Theo báo cáo của Sở NN và PTNT, bệnh lùn sọc đen đã xuất hiện rải rác ở các xã ven biển như: Hải Đông, Hải Nam, Hải Anh (Hải Hậu); Giao Hương, Giao Lạc, Hoành Sơn, Hồng Thuận (Giao Thủy); Nghĩa Hùng, Nghĩa Hải (Nghĩa Hưng); Xuân Phong (Xuân Trường)… nơi cao tỷ lệ bệnh 1-2%. Bệnh lùn sọc đen do vi-rút gây nên, môi giới truyền bệnh là rầy lưng trắng. Bệnh biểu hiện rõ nhất trong giai đoạn lúa làm đòng đến trỗ bông và có khả năng gây thiệt hại rất lớn cho sản xuất (như vụ mùa năm 2009). Vụ mùa năm nay bệnh lùn sọc đen có nguy cơ phát sinh thành dịch do ngay từ đầu vụ mật độ rầy lưng trắng cao bất thường, cao gấp 4-5 lần so với trung bình nhiều năm.
Để chủ động phòng ngừa bệnh lùn sọc đen phát sinh thành dịch, ngày 10-8-2017 UBND tỉnh đã ban hành Công văn số 665/UBND-VP3 chỉ đạo Sở NN và PTNT, UBND các huyện, thành phố và các sở, ngành liên quan tập trung thực hiện các biện pháp phòng bệnh bảo vệ lúa mùa. Theo đó yêu cầu Sở NN và PTNT tăng cường phối hợp với các cơ quan chuyên ngành của Bộ NN và PTNT để kịp thời hướng dẫn các biện pháp kỹ thuật phòng trừ rầy, quản lý bệnh lùn sọc đen hiệu quả. Chủ trì, phối hợp với Công an tỉnh và các ngành chức năng kiểm tra, chấn chỉnh hoạt động kinh doanh thuốc BVTV; xử lý nghiêm các tổ chức, cá nhân kinh doanh thuốc giả, thuốc kém phẩm chất, không đúng chủng loại hoặc lợi dụng tăng giá, tự ý tuyên truyền sử dụng các loại thuốc BVTV không đúng với hướng dẫn của cơ quan chuyên ngành, nhất là thuốc trừ rầy. UBND các huyện, thành phố khẩn trương chỉ đạo hoàn thành chăm sóc lúa mùa, đảm bảo cân đối dinh dưỡng nhằm tạo điều kiện cho lúa sinh trưởng, phát triển tốt, tăng khả năng đề kháng bệnh lùn sọc đen. Chỉ đạo các cơ quan chuyên môn và các xã, thị trấn thường xuyên kiểm tra, giám sát đồng ruộng; theo dõi chặt chẽ diễn biến của rầy lưng trắng và bệnh lùn sọc đen trên địa bàn. Phát động, tổ chức các đợt phun thuốc trừ rầy trên địa bàn theo hướng dẫn của Sở NN và PTNT. Phối hợp với các ngành chức năng tăng cường kiểm tra, xử lý các vi phạm trong kinh doanh thuốc BVTV trên địa bàn quản lý. Kịp thời báo cáo diễn biến dịch bệnh và kết quả chỉ đạo phòng trừ rầy về UBND tỉnh qua Sở NN và PTNT. Sở Công thương chỉ đạo Chi cục Quản lý thị trường phối hợp với các ngành chức năng và các huyện, thành phố tăng cường quản lý hoạt động kinh doanh thuốc BVTV; kiên quyết xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm.
Ảnh minh hoạ/ Internet |
* Bệnh lùn sọc đen là bệnh nguy hiểm, tác nhân gây bệnh lùn sọc đen hại lúa là vi-rút lùn sọc đen phương Nam. Môi giới truyền bệnh là rầy lưng trắng bao gồm cả rầy non và rầy trưởng thành đều truyền bệnh. Rầy sau khi nhiễm vi-rút có thể truyền bệnh đến khi chết. Bệnh lan truyền từ cây lúa bị bệnh sang cây khoẻ, từ vùng bị bệnh sang vùng chưa có bệnh nhờ sự di chuyển, phát tán của rầy lưng trắng. Bệnh có thể tồn tại trên lúa chét của cây bệnh trước đó, trên ngô, trên cỏ dại như cỏ lồng vực, cỏ chác, đuôi phụng và là nguồn chứa vi-rút để rầy truyền sang hại lúa. Triệu chứng bệnh lùn sọc đen là ở giai đoạn cây non lúa bị bệnh cứng và thấp lùn, lá ngắn, xanh đậm; rễ cứng và ngắn; lá lúa có thể xoắn ở đầu lá hoặc toàn bộ lá, một số lá bị rách hình chữ V, gân chính trên bẹ lá cũng bị sưng phồng. Từ giai đoạn làm đòng và khi lúa có lóng cây bị bệnh thường nảy chồi trên đốt thân và mọc nhiều rễ bất định, rễ mọc ngược. Trên bẹ và lóng thân xuất hiện nhiều u sáp, mới đầu màu trắng sau chuyển sang sọc đen. Cây lúa bị bệnh nặng không trỗ bông được hoặc trỗ bông không thoát và hạt thường bị đen. Hiện nay, bệnh lùn sọc đen chưa có thuốc đặc trị. Muốn hạn chế tác hại của bệnh phải thực hiện tốt việc phòng bệnh.
Để chủ động phòng trừ bệnh, theo Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh bà con nông dân cần thực hiện tốt các biện pháp phòng bệnh. Vệ sinh đồng ruộng như diệt lúa chét, lúa tái sinh, dọn sạch cỏ bờ ruộng, mương dẫn nước, đốt tàn dư thực vật mang nguồn bệnh. Sử dụng giống kháng hoặc ít nhiễm rầy, cấy mật độ hợp lý, cấy nhỏ dảnh, bón phân cân đối, đặc biệt không bón thừa đạm, áp dụng biện pháp canh tác lúa cải tiến (SRI) tăng khả năng chống chịu của cây lúa. Bố trí mùa vụ hợp lý, không để thời vụ ngô giao với lúa mùa để cắt cầu nối truyền bệnh và đủ thời gian để vệ sinh đồng ruộng. Cần thực hiện tốt biện pháp trừ bệnh ngay khi lúa xuất hiện bệnh. Ở giai đoạn từ khi gieo cấy - đứng cái cần nhổ, vùi những cây lúa bị bệnh, cấy dặm cây lúa khỏe. Phun trừ rầy bằng các thuốc nội hấp trên ruộng bị bệnh và những ruộng xung quanh trước khi nhổ vùi tránh phát tán nguồn bệnh, sau khi thu hoạch lúa ở ruộng bị bệnh tiến hành cày vùi để diệt nguồn bệnh. Giai đoạn từ phân hóa đòng trở đi nhổ vùi những cây lúa bị bệnh. Thường xuyên quan sát kỹ ruộng bị bệnh lùn sọc đen để phát hiện rầy lưng trắng khi có mật độ 20 con/khóm trở lên bằng các loại thuốc: Nhóm Imidacloprid (Sectox 100WP, Midan 10WP, Vicondor 50EC, Actador 100 WP…), nhóm Thiamethoxam (Actara 25WG, Wofara 300WG, Onera 300WG...), nhóm Pymetrozine (Cheesapc 500WG, Topchest 500WP, Chersieu 75WG...), nhóm Buprofezin (Apta 300WP, Anproud 70W, Cytoc 250WP, Tiksun 250WP, Gold Tress 10WP…). Tăng cường chăm sóc để cây lúa mau chóng phục hồi, tăng sức đề kháng với bệnh. Thường xuyên theo dõi diễn biến của bệnh để có biện pháp xử lý kịp thời.
Phải thực hiện tiêu hủy cả ruộng lúa bị bệnh khi ruộng không còn khả năng cho năng suất (nhiễm nặng, khó phục hồi được) bằng cách cày vùi. Trước khi tiêu hủy phải phun trừ rầy bằng loại thuốc tiếp xúc, tránh phát tán rầy mang mầm bệnh sang nơi khác. Sau khi tiêu hủy tiến hành trồng cây khác (trừ cây ngô) thay lúa nếu điều kiện cho phép./.
Ngọc Ánh