Hiện nay thời tiết đang bước vào cao điểm của mùa mưa bão, nắng nóng bất thường đã ảnh hưởng lớn tới sức đề kháng của gia súc, gia cầm, đồng thời chăn nuôi vẫn còn gặp rất nhiều khó khăn nên nhiều hộ gia đình và cơ sở chăn nuôi không chú ý chăm sóc tốt đàn vật nuôi, không tiêm vắc-xin phòng các bệnh truyền nhiễm nguy hiểm, không thực hiện tốt công tác vệ sinh chăn nuôi… vì vậy nguy cơ bùng phát dịch bệnh trên đàn gia súc, gia cầm thời gian tới là rất cao.
Để tăng cường công tác quản lý và bảo vệ đàn gia súc, gia cầm trong mùa mưa bão, Sở NN và PTNT đề nghị UBND các huyện, thành phố, các sở, ngành liên quan đẩy mạnh công tác thông tin tuyên truyền tới toàn thể nhân dân, nhất là người chăn nuôi về nguy cơ bùng phát dịch bệnh truyền nhiễm nguy hiểm trên gia súc, gia cầm như: cúm gia cầm, lở mồm long móng gia súc, tai xanh ở lợn… Nếu người chăn nuôi phát hiện dấu hiệu nghi ngờ về dịch bệnh trên gia súc, gia cầm phải báo ngay cho chính quyền địa phương, trạm Chăn nuôi và Thú y; không buôn bán, vận chuyển, giết mổ, tiêu thụ gia súc, gia cầm mắc bệnh, chết; không vứt xác gia súc, gia cầm ốm, chết ra môi trường. Hướng dẫn các hộ chăn nuôi thực hiện chăn nuôi an toàn sinh học; chuồng trại phải cao ráo, thoáng mát, không bị ngập nước; thường xuyên kiểm tra và gia cố mái che chắc chắn để tránh bão gió làm tốc mái; khi bị ảnh hưởng của thiên tai cần nhanh chóng sửa chữa chuồng trại để khôi phục sản xuất; chăm sóc, nuôi dưỡng tốt đàn vật nuôi, bổ sung các loại vitamin, khoáng chất vào khẩu phần ăn; thường xuyên vệ sinh sạch sẽ khu vực chăn nuôi, rắc vôi bột lối đi và xung quanh khu vực chăn nuôi, định kỳ phun thuốc sát trùng từ 1-2 lần/tuần. Tổ chức quản lý chặt chẽ tình hình chăn nuôi, kiểm tra, giám sát tình hình dịch bệnh đến tận hộ chăn nuôi. Khi xảy ra dịch các địa phương phải tập trung chỉ đạo thực hiện đồng bộ, hiệu quả các biện pháp phòng, chống dịch để nhanh chóng bao vây, dập dịch không để dịch lây lan ra diện rộng. Vận động các hộ chăn nuôi thực hiện tiêm phòng đầy đủ, đúng quy trình các loại vắc-xin cho đàn vật nuôi, đặc biệt là vắc-xin cúm gia cầm cho đàn vịt, vì vậy các địa phương phải thống kê và yêu cầu các hộ chăn nuôi chủ động mua vắc-xin cúm tiêm phòng triệt để cho đàn vịt khỏe mạnh từ 14 ngày tuổi trở lên. Thực hiện nghiêm túc quy trình kiểm dịch động vật, sản phẩm động vật theo đúng quy định của pháp luật, tạo điều kiện thuận lợi để lưu thông sản phẩm chăn nuôi; kiểm soát chặt chẽ việc vận chuyển động vật, sản phẩm động vật ra, vào địa bàn không để dịch bệnh phát sinh, lây lan; quản lý, ký cam kết với các hộ kinh doanh không giết mổ, sơ chế, chế biến động vật, sản phẩm động vật bị ốm, chết làm thực phẩm. Tăng cường thanh tra, kiểm tra, xử lý các hành vi vi phạm trong lĩnh vực chăn nuôi thú y và vệ sinh an toàn thực phẩm. Thực hiện công khai danh sách, địa chỉ và các cơ sở vi phạm trên các phương tiện thông tin để người tiêu dùng biết và tránh mua phải thịt từ động vật chết, mắc bệnh, không đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm./.
PV