu quả diện tích đất thầu, đầu năm 2016, Cương đầu tư 350 triệu đồng để cải tạo, đắp bờ bao khoảnh, xây hệ thống đường điện, máy sục khí tạo ô xy để nuôi cá. Hiện, trang trại có 1 ao nuôi cá giống và 3 ao nuôi cá thịt. Các loại cá mà Cương nuôi gồm: trắm, trôi, mè, chép. Cuối năm 2016, trang trại thu trên 5 tấn cá các loại, doanh thu trên 200 triệu đồng. Sau khi trừ chi phí, Cương lãi xấp xỉ 80 triệu đồng. Trên diện tích bờ bao quanh trang trại, Cương trồng thêm 400 cây bưởi Diễn, vải, na, mít dai đường và gần 600 gốc chuối tây. Anh còn trồng hàng nghìn mét vuông cỏ voi làm nguồn thức ăn bổ sung thường xuyên cho cá, giảm chi phí mua cám. Năm 2016, tổng doanh thu trang trại đạt xấp xỉ 600 triệu đồng. Trong đó lợn Mán, lợn rừng thu được 300 triệu đồng, cá thu về trên 200 triệu đồng, còn lại là nguồn thu từ cây ăn quả, chuối, hoa màu, gà ta... Trừ chi phí, lợi nhuận đạt gần 250 triệu đồng/năm. Trên đà “thắng lợi”, năm 2017 cũng là một mùa vụ nuôi trồng thành công của ông chủ trang trại có tuổi đời còn khá trẻ. Ước tính năm 2017, tổng thu của trang trại đạt trên 700 triệu đồng, trừ chi phí anh Cương thu lãi gần 300 triệu đồng, tạo việc làm thường xuyên cho 4 người trong gia đình, 6-7 lao động thời vụ tại địa phương với mức tiền công 180-200 nghìn đồng/ngày.
Không chỉ chăn nuôi thành công, là một người trẻ năng động, nhạy bén, vợ chồng anh Cương còn nhận cung cấp một số đặc sản như măng nứa, măng vầu, gà đồi, lợn rừng… của các tỉnh Thanh Hóa, Hòa Bình cho nhiều đầu mối trong cả nước. Hằng năm nguồn thu từ kinh doanh các mặt hàng trên đạt xấp xỉ 100 triệu đồng, góp phần nâng cao thu nhập, ổn định cuộc sống cho gia đình anh. Mặc dù vậy với sự năng động của tuổi trẻ, Nguyễn Tất Cương còn rất nhiều dự định mới trên trang trại. Cương chia sẻ: “Thời gian tới tôi muốn đưa nhiều cây, con mới về nuôi trồng. Trước mắt, trong năm nay tôi sẽ triển khai nuôi nhím thương phẩm và cầy hương. Tôi đã nuôi thử nghiệm với số lượng nhỏ, kết quả đạt được rất khả quan. Tôi cũng đang nuôi thêm tôm đồng trên diện tích đất 2 lúa. Mục tiêu của gia đình là mỗi năm trang trại thu lãi từ 500-700 triệu đồng/năm”.
Trước thực trạng nông dân bỏ ruộng ngày càng nhiều, thanh niên nông thôn đi làm ăn xa ngày càng tăng, mô hình trang trại VAC tổng hợp của anh Nguyễn Tất Cương là giải pháp giúp nhiều thanh niên tìm được hướng đi mới. Năng động, dám nghĩ, dám làm, anh Cương giờ đã là “triệu phú trẻ” làm giàu ngay trên chính đồng đất quê hương. Sẵn sàng chia sẻ kinh nghiệm xây dựng trang trại, nuôi trồng, trang trại của Cương là “địa chỉ” tin cậy cho nhiều người trẻ đến học hỏi, tham quan mô hình. Là Bí thư Đoàn Thanh niên xã, cũng đã có những thời điểm khởi nghiệp khó khăn, anh Cương hiểu rất rõ những vướng mắc mà nhiều thanh niên nông thôn đang gặp phải khi muốn phát triển kinh tế, làm giàu. Do đó, “thủ lĩnh” trẻ luôn tranh thủ sự quan tâm của cấp ủy, chính quyền đối với thanh niên, tạo mọi điều kiện cho đoàn viên thanh niên được tiếp cận các nguồn vốn, tham gia các lớp tập huấn chuyển giao khoa học kỹ thuật trong trồng trọt, chăn nuôi; khuyến khích, ủng hộ các mô hình kinh tế mới của tuổi trẻ… Theo anh Cương có như vậy mới nâng cao năng lực hoạt động của tổ chức Đoàn, đẩy mạnh công tác tập hợp, đoàn kết thanh niên, giúp những người trẻ không phải “ly hương”./.
Bài và ảnh: Hoa Xuân