Tích cực phòng trừ bệnh lùn sọc đen bảo vệ lúa mùa

07:08, 26/08/2017

Theo báo cáo của Chi cục Trồng trọt và BVTV, bệnh lùn sọc đen hại lúa đã phát sinh gây hại rải rác tại nhiều địa phương trong tỉnh. Diện tích nhiễm bệnh nặng chủ yếu ở các huyện ven biển, tỷ lệ bệnh nơi cao 3-5%, cá biệt trên 10% như ở các xã: Hoành Sơn, Giao Hà, Giao Yến, Giao Long, Giao Lạc (Giao Thủy); Hải Đông, Hải Anh, Hải Nam (Hải Hậu); Nghĩa Phú, Nghĩa Hùng (Nghĩa Hưng); Xuân Phong (Xuân Trường); Liên Bảo (Vụ Bản)... Môi giới truyền bệnh là rầy lưng trắng. Đến nay, toàn tỉnh đã có 130ha lúa nhiễm bệnh, trên 8.000ha xuất hiện rải rác (tỷ lệ bệnh dưới 2,5% diện tích) bệnh lùn sọc đen. Hiện bệnh có xu hướng tiếp tục phát sinh gây hại trên diện rộng do rầy lứa 5 còn nở rộ đến ngày 3-9-2017. Đây là loại bệnh rất nguy hiểm, đã làm mất trắng 8.100ha lúa trong vụ mùa 2009; hiện nay vẫn chưa có thuốc đặc trị. Muốn hạn chế tác hại của bệnh phải thực hiện tốt việc phòng bệnh. Do vậy, trong thời gian qua, tỉnh đã chỉ đạo các địa phương tập trung thực hiện các biện pháp phòng trừ bệnh lùn sọc đen hại lúa, bảo vệ sản xuất vụ mùa 2017.

TS. Ngô Vĩnh Viễn - nguyên Viện trưởng Viện BVTV (bên trái) kiểm tra mẫu lúa tại xã Hoành Sơn (Giao Thủy).
TS. Ngô Vĩnh Viễn - nguyên Viện trưởng Viện BVTV (bên trái) kiểm tra mẫu lúa tại xã Hoành Sơn (Giao Thủy).

Bà Nguyễn Thị Yến, xóm 3, xã Hoành Sơn (Giao Thủy) cho biết: phát hiện bệnh lùn sọc đen xuất hiện từ ngày 9-8 trong giai đoạn lúa đang đẻ nhánh trên tất cả các giống lúa. Cây lúa nhiễm bệnh lùn hơn những cây còn lại, thân cứng, rễ đen. “Nhà tôi có một ít diện tích bị nhiễm nhẹ, tôi đã tiêu hủy ngay những cây bị bệnh. Hiện đang tích cực phun trừ rầy lưng trắng theo hướng dẫn của cán bộ kỹ thuật và chính quyền địa phương”. Đồng chí Đặng Xuân Đoài, Chủ tịch UBND xã Hoành Sơn cho biết thêm, bệnh lùn sọc đen trên lúa xuất hiện rải rác ở tất cả các xóm trong xã, trong đó bị nhiễm nặng nhất tại ruộng của các xóm 3 và xóm 13. Xã đã tuyên truyền, vận động bà con nông dân ngay khi phát hiện thì nhổ và vùi những cây bị bệnh, vệ sinh kênh mương; những diện tích còn lại đang tiếp tục theo dõi để có phương án xử lý kịp thời. Giao Thủy là huyện có diện tích nhiễm lùn sọc đen lớn nhất tỉnh với 100ha nhiễm từ 2,5-5% khóm và 3.500ha xuất hiện rải rác. Đồng chí Phan Văn Trực, Trưởng Phòng NN và PTNT huyện cho biết: Ngay từ đầu vụ, mật độ rầy lưng trắng cao bất thường, gấp 4-5 lần so với trung bình nhiều năm. Huyện đã có công văn chỉ đạo các xã, thị trấn thực hiện ngay các biện pháp phòng trừ bệnh lùn sọc đen hại lúa. Cùng với đó, huyện đã thành lập đoàn công tác đi kiểm tra, đôn đốc thực hiện tốt công tác tuyên truyền, hướng dẫn để nông dân hiểu rõ được mức độ nguy hại của bệnh lùn sọc đen và thực hiện phòng trừ mang tính cộng đồng, tránh tư tưởng chủ quan tại các địa phương trong huyện. Đến chiều ngày 22-8, huyện tổ chức họp lãnh đạo các xã, thị trấn để chỉ đạo đôn đốc phòng trừ bệnh lùn sọc đen và sâu cuốn lá cao điểm đợt 2. Đến nay huyện đã hoàn thành phun phòng trừ rầy lưng trắng lứa 4 cho 4.000ha lúa và đang thực hiện phun trừ rầy lưng trắng lứa 5.

Để chủ động phòng ngừa bệnh lùn sọc đen phát sinh thành dịch, UBND tỉnh yêu cầu Sở NN và PTNT tăng cường phối hợp với các cơ quan chuyên ngành của Bộ NN và PTNT để nắm bắt và kịp thời hướng dẫn các biện pháp kỹ thuật phòng trừ rầy, quản lý bệnh lùn sọc đen hiệu quả. Trước nguy cơ bùng phát bệnh lùn sọc đen cao, Sở NN và PTNT chỉ đạo Chi cục Trồng trọt và BVTV phân công cán bộ, kỹ sư tăng cường phối hợp với Ban Nông nghiệp các địa phương kiểm tra thực tế trên đồng ruộng, phát hiện kịp thời các diện tích lúa nhiễm bệnh, theo dõi diễn biến dịch bệnh để đưa ra các biện pháp khoanh vùng, phòng trừ phù hợp. Trong 2 ngày 9-8 và 18-8, Chi cục Trồng trọt và BVTV đã mời TS. Ngô Vĩnh Viễn - nguyên Viện trưởng Viện BVTV (Bộ NN và PTNT) - chuyên gia đầu ngành về bệnh lùn sọc đen cùng điều tra, phát hiện những diện tích lúa nhiễm bệnh lùn sọc đen tại xã Hoành Sơn (Giao Thủy) và Hải Đông (Hải Hậu). Qua kiểm tra, đánh giá, Chi cục Trồng trọt và BVTV khuyến cáo, hướng dẫn nông dân thường xuyên tổng kiểm tra đồng ruộng kết hợp theo dõi bẫy đèn để dự báo mật độ rầy lưng trắng (là môi giới truyền bệnh lùn sọc đen), phân tích mẫu lúa, rầy, phát hiện sớm và thực hiện kịp thời các biện pháp phòng trừ bệnh lùn sọc đen. Cũng trong thời gian qua, các huyện, thành phố chỉ đạo các cơ quan chuyên môn và các xã, thị trấn thường xuyên kiểm tra, giám sát đồng ruộng; theo dõi chặt chẽ diễn biến phát triển của rầy lưng trắng và bệnh lùn sọc đen trên địa bàn, chỉ đạo quyết liệt tổ chức các đợt phun trừ rầy lưng trắng. Đến nay, toàn tỉnh đã phun trừ 37.155ha (đạt 100% diện tích cần phun trừ) rầy lưng trắng lứa 4, phun trừ 3.250ha rầy lưng trắng lứa 5 (đạt 26% diện tích). Trên đồng ruộng đã cơ bản “sạch” rầy. Đặc biệt, các địa phương đã thực hiện tốt công tác tuyên truyền hướng dẫn kỹ thuật để nông dân nhổ vùi cây bệnh tiêu diệt nguồn bệnh, hạn chế lây lan, phát tán bệnh; tổng diện tích đã nhổ vùi được trên 3.000ha lúa bị bệnh lùn sọc đen. Đồng chí Trần Ngọc Chính, Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và BTVT cho biết: Đến thời điểm này, bệnh lùn sọc đen dễ phát hiện hơn thời điểm trước bởi lúa ở giai đoạn này đang sinh trưởng, phát triển mạnh; lóng, đốt phát triển nhanh nên những cây bị bệnh thường thấp lùn hẳn đi. Trên đồng ruộng có khóm bị bệnh 1/4-1/2 số dảnh. Cùng với nguồn bệnh sẵn có trên đồng ruộng, trong thời gian tới thời tiết nắng nóng, oi bức xen kẽ với mưa rào, mưa giông sẽ tạo điều kiện cho rầy lưng trắng lứa 5 nở rộ; vì vậy tiềm ẩn nguy cơ cao phát sinh và gây hại của bệnh lùn sọc đen trên diện rộng trong vụ mùa năm nay. Do vậy các địa phương cần tiếp tục tổ chức tốt đợt phun trừ rầy lứa 5 từ ngày 20-8 đến 3-9 ở những diện tích lúa có mật độ rầy từ 20 con/khóm trở lên. Đặc biệt, chú ý coi trọng phun trừ rầy cho những diện tích lúa bị ngập úng phải gieo cấy lại (17 nghìn ha) ở các huyện Nam Trực, Nghĩa Hưng, Trực Ninh, Ý Yên… để bảo vệ lúa non đến hết giai đoạn làm đòng, là giai đoạn rất mẫn cảm với bệnh lùn sọc đen và ảnh hưởng lớn tới năng suất lúa. Khẩn trương hoàn thành chăm sóc lúa mùa đảm bảo cân đối dinh dưỡng, tạo điều kiện cho lúa sinh trưởng, phát triển tốt, tăng sức đề kháng đối với bệnh lùn sọc đen và bệnh bạc lá lúa. Chú ý không bón dư thừa phân đạm, không bón đạm nuôi đòng, nuôi hạt vì mưa lớn sẽ bổ sung nhiều lượng đạm cho cây. Khi phát hiện thấy cây lúa nhiễm bệnh cần nhổ, vùi cây bệnh ngay để diệt nguồn bệnh, cấy dặm bằng cây lúa khỏe đồng thời phun thuốc trừ rầy để tránh phát tán nguồn bệnh, giảm tới mức thấp nhất thiệt hại do bệnh lùn sọc đen…

Hiện tại, bệnh lùn sọc đen ở tỉnh ta vẫn nằm trong khả năng khống chế, chưa đến mức phải công bố dịch. Tuy nhiên, các huyện khu vực phía bắc tỉnh hiện nay cũng đã xuất hiện bệnh rải rác nhưng nhiều nông dân vẫn chưa nắm bắt được đầy đủ thông tin về nguy cơ, mức độ nguy hại và kỹ thuật phòng trừ bệnh lùn sọc đen. Điều này cho thấy công tác tuyên truyền, thông báo, dự thính, dự báo và hướng dẫn, khuyến cáo về việc phòng trừ bệnh lùn sọc đen của chính quyền một số địa phương vẫn còn hạn chế. Nếu không khắc phục ngay thì công tác phòng trừ bệnh lùn sọc đen sẽ gặp nhiều khó khăn và không kịp trở tay khi bệnh diễn biến phức tạp, thiệt hại sẽ rất khó lường. Do vậy các địa phương cần tăng cường cán bộ kỹ thuật bám sát cơ sở, tuyên truyền và hướng dẫn nông dân lựa chọn đúng thuốc tốt, tranh thủ thời tiết thuận lợi phun thuốc trừ rầy kịp thời, đúng nồng độ, kỹ thuật theo hướng dẫn của cơ quan chuyên ngành. Bên cạnh đó, tăng cường kiểm tra thị trường kinh doanh thuốc BVTV, phát hiện kịp thời và xử lý nghiêm các trường hợp bán và hướng dẫn thuốc không đúng, thuốc kém chất lượng…

Bài và ảnh: Ngọc Ánh



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com