Xuân này, trong niềm vui đón xuân mới, người dân Yên Cường (Ý Yên) còn có niềm vui lớn khi được gặt hái thành quả bước đầu của mô hình kinh tế mà Đảng ủy, Ủy ban nhân dân xã đã chủ trương lựa chọn. Đó là tập trung ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật theo công nghệ Nhật Bản trong sản xuất nông nghiệp.
I- Những mô hình sản xuất theo công nghệ Nhật
Vốn là xã thuần nông, người dân Yên Cường có trình độ thâm canh cao. Không những thế, nông dân miền quê này còn có tiếng về sự năng động, luôn mạnh dạn tìm tòi tạo bước đột phá mới trong sản xuất. Đó là những căn cứ để Yên Cường được UBND tỉnh chọn quy hoạch làm điểm vùng ứng dụng sản xuất nông nghiệp công nghệ cao của tỉnh, tạo cơ hội để khắc phục những hạn chế bấy lâu như sản xuất manh mún do người dân trồng cấy tự do làm đồng đất ngày càng bị thoái hóa do khai thác triệt để, sử dụng quá nhiều phân hóa học trong quá trình canh tác… Đầu năm 2016, theo chương trình hợp tác đã được lãnh đạo tỉnh khởi sự ký kết trước đó, đoàn công tác của tỉnh Mi-a-gia-ki (Nhật Bản) về tận nơi tham quan đồng đất, trao đổi với bà con tìm hiểu tập quán sản xuất tại địa phương, nêu cách làm nông nghiệp của người Nhật Bản, chỉ ra những hạn chế trong sản xuất nông nghiệp ở địa phương và biện pháp khắc phục để đạt mục tiêu sản xuất nông nghiệp hữu cơ, tiến tới ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất nông nghiệp. Sau nhiều lần trực tiếp nghe các chuyên gia Nhật Bản nói chuyện sản xuất, người dân đã nhận thức rõ vòng luẩn quẩn cản trở tăng trưởng sản xuất của mình là khai thác đất nhưng không bổ sung dinh dưỡng khiến đất bạc màu, đất thiếu dinh dưỡng nên phải sử dụng phân hóa học kích thích cây cối sinh trưởng khiến cây trồng non yếu dễ bị sâu bệnh, rồi phải dùng thuốc hóa học để trừ sâu làm sản phẩm nhiễm hóa chất, không đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm, gây hại cho sức khỏe con người, đất đai thêm chai cứng. Nếu cứ tiếp tục sản xuất theo cách này chỉ mươi năm nữa hàng trăm ha đất màu mỡ phì nhiêu sẽ không thể canh tác được. Tháng 8-2016, Chủ tịch UBND xã Yên Cường được tham gia đoàn công tác của tỉnh sang Mi-a-gia-ki tham quan cách làm nông nghiệp. Trở về sau chuyến đi, quyết tâm phải chuyển đổi phương thức sản xuất của Chủ tịch UBND xã càng trở nên quyết liệt và cấp bách hơn bao giờ hết. Niềm hy vọng về cách thức làm ăn mới nhen nhóm từ sau những buổi gặp gỡ chuyên gia Nhật Bản trước đó trong những người nông dân Yên Cường càng được củng cố với những thông tin từ chính Chủ tịch xã. Mong ước của người dân đã từng bước thành hiện thực khi UBND tỉnh quyết định cho xã triển khai mô hình sản xuất phân hữu cơ phục vụ sản xuất nông nghiệp với sự hỗ trợ của các chuyên gia Nhật Bản. Đến tháng 10-2016, dự án được triển khai trên quy mô toàn xã với sự hưởng ứng tích cực của chính quyền, các tổ chức hội đoàn thể, cơ quan, đơn vị sự nghiệp, HTX dịch vụ nông nghiệp và người dân thực hiện sản xuất phân bón hữu cơ để sử dụng trong canh tác, trả lại độ phì cho đất đai với công nghệ do các chuyên gia Nhật Bản chuyển giao. Triển khai dự án, xã tiến hành điều tra hiện trạng sử dụng đất, lượng chất thải nông nghiệp, chất thải sinh hoạt trong nhân dân để tính toán quy mô sản xuất hợp lý nhất. Khu bãi chôn lấp rác thải sinh hoạt bấy lâu nay được quy hoạch gọn lại, xây dựng nhà xưởng với đầy đủ thiết bị hỗ trợ. Hơn 200 thùng rác bằng nhựa tổng hợp được đặt ngay ngắn tại các dong ngõ, chợ dân sinh và các khu sinh hoạt cộng đồng, một hình ảnh không khác gì ở các đường phố trong đô thị văn minh hiện đại. Tổng kinh phí đầu tư lên đến 1,3 tỷ đồng. Các đơn vị sự nghiệp, các tổ chức đoàn thể chủ động xây dựng kế hoạch, nội dung tổ chức tuyên truyền hợp lý, giúp người dân hiểu rõ quy trình sản xuất phân hữu cơ cũng như lợi ích đối với sản xuất và môi trường sống lâu dài để tự nguyện tham gia thực hiện dự án. Theo đó rác thải sinh hoạt được người dân phân loại ngay từ mỗi hộ gia đình; phụ phẩm, phế thải của sản xuất nông nghiệp như phân lợn, trâu, bò, gà; rơm rạ, thân, vỏ, lõi cây ngô, lạc, đậu đỗ, bèo tây, thân lá rau màu… được nhân viên vệ sinh của xã thu gom theo định kỳ để làm nguyên liệu sản xuất phân hữu cơ. Các phế thải này được ủ theo kỹ thuật mới có sử dụng các chế phẩm chứa một số chủng vi sinh phân giải chất hữu cơ. Kỹ thuật này sẽ rút ngắn thời gian ủ xuống còn 1-2 tháng so với cách làm truyền thống (khoảng 5 tháng), ngoài ra còn hạn chế lượng dinh dưỡng bị trôi mất trong quá trình ủ, tăng hàm lượng dinh dưỡng dễ tiêu (chủ yếu là kali và lân dễ tiêu), hạn chế vi sinh vật gây bệnh (E.coli, Salmonella, Vibrio). Phân bón hữu cơ thành phẩm còn được nghiên cứu phân loại mục đích bón cho từng đối tượng cây trồng để bổ sung thêm một số chủng vi sinh vật đã được phân lập và tuyển chọn kỹ như phân giải lân, cố định nitơ, sinh các chất kích thích sinh trưởng thực vật… giúp tăng cường khả năng hấp thu dinh dưỡng và khả năng kháng bệnh của cây trồng. Theo tính toán, mỗi năm lượng phụ phẩm nông nghiệp và phân gia súc, gia cầm của các hộ dân trên địa bàn sẽ sản xuất được 1.200 tấn phân hữu cơ, phục vụ cho sản xuất. Mô hình sản xuất này trực tiếp tạo việc làm ổn định cho 12 lao động, tiết kiệm chi phí mua phân bón cho cây trồng của nông dân, và quan trọng hơn là khi sử dụng cho sản xuất đã bổ sung cho đất lượng dưỡng chất hữu cơ quý. Quá trình thực hiện mô hình đã từng bước làm chuyển biến nhận thức của người dân trong việc tận dụng sản phẩm phụ của nông nghiệp để tái sử dụng, ngăn chặn tình trạng đốt rơm rạ, xả thải gây ô nhiễm môi trường trong quá trình sản xuất, từng bước đưa việc bảo vệ môi trường trong đời sống sinh hoạt và sản xuất vào nền nếp. Đây thực sự là cuộc "cách mạng" trong sản xuất nông nghiệp trên đồng đất Yên Cường bởi theo các chuyên gia nông nghiệp thì để xây dựng một nền nông nghiệp sạch, nông nghiệp hữu cơ thì nhất thiết phải bắt đầu từ sản xuất và sử dụng phân hữu cơ làm cho đất tơi xốp, đủ dưỡng chất mới tránh được vòng luẩn quẩn của nền nông nghiệp phụ thuộc vào hóa chất khiến đất đai nhanh thoái hóa kèm theo vô số hệ lụy với đời sống xã hội, sức khỏe con người, nông sản làm ra không đủ tiêu chuẩn tham gia vào chuỗi tiêu thụ hiện đại, giá cả không ổn định.
Chăm sóc bò theo công nghệ Nhật Bản tại trang trại chăn nuôi của gia đình anh Nguyễn Văn Tiến, xã Yên Cường. |
Ngoài mô hình sản xuất phân hữu cơ theo công nghệ Nhật Bản, trên địa bàn xã Yên Cường cũng đã xuất hiện một số mô hình kinh tế nông nghiệp khác có ứng dụng công nghệ Nhật Bản được khởi sự bởi những thanh niên Yên Cường đi xuất khẩu lao động tại Nhật Bản trở về địa phương. Anh Nguyễn Văn Tiến, xóm 2 là chủ trang trại chăn nuôi bò thịt ứng dụng công nghệ Nhật Bản. Trang trại của anh đã áp dụng triệt để công nghệ Nhật Bản từ việc thiết kế chuồng trại, tự động hóa một số công đoạn chăm sóc và sử dụng chế độ ăn có bổ sung enzim sinh học. Trên diện tích 3ha trang trại được thiết kế bao gồm cả chuồng nuôi bò, khu đất trồng cỏ và khu vực chế biến thức ăn vi sinh cho đàn bò cùng các công trình phụ trợ khép kín. Các chuồng nuôi phân rõ theo độ tuổi của bò, mỗi con nhốt trong một ô riêng biệt nhưng vẫn sử dụng chung hệ thống cung ứng nước uống, thức ăn cũng như khu vực vệ sinh chung. Toàn bộ chất thải của bò được thải ra một vị trí cố định và có băng chuyền di chuyển ra khu vực thu gom để chế biến phân hữu cơ chung của xã. Riêng thức ăn của bò ngoài nguyên liệu chính là lúa mạch, trang trại còn tận dụng tối đa nguồn cỏ tươi trồng ngay tại trang trại và rơm rạ, thân cây ngô, lạc ủ cùng bã bia. Với cách làm này, trang trại chăn nuôi khoảng 200-300 con bò nhưng chỉ cần đến dăm nhân công làm cả công việc chế biến thức ăn, chăm sóc bò và vệ sinh trang trại. Chi phí mua thức ăn giảm đáng kể so với sử dụng thức ăn công nghiệp mà bò được tăng sức đề kháng và chất lượng thịt ngon hơn hẳn. Mô hình này đang được Sở NN và PTNT quan tâm đầu tư và khuyến khích nhân rộng. Ngoài mô hình kinh tế của anh Tiến, các bạn trẻ khác lại tận dụng kiến thức sau thời gian lao động tại Nhật Bản về làm phiên dịch tiếng Nhật hay tham gia giảng dạy tại các trung tâm văn hóa ngôn ngữ hoặc tổ chức lớp học tiếng Nhật tại quê nhà kết hợp chia sẻ kinh nghiệm thiết thực về văn hóa, phong cách làm việc của người Nhật cho những bạn trẻ muốn đi xuất khẩu lao động hay du học tại đây.
II- Khi ý Đảng hợp lòng dân
Những kết quả bước đầu của mô hình ứng dụng công nghệ Nhật Bản trong sản xuất nông nghiệp ở Yên Cường cho thấy những tín hiệu tích cực về sự nỗ lực, năng động đổi mới tư duy của nông dân nơi đây. Đây là kinh nghiệm tốt trong tiến trình nông nghiệp tỉnh nhà hội nhập mà UBND tỉnh, các ngành chức năng, đặc biệt là ngành NN và PTNT đang nỗ lực tạo dựng làm tiền đề tiến tới ứng dụng nông nghiệp công nghệ cao trên phạm vi toàn tỉnh. Giải thích về sự đột phá nhanh chóng này từ những nông dân chân lấm tay bùn, chủ trang trại chăn nuôi ứng dụng công nghệ Nhật Bản đến cán bộ lãnh đạo địa phương đều khẳng định công lớn của Chủ tịch UBND xã - người luôn đau đáu với ruộng đồng, sinh kế của nông dân hiện đại, người tiên phong và rất quyết liệt trong việc học tập cách làm của người Nhật để đổi mới sản xuất của địa phương. Nguyên nhân quan trọng nữa chính ở những nông dân Yên Cường cần cù, cực kỳ năng động, ham học hỏi nên rất thấu tình, đạt lý khi tiếp cận chủ trương của tỉnh, huyện và tâm huyết của lãnh đạo trực tiếp ở địa phương. Phương pháp làm việc của các chuyên gia Nhật Bản khi họ đã về tận thôn làng, cùng ăn, cùng ở, rồi nói chuyện, cầm tay chỉ việc với mong muốn nâng cao giá trị nông sản cho nông dân địa phương cũng giúp dự án nhanh chóng đi vào đời sống, thu hút người dân cố gắng khắc phục khó khăn để hoàn thành mục tiêu. Ông Hoàng Văn Mão, lão nông đã bước sang tuổi 80 cho biết: “Cả đời tôi gắn bó với sản xuất nông nghiệp nhưng đã rất lâu rồi đến nay mới thấy lại không khí lao động tập thể như xưa. Cả làng, cả xã, nhà nhà, người người nhất tâm thực hiện cho được kế hoạch thay đổi cách thức sản xuất. Cả xã đoàn kết nên nhà cửa, vườn tược, chuồng trại, đường, chợ sạch sẽ. không bẩn thỉu, ô nhiễm như xưa, lại có phân xanh bón ruộng, lúa tốt bời bời, quả là đáng quý. Biết kết hợp giữa yếu tố truyền thống và hiện đại trong sản xuất thế này, không chỉ lợi về mặt kinh tế mà tình đoàn kết xóm làng lại được củng cố. Tôi già rồi, tưởng không giúp gì được trong việc này, vậy mà tôi cũng phải nhắc mình nhớ phân loại rác ngay trong gia đình để các cháu thu gom cho tiện”. Tâm sự của cụ Mão cũng là niềm tin của lớp người cao niên trong xã về việc làm nông nghiệp của lớp cháu con ngày nay và ngày ngày động viên cháu con thực hiện cho thành công. Chính nhờ thế, mục tiêu thay đổi phương thức sản xuất bắt đầu từ sản xuất phân hữu cơ đã nhanh chóng được triển khai với sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị và hơn 2.500 hộ dân trong xã. Anh Nguyễn Văn Tiến, chủ trang trại chăn nuôi bò tâm sự: Ban đầu đi xuất khẩu lao động tôi mới chỉ nghĩ đến việc cố gắng tranh thủ kiếm thật nhiều tiền để tích lũy có vốn về làm ăn ở quê nhà khi hết hợp đồng. Tuy nhiên càng tiếp xúc, càng làm việc tôi mới nhận thấy phải học tập cách làm nông nghiệp của người Nhật để áp dụng vào đồng đất quê hương, đó mới thực sự là hướng đi bền vững nhất bởi điều kiện tự nhiên của người Nhật khó khăn hơn ta nhưng người nông dân Nhật Bản không chỉ làm việc cần cù, chăm chỉ cũng như nông dân quê mình mà họ khoa học đến từng chi tiết để nâng cao năng suất lao động và giá trị nông sản. Do đó thời gian ở nước bạn, ngoài công việc chuyên môn là một công nhân cơ khí nhưng hễ rảnh việc là tôi lại tìm hiểu cuộc sống, sinh hoạt hằng ngày của người dân địa phương nơi tôi ở và tích lũy kiến thức cho riêng mình. Trở về nước sau bao tính toán về hướng làm ăn, tôi mạnh dạn giãi bày tâm nguyện về một mô hình kinh tế ứng dụng công nghệ hiện đại của mình với người thân và lãnh đạo địa phương, tôi được ủng hộ hoàn toàn nên trong thời gian ngắn từ đầu năm 2016 đến nay, trang trại chăn nuôi của tôi đã hoàn thiện và có sản phẩm xuất bán. Từ những hình mẫu cụ thể, thiết thực ở địa phương, nhiều gia đình ở Yên Cường đã tính đến những bước táo bạo đầu tư cho con em mình sang Nhật Bản làm việc, học tập và định hướng ngành nghề phù hợp như nông nghiệp, công nghệ sinh học, chế biến thức ăn chăn nuôi… để sau này khi về nước còn có cơ hội tiếp tục làm việc và góp phần thay đổi phương thức sản xuất lạc hậu ở địa phương. Hiện tại trên địa bàn xã có hàng chục thanh niên đang làm việc, học tập tại Nhật Bản. Hầu hết những thanh niên này đã chuyển giai đoạn từ lao động sang du học để hoàn thiện vốn kiến thức, kỹ năng trước khi trở về làm giàu cho quê hương. Đây chính là cách tiếp biến văn hóa, kinh tế Nhật Bản một cách thực tế, khoa học và hiệu quả nhất của người dân Yên Cường.
Sự mạnh dạn trong tư duy chuyển đổi sản xuất, tiếp cận công nghệ mới của chính quyền và bà con nhân dân không chỉ mang lại cuộc sống no ấm cho người dân nơi đây mà còn giúp xã Yên Cường nhanh chóng bổ sung nguồn nhân lực chất lượng cao có năng lực, tiếp cận khoa học kỹ thuật mới đáp ứng yêu cầu xây dựng khu vực ứng dụng nông nghiệp công nghệ cao ngay trên đồng đất quê hương mà Bộ NN và PTNT đã lựa chọn. Đây chính là những nguồn lực nền tảng góp phần đảm bảo một xã Yên Cường NTM bền vững/.
Bài và ảnh: Nguyễn Hương