Chúng tôi tới thăm mô hình nuôi cá chạch của anh Nguyễn Mạnh Hùng, tổ 8, Thị trấn Quỹ Nhất (Nghĩa Hưng) khi Hùng đang cho cá ăn. Vừa làm anh vừa tranh thủ trò chuyện: “Gia đình em nuôi cá chạch đến nay cũng đã được khoảng 6-7 năm. Ban đầu do chưa có kinh nghiệm nên liên tục gặp thất bại. Bây giờ thì ổn rồi, năm ngoái, trừ chi phí, em thu về được 600 triệu đồng tiền lãi. Vì thế, mọi người trong nhà đều rất phấn khởi, yên tâm”.
Từ mô hình nuôi cá chạch hiệu quả, anh Nguyễn Mạnh Hùng, tổ 8, Thị trấn Quỹ Nhất (Nghĩa Hưng) đã trở thành triệu phú. |
Năm 2011, sau khi tốt nghiệp Trường THPT Nghĩa Hưng B, Nguyễn Mạnh Hùng đăng ký thi đại học nhưng không đỗ. Cùng thời điểm đó, kinh tế gia đình Hùng rất khó khăn do mô hình nuôi cá chạch thả đồng của bố Hùng không đạt hiệu quả kinh tế. Khi đó, trên diện tích 4 mẫu đất đấu thầu trồng lúa, bố Hùng thả khoảng gần 2 tấn cá chạch và nuôi theo phương pháp tự nhiên. Vì nuôi theo phương pháp tự nhiên nên không kiểm soát hết được nguồn cá, cá thường xuyên bị bệnh dẫn đến chết hàng loạt. Thất bại này càng làm cho kinh tế gia đình Hùng khó khăn hơn nhưng cũng là động lực để Hùng quyết tâm tìm hướng đi mới cho phát triển kinh tế gia đình. Hùng xác định, muốn nuôi trồng hiệu quả, trước hết phải hiểu biết về con nuôi đó. Vì vậy, Hùng đã tìm đọc tất cả các tài liệu về cách nuôi, ươm cá chạch hiệu quả qua các nguồn như: internet, ti vi, sách báo, tham quan mô hình thực tế... Càng tìm hiểu, Hùng càng thấy loại cá này có nhiều ưu điểm, có thể phát triển được trên đồng đất quê hương: “Cá chạch tự nhiên ngày càng bị đánh bắt cạn kiệt. Con cá này lại có nhiều ưu thế như: tăng trọng nhanh, chu kỳ nuôi ngắn (3-4 tháng/lứa), sức đề kháng cao, ít bệnh tật, thịt cá thơm, ngon, bổ dưỡng, giá bán cao, thị trường tiêu thụ thuận lợi... Do đó, tôi xác định nếu nuôi thành công đây sẽ là hướng đi đúng đắn để làm giàu”. Nghĩ là làm, Hùng bắt tay vào thuê thêm đất, cải tạo ao, xây bể, đầu tư khoa học công nghệ để nuôi cá chạch theo phương pháp công nghiệp. Trên tổng diện tích mặt nước 3ha, Hùng khoanh vùng các khu vực khác nhau để thuận lợi cho việc nuôi, gây giống cá… Đối với khu vực nuôi cá giống, Hùng tiến hành xây 2 bể là bể ươm và bể thức ăn với tổng diện tích khoảng 2.000m2. Đối với khu vực ao nuôi cá thịt, Hùng tiến hành cải tạo, mở rộng diện tích mặt nước để nuôi cá và xây dựng một quy trình khép kín cho mô hình nuôi cá chạch. Chuẩn bị cơ sở vật chất cho việc nuôi trồng xong, Hùng lựa chọn từ những lứa chạch thương phẩm các con tốt nhất để gây giống. Hùng sử dụng khu vực bể nuôi để ươm (ấp) giống. Mặc dù thử nghiệm khá nhiều kiểu ấp như ấp rải bể, ấp khay lưới nhưng tất cả các cách ấp truyền thống trên đều không cho hiệu quả khả quan, tỷ lệ đậu quá thấp. Loay hoay mãi vẫn chưa tìm ra cách ấp cá chạch hiệu quả thì tình cờ trong lần lên mạng tìm kiếm tài liệu về cá chạch, Hùng vô tình xem được một clip về cách ấp cá chạch hiệu quả của nước ngoài. Theo đó, họ sử dụng bình vây để ươm cá. Tuy nhiên giá thành của loại bình vây này khá cao (ít nhất là 20 triệu đồng/bình) nên Hùng tìm cách “cải biến” thiết kế. Sau khi quan sát cách làm bình vây, Hùng về nhà tự thiết kế, vẽ thành hình dáng cụ thể và nhờ thợ cắt kính làm với giá thành chi phí là 300 nghìn đồng/bình. Theo tính toán của Hùng, với 2 triệu cá bột, Hùng chỉ cần đặt 2 bình vây là đủ để ươm cá. Từ khi Hùng cho cá chạch ấp bằng bình vây, tỷ lệ đậu đã tăng lên tới 80-90%. Như vậy, từ khi gây giống cho đến lúc xuất bán Hùng ước tính mất từ 3-4,5 tháng/lứa cá. “Tùy theo thời tiết mà cá sinh trưởng nhanh hay chậm. Mùa hè, trung bình khoảng 3-3,5 tháng tôi xuất được một lứa cá. Mùa đông chậm hơn, dao động từ 4-4,5 tháng/lứa”, Hùng cho biết thêm. Ngoài đầu tư hệ thống bình vây để ấp cá, Hùng còn đầu tư hệ thống tuần hoàn nước đặt mua từ Viện Thủy sản 2 để nuôi cá chạch. Khi Hùng đưa hệ thống tuần hoàn nước vào ao nuôi có nhiều ưu điểm, đó là nước trong ao được xử lý hiệu quả hơn, nước sạch giúp cá ít bị bệnh tật, tốc độ sinh trưởng tốt hơn... Ngoài ra, Hùng còn mạnh dạn xây bể gây thức ăn phù du cho cá giống, hạn chế việc cá phải ăn cám công nghiệp. Quá trình nuôi, Hùng còn đặc biệt chú ý đến việc phòng bệnh và chế độ ăn cho cá. Đối với từng độ tuổi của cá Hùng lại áp dụng các cách cho ăn khác nhau. Cụ thể, khi chạch còn nhỏ cho ăn thức ăn có độ đạm trên 30%, sau đó giảm dần. 30 ngày nuôi sau cho chạch ăn thức ăn có độ đạm 20-25%, cho ăn 2 lần/ngày… Áp dụng các phương pháp nuôi khoa học cùng công nghệ hiện đại, mô hình nuôi cá chạch của Nguyễn Mạnh Hùng đã mang lại hiệu quả kinh tế cao. Sau 3 tháng nuôi, trọng lượng cá đã tăng lên đáng kể, khoảng 20-25 con/kg đối với cá thịt, gấp 1,5 lần so với cách nuôi thả ruộng truyền thống trước đây của gia đình. Năm 2015, với số lượng cá bán 150 tấn, trừ chi phí, gia đình Hùng thu về 600 triệu đồng tiền lãi. Năm 2016 theo ước tính của Hùng, số tiền mà gia đình thu về từ việc bán cá chạch cũng xấp xỉ bằng năm ngoái. Hiệu quả của mô hình đã chứng minh cách làm, hướng đi của Nguyễn Mạnh Hùng là hoàn toàn đúng đắn.
Giá trị kinh tế khá cao, được thị trường ưa chuộng, cá chạch đang trở thành con nuôi mới trong phát triển nuôi trồng thủy sản trên địa bàn tỉnh ta. Điều đó càng chứng tỏ, mô hình nuôi cá chạch theo phương pháp công nghiệp của Nguyễn Mạnh Hùng là phù hợp với điều kiện tự nhiên, nhu cầu thị trường. Mạnh dạn, dám nghĩ dám làm, từ một mô hình nuôi thất bại của gia đình, chàng thanh niên sinh năm 1993 đã trở thành triệu phú cá chạch, trở thành tấm gương cho nhiều thanh niên trong tỉnh học tập, noi theo./.
Bài và ảnh: Hoa Xuân